“Khăn áo” Hà thành

Nhà văn Nguyễn Bình Phương| 02/02/2022 06:43

(TN&MT) - Nếu ví Hà thành là một cô gái có nét đẹp lạ, thăm thẳm, thì những con đê, sông Hồng, thuyền bãi... chính là khăn áo điểm xuyết thêm vào vẻ đẹp thăm thẳm ấy.

*

Bao quanh Hà thành là những con đường đê xanh ngắt, mềm mại, uyển chuyển. Đi trên đường đê ấy, mọi phiền toái, mệt nhọc bỗng chốc tiêu tan.

Tầm này đương Xuân, nếu tới những đoạn đê đó, vài trăm thứ hoa cỏ sẽ làm bạn say. Bước chân sẽ châng lâng, thơ thới tới mức có cảm tưởng chỉ nhún nhẹ là có thể bay lên. Những con chuồn chuồn mảnh mai xô dạt sẽ vây lấy với vẻ nửa vồn vã, nửa trêu ghẹo, bỡn cợt. Trai gái Hà thành ngày nghỉ vẫn lẻ tẻ kéo nhau tới đấy, vừa khoác tay đi dạo vừa thủ thỉ chuyện gì đó có giời mới biết. Câu chuyện của những người đang yêu cũng bí mật, cũng đầy mộng tưởng như của đám chuồn chuồn vậy.

Nếu đứng trên đê đoạn ấy lúc sáng sớm, nhìn vào nội thành, qua màn sương sớm mỏng mảnh, sẽ thấy Hà Nội giống con thuyền nghiêng nghiêng, lờ mờ. Ấn tượng này diễn ra trong tích tắc thôi, sau đó sẽ là nắng óng ả xỏa lên dòng sông và Hà thành hiện dần ra, như những gì hiện dần ra từ giấc mơ. Còn thủng thẳng đạp xe trên đó vào buổi chiều thì thành phố lại mang tới một khuôn mặt khác, u trầm, ẩn nhẫn với những dáng nhà lô xô ven sông soi bóng xuống dòng nước vàng xộm. Lúc ấy Hà thành giống bức tranh sơn mài, càng nhìn càng thăm thẳm.

Những con đường đê quanh Thủ đô không chỉ là dẫn tới cái “view” đẹp mà bản thân chúng cũng là một vẻ đẹp. Cúi xuống mà xem, đất dưới chân đỏ au trộn với vài ba viên sỏi trắng tròn như trứng chim cút, vương thêm mấy chiếc lá khô nâu. Ven đường những con bò gặm cỏ, trong ánh chiều tà, thân thể cũng rực lên như một đám cháy lộng lẫy. Còn bọn trẻ thì chả để ý gì đến cái lạnh, ngả ngốn triền đê, chân vắt chữ ngũ, mắt nheo nheo, miệng nhấm nhẳng một cọng cỏ may. Trông đứa nào cũng ra chiều bâng khuâng, nghĩ ngợi, nhưng thực ra chúng đang nghỉ ngơi sau một hồi chạy đuổi nhau bở hơi tai. Cứ thế, những con đường đê làm nên một vẻ đẹp “làng xã” cho Hà thành.

nd-27.jpg
Ảnh: Văn Danh

**

Những người yêu thiên nhiên đã mượn tên một bức tranh nổi tiếng của một họa sĩ Nga để đặt cho bãi phù sa dưới chân cầu Chương Dương. Nơi đây, yên tĩnh đến lạ kỳ, chỉ có phù sa, cỏ, lau và những luống rau xanh nòn nõn, xung quanh là nước chảy miên man. Với một mái tranh màu nâu ải, ép xẹp, mượt và ẩn nhẫn. Có bói cũng không thấy chút sắt thép, bê tông nào ở chốn này. Chiều xuống, khói bắt đầu tỏa lên, khói bếp, khói đốt cỏ khô với mùi thơm phảng phất nôn nao. Diệu kỳ là khói trên sông, nó mềm mại, nó la đà, nó vừa là khói vừa là sương vừa là mây vừa là hơi nước.

Đấy, nơi “yên tĩnh vĩnh hằng” dưới chân cầu Chương Dương là thế đấy.

Một doi đất xoãi dài yên ả, không bị bất cứ chút văn minh nào xâm phạm. Đứng trên cầu nhìn xuống thấy doi đất ấy hơi nhọn, nửa giống một chú cá trắm đang rẽ nước bơi với sự hứng khởi lớn, nửa lại giống một mũi mác cổ đang bay tới cái đích là chân trời rộng mênh mông lấp lánh ánh nước đỏ của sông Hồng. Ven mép nước, củi rều táp vào, trộn với phù sa tạo thành một đường viền tinh khôi. Cũng ở mép nước còn có vô khối những... bát nhang do người ta thả xuống. Những bát nhang đủ kiểu, đủ kích cỡ nhưng chung nhau một điểm là luôn có hoa văn rồng. Rồi trăm năm nữa, những bát nhang ấy sẽ trở thành đồ cổ và cả bãi phù sa này trở thành cái kho vô tận. Vài ba con thuyền nhỏ bé thư thả ghé vào, làm gì đó rồi lại tách ra, tiếp tục lênh đênh theo lộ trình lam lũ của mình, với rau cỏ, cá mú và trăm thứ bà dằn khác.

Mùa này phù sa đang xanh, cỏ xanh, rau xanh, cây cối, dĩ nhiên loại cây nho nhỏ thôi, cũng xanh. Một màu xanh không pha trộn, nguyên khởi, tràn trề sức lực. Trên cầu, ai đó đang thần người nhìn bãi đất, máy ảnh treo toòng teng trước ngực mà quên không chụp. Một đám mây trắng kềnh càng bay qua phủ lên bãi đất chút bóng nhè nhẹ.

***

Khoảng chục chiếc thuyền nan nhỏ, thế là bên hông thành phố phồn hoa, dưới chân cầu Long Biên cổ kính, hình thành một xóm thuyền chài thực sự.

Những chiếc thuyền ấy để đánh cá, để chuyên chở hàng hóa, hoặc đi đâu đó mấy ai tìm hiểu kỹ càng được. Chỉ biết thi thoảng chúng, những con thuyền đơn sơ này, lặng lẽ biến đi một thời gian rồi lại lặng lẽ trở về cắm sào rải rác ngay dưới chân cầu Long Biên, sát mép của bãi sa bồi mươn mướt giữa sông.

Và rồi người Hà thành sẽ lại được chứng kiến mọi sinh hoạt diễn ra ở đấy, y chang một làng chài nhỏ nguyên thủy, cũng áo quần phơi sào, cũng khói bếp bốc lên, cũng í ới sai bảo, quát lác và tiếng cười giòn giã trải dài trên mặt nước màu mỡ. Đôi khi trên những chiếc thuyền ấy, một quả bóng màu sặc sỡ bị đứt dây bay thốc lên trong tiếng xuýt xoa tiếc nuối của lũ trẻ cùng bàn tay đen tí xíu khua khua theo nửa như tạm biệt, nửa như níu kéo. Bất cứ ai, nếu ngỏ ý, đều có thể được gia chủ những con thuyền ấy vui vẻ mời lên uống nước và chuyện trò thoải mái, rôm rả như đã từng quen biết nhau từ chục năm trước.

Những con thuyền mộc mạc lam lũ kia chẳng phải chỉ làm xao lòng biết bao nhiêu du khách quốc tế từ phương xa tới, mà còn làm nao lòng khối người dân sống ở Hà thành nhưng gốc gác lại tít vùng quê sông nước nào đó. Cái xóm chài nhỏ bé ấy tồn tại dai dẳng như ký ức thiêng liêng của vùng châu thổ sông Hồng vậy.

Chiều cuối tuần, sau quãng thời gian làm việc mệt mỏi, tha thẩn dạo bộ trên cầu Long Biên, ngó xuống những con thuyền đã cũ vì dầu dãi nắng mưa, không kìm được, ta bỗng thầm ước được lên con thuyền đó. Lên để một lần lênh đênh giữa trời nước cho tâm hồn tràn ngập sảng khoái rồi sau đó lại quay về với công việc triền miên đang chờ mình.

...

Có những con thuyền rồi sẽ bỏ dòng sông. Chỉ có bến bãi vẫn xanh và đê vẫn mềm như một chiếc khăn lụa. Và trong ký ức người yêu Hà Nội, chúng không chỉ là “khăn áo”, mà còn là gói bọc hồn cốt Hà thành.

Những con đường đê quanh Thủ đô không chỉ là dẫn tới cái “view” đẹp mà bản thân chúng cũng là một vẻ đẹp. Cúi xuống mà xem, đất dưới chân đỏ au trộn với vài viên sỏi trắng...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Khăn áo” Hà thành
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO