Tân Thạnh (Long An): Phát huy lợi thế đất nông nghiệp để phát triển
(TN&MT) – Là huyện thuần nông, Tân Thạnh tập trung nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về đất đai trên địa bàn, đặc biệt là phát huy lợi thế đất nông nghiệp trong đầu tư, sản xuất nhằm nâng cao cuộc sống người dân, góp phần phát triển bền vững kinh tế - xã hội địa phương. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Báo TN&MT đã có cuộc trao đổi với ông Hà Thanh Chì, Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Thạnh (Long An).
PV: Thời gian qua, Tân Thạnh đã có những điểm nổi bật nào trong công tác quản lý, khai thác hiệu quả đất nông nghiệp trên địa bàn huyện, thưa ông?
Ông Hà Thanh Chì:
Phát huy tiềm năng, lợi thế của một huyện thuần nông, thời gian qua, Đảng bộ và chính quyền Tân Thạnh quan tâm lãnh, chỉ đạo phát triển ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại, hiệu quả và bền vững nhằm tạo sức bật trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; trọng tâm là chú trọng quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch phù hợp xu thế phát triển.
Bên cạnh, tập trung xây dựng vùng chuyên canh sản xuất 2-3 vụ lúa/năm; trong đó vùng sản xuất lúa chất lượng cao, ứng dụng công nghệ cao đến năm 2025 là 15.000 ha. Quy hoạch chuyển đổi 5.000 ha đất trồng lúa sang trồng cây ăn quả và nuôi thủy sản, trong đó có 600 ha trồng chuyên canh cây ăn quả phục vụ vùng nguyên liệu trái cây xuất khẩu và kết hợp phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn.
Đồng thời, tập trung khai thác quỹ đất vườn, vườn tạp, ao, đầm và đất nông nghiệp khác để phát triển chăn nuôi nông hộ như: heo, bò, dê, gà, vịt, nuôi thủy sản đặc trưng như ếch, lươn, cá đồng, nuôi chim yến… Khuyến khích nông dân đẩy mạnh luân canh cây ngắn ngày, rau màu trên nền đất lúa, nhất là vùng lúa 2 vụ hoặc trũng thấp để tăng giá trị trên một diện tích đất nông nghiệp.
Song song đó, chỉ đạo ngành chuyên môn tăng cường tập huấn, hướng dẫn ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, cơ giới hóa, công nghệ tiên tiến vào sản xuất; triển khai các chính sách phát triển nông nghiệp theo định hướng, quy hoạch; triển khai thực hiện tốt công tác an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc; xây dựng và quảng bá hình ảnh nông sản, sản phẩm nông nghiệp.
Ngoài ra, trên cơ sở quy hoạch sử dụng đất, định hướng phát triển nông nghiệp đề ra, huyện Tân Thạnh ưu tiên đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng từng bước phù hợp với đối tượng sản xuất được quy hoạch, định hướng, giúp phát huy thế mạnh sản xuất nông nghiệp nhằm vừa chuyên canh vừa đa dạng hóa sản xuất theo định hướng sản xuất nông nghiệp đa giá trị, tăng thu nhập nông hộ, nâng cao đời sống nhân dân.
PV: Ông có thể nói rõ hơn từ việc quản lý, sử dụng đất nông nghiệp hiệu quả đã góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của người dân địa phương ra sao?
Ông Hà Thanh Chì:
Từ việc quản lý, sử dụng đất nông nghiệp hiệu quả, cùng với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự quan tâm hỗ trợ của các Sở, ngành tỉnh Long An nên đã góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của người dân địa phương huyện Tân Thạnh. Trong đó, điểm nổi bật đáng ghi nhận nhất là: Sản lượng lương thực năm qua đạt trên 530.000 tấn. Huyện chủ trương nâng cao hiệu quả, giá trị sản xuất lúa nên đã quy hoạch và triển khai xây dựng vùng sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao 15.000 ha đến năm 2025, đến nay đã thực hiện khoảng gần 14.000 ha, đạt 93,2% lộ trình.
Cùng với đó, lãnh đạo huyện luôn khuyến khích nông dân tham gia thực hiện chương trình liên kết sản xuất theo chuỗi, theo cánh đồng lớn, nổi bật là mô hình “Xây dựng vùng lúa ứng dụng công nghệ cao đạt tiêu chuẩn hàng hóa xuất khẩu” 150 ha trên địa bàn xã Nhơn Hòa Lập; đồng thời xây dựng chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ trên cây chanh với diện tích 21 ha xuất khẩu thị trường EU và nhiều liên kết sản xuất tiêu thụ khác với diện tích liên kết hàng năm gần 9.000 ha. Những mô hình này góp phần giúp nông dân giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận và phát triển sản xuất lúa theo hướng bền vững.
Ngoài thế mạnh sản xuất lúa, Tân Thạnh còn khuyến khích nhân dân mở rộng phát triển nhiều mô hình chuyển đổi cây trồng trên đất trồng lúa kém hiệu quả như: luân canh lúa- sen, lúa- dưa hấu. Ngoài ra, huyện cũng đang dần hình thành vùng nguyên liệu cây ăn quả, như: mít, chanh, sầu riêng,... lũy kế đến nay tổng diện tích cây ăn quả trong vùng là 2.513 ha. Hiện, chanh, mít, sầu riêng đã cho thu hoạch và đạt lợi nhuận cao hơn từ 3-20 lần so với trồng lúa; và diện tích rau màu luân canh trên nền đất lúa, nhất là vùng lúa 2 vụ hoặc trũng thấp hàng năm dao động từ 1.500 - 2.000 ha góp phần tăng giá trị trên một diện tích đất nông nghiệp.
Cạnh đó, địa phương cũng đã đẩy mạnh thực hiện các chính sách, khuyến khích trong phát triển nông nghiệp để nâng cao chất lượng, giá trị nông sản- sản phẩm nông nghiệp. Đồng thời tập trung khai thác quỹ đất vườn, vườn tạp, ao, đầm và đất nông nghiệp khác để phát triển chăn nuôi nông hộ. Từ đó đã góp phần đa dạng hóa sản xuất cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế nông hộ, nâng cao đời sống nông dân.
PV: Thời gian tới, Tân Thạnh có những giải pháp gì trong khai thác các tiềm năng, lợi thế về đất nông nghiệp để phục vụ sản xuất hiệu quả, góp phần cho sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội của huyện?
Ông Hà Thanh Chì:
Là địa phương thuần nông, diện tích đất nông nghiệp toàn huyện hiện có 37.683 ha. Để khai thác, sử dụng đất nông nghiệp hiệu quả, thời gian tới, Tân Thạnh sẽ tập trung ra sức thực hiện các giải pháp trọng tâm như sau:
Thứ nhất, quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch phù hợp để phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững. Trong đó, quy hoạch, định hướng phát triển nông nghiệp đến năm 2025: Vùng chuyên canh lúa 30.572 ha, sản xuất 2-3 vụ lúa/năm; trong đó vùng sản xuất lúa chất lượng cao, ứng dụng công nghệ cao và tham gia đề án “Phát triển bền vững 01 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” là 15.000 ha. Quy hoạch chuyển đổi 5.000 ha đất trồng lúa sang trồng cây ăn quả và nuôi thủy sản; trong đó 600 ha trồng chuyên canh cây ăn quả phục vụ vùng nguyên liệu trái cây xuất khẩu và kết hợp phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn. Đồng thời tập trung khai thác quỹ đất vườn, vườn tạp, ao, đầm và đất nông nghiệp khác để phát triển chăn nuôi nông hộ.
Thứ hai, huyện xác định kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Việc này, trên cơ sở quy hoạch sử dụng đất, định hướng phát triển nông nghiệp đề ra, huyện tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng từng bước phù hợp với đối tượng sản xuất được quy hoạch, định hướng; đặc biệt tiếp tục ưu tiên nguồn lực để kết nối các tuyến giao thông trọng điểm, để tạo điều kiện phát triển toàn diện các thành phần kinh tế của huyện.
Thứ ba, tiếp tục chỉ đạo ngành chuyên môn tăng cường tập huấn, hướng dẫn ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, cơ giới hóa, công nghệ tiên tiến vào sản xuất; chú trọng triển khai các chính sách phát triển nông nghiệp theo định hướng, quy hoạch để phát triển sản xuất một cách thuận lợi, hiệu quả.
Thứ tư, chỉ đạo ngành chuyên môn và UBND cấp xã tuyên truyền, hướng dẫn người dân chuyển đổi sản xuất trên đất nông nghiệp đúng quy định. Thường xuyên kiểm tra, quản lý, xử lý các trường hợp vi phạm trong quản lý sử dụng đất nông nghiệp, đảm bảo công tác lãnh đạo, quản lý sử dụng đất đúng quy định của phát luật, đồng thời phục vụ cho phát triển nông nghiệp hiệu quả, đúng định hướng, chủ trương mà huyện đã đề ra, góp phần phát triển địa phương Tân Thạnh ngày một giàu đẹp.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!