(TN&MT) - Khám phá tổ hợp những hang động cực đẹp và kĩ vĩ ở địa phận bản Khá, xã Quài Cang, huyện Tuần Giáo (tỉnh Điện Biên); là một trong những di sản văn hóa độc đáo, chứa đựng những giá trị về mặt lịch sử, khoa học và thẩm mỹ... là dấu tích quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển của trái đất.
Hang động Bản Khá thuộc địa phận bản Khá, xã Quài Cang, huyện Tuần Giáo, hang động nằm trong dãy núi đá vôi được hình thành do kiến tạo địa chất của trái đất, quá trình karst hoà tan (là hiện tượng phong hóa đặc trưng của núi đá vôi nước chảy xói mòn) cách ngày nay hàng triệu năm; là một trong những điểm đến lý tưởng cho du khách ưa thích khám phá thiên nhiên, du lịch trải nghiệm, chinh phục vẻ đẹp bất tận của tạo hóa.
Nhũ đá tua tủa đâm thẳng xuống nền hang động như những dải lụa, chiếc đèn chùm. Ảnh Minh Chiến |
Hang động Bản Khá nằm ở độ cao 760m so với mực nước biển; trong hang động là những khối thạch nhũ hình thù độc đáo, kỳ lạ, nơi hội tụ nhiều tính chất đa dạng của thiên nhiên: địa chất, địa mạo, địa hình, khí hậu, sinh học, sinh thái và cảnh quan môi trường. Đến với bản Khá du khách có thể thỏa sức khám phá, trải nghiệm 04 hang động trên một dãy núi đá vôi mang tên “Pom Mỏ” (Pom có nghĩa là núi, Mỏ có nghĩa là núi chảo, khi nhìn từ dưới lên dãy núi giống như một chiếc chảo khổng lồ). Quanh hang động là những nương ngô, nương lúa, đồng ruộng của người dân bản Khá bao phủ bởi một màu xanh mướt, trông xa xa tựa như tấm thảm nhung xanh trải dài, cảm giác thoáng đạt, mênh mang và yên bình.
Nhũ đá dài như những dải lụa |
Hang động thứ nhất: Nằm ở vị trí chân núi cách hang thứ ba khoảng 200m về hướng Đông Nam, cửa hang rộng 1,5m, cao 01m quay theo hướng Đông Nam; hang có chiều sâu 93m, chia làm hai khoang.
Để vào được bên trong du khách phải bám thật chắc vào những tai đá để xuống, sau đó khom lưng để qua; vòm động là những nhũ đá khổng lồ màu ánh vàng, xanh xám liên kết thành từng mảng lớn kèm theo các nhũ đá dài như những dải lụa bên trong là các con vật như đang ẩn mình trong nhũ đá, hốc đá và măng đá như đang hội nơi đây. Đặc biệt ở phần cuối hang động là ruộng bậc thang như được thu nhỏ các đường nét uốn lượn, đẽo gọt chạm khắc công phu.
Hang động thứ hai: Nằm ở vị trí gần chân núi, cửa hang rộng 3,2m; cao 4,2m quay theo hướng Đông Bắc; hang động có chiều dài 55m. Nơi rộng nhất 07m, hẹp nhất 1,2m. Bên trong hang động là những tảng, phiến đá lớn gồ ghề, do quá trình dư chấn, mài mòn qua thời gian nền hang đứt, gẫy cắt xẻ sâu 02-03m, với những khối nhũ đá màu xám, vàng, trắng, xanh rêu, mang hình thù các con vật, hình ngọn hải đăng, đèn chùm hay các cây nấm khổng lồ hay những chuỗi ngọc.
Càng đi sau đi sâu vào trong vòm hang hẹp dần, nhũ đá mang hình tròn nhiều kích thước như những quả na, con cóc hay hàm răng cá mập… Ảnh: Minh Chiến |
Hang động thứ ba: Nằm cách hang thứ hai khoảng hơn 100m về hướng Tây Bắc. Hang nằm ở vị trí lưng chừng núi, xung quanh là nương rẫy của người dân bản Khá. Hang động có chiều sâu 42m, gồm 02 cửa cách nhau khoảng 02-03m, quay về hướng Đông Bắc, cả 02 cửa đều nhỏ hẹp ăn sâu xuống lòng đất khoảng 20m, để xuống phải sử dụng thang hoặc dây thừng. Với ánh sáng tự nhiên từ bên ngoài lọt vào trong qua cửa đã làm không gian nơi đây mờ ảo, huyền bí, khiến cho du khách tò mò, thôi thúc khám phá; bên trong các cột nhũ từ trên trần rủ xuống như những thác nước luồn qua những ngõ ngách, lúc khép, lúc mở, như đang len lỏi qua các ngách đá như những áng mây, dải lụa thướt tha, hiền dịu khẽ đưa nhẹ theo những làn gió, đẹp và quyến rũ được tạo bởi bàn tay của tạo hóa ban tặng cho hang động nơi đây.
|
Hang động thứ tư: Nằm cách hang thứ nhất khoảng hơn 150m về hướng Tây Bắc. Hang động có 02 cửa, cửa thứ nhất hướng Tây Nam cao 01m, rộng 02m; cửa thứ hai Đông Nam cao 06m, rộng 2,2 m. Hang có tổng chiều dài 95m, hình chữ V được chia làm 03 khoang. Tại các khoang nhũ đá tua tủa đâm thẳng xuống nền hang động như những dải lụa, chiếc đèn chùm, quả chuông khổng lồ màu vàng xám, tựa như một bức tranh thủy mặc với núi non hung vĩ, trùng điệp. Các nhũ đá ở đây như được đẽo gọt, chạm khắc công phu bởi bàn tay của tạo hoá
Ông Đoàn Văn Chì, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho biết: UBND tỉnh Điện Biên đã công nhận xếp hạng: Danh Lam thắng cảnh hang động Bản khá, xã Quài Cang, huyện Tuần Giáo là di tích cấp tỉnh tại Quyết định số 1445/QĐ-UBND ngày 23/12/2020.