Khai thác titan ở Động Đạt, Phú Lương (Thái Nguyên): Bài 1: Nỗi thống khổ mang tên… bùn thải

27/08/2013 00:00

Những cơn mưa nặng hạt sau hoàn lưu bão số 5, đã khiến cánh đồng lúa hơn 8 ha của người dân xã Động Đạt, huyện Phú Lương ngập màu đỏ quạch bùn thải...

   
(TN&MT) - Những cơn mưa nặng hạt sau hoàn lưu bão số 5 vừa qua đã khiến cánh đồng lúa hơn 8 ha của người dân xã Động Đạt, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) ngập màu đỏ quạch bùn thải từ  hồ chứa bùn khai thác titan phía trên đồi tràn xuống. Cái đói đang đe dọa những người nông dân chỉ biết trông vào đồng ruộng ở đây, bởi lấy đâu ra thóc khi bùn thải quấn ngập thân lúa đang giai đoạn ngậm đòng…
   
 Miên man đng lúa xanh      pha …đ
   
  Nhận được đơn thư kêu cứu của hàng chục hộ dân Xã Động Đạt thuộc huyện miền núi Phú Lương, thành phố Thái Nguyên về việc bùn thải từ hồ chứa của Công ty khai thác mỏ Baltich làm ngập hơn 8ha ruộng của dân đã hơn 40 ngày qua mà không có cơ quan chức năng nào đứng ra giải quyết, chúng tôi lập tức lên đường…
   
  Chỉ cách trung tâm thành phố Thái Nguyên chừng 20 km nhưng Động Đạt là một xã thuần nông nên còn nghèo lắm. Dẫn chúng tôi thăm cánh đồng đang mơn mởn xanh tốt thì bị ngập bùn, Ông Lê Hồng Quảng (người dân thôn Tân Lập), đại diện các hộ dân có ruộng bị tràn bùn cho biết: Những ngày đầu khi Công ty Cổ phần titan Ban Tích được cấp phép khai thác tại đây, bà con ai cũng mừng vì những tưởng sẽ có thêm công ăn việc làm. Song thực tế ngược lại những gì mà người dân nơi đây mong đợi. Năm 2005, sau khi được cấp phép khai thác titan tại xã Động Đạt, huyện Phú Lương, Công ty đã bắt tay vào khai thác. Chỉ trong thời gian ngắn, vào năm 2008, nơi đây đã xảy ra sự cố vỡ đập, cuốn trôi khoảng 50.000 m3 bùn và đất đá cùng diện tích đất nông nghiệp của cánh đồng xóm Đồng Nghè I bị thiệt hại. Nguyên nhân chủ yếu của sự cố trên lúc bấy giờ được xác định là do khu vực khai thác, tuyển rửa quặng của doanh nghiệp nằm trên địa hình núi cao, các bãi thải chứa một lượng bùn, đất lớn, đập ngăn không đảm bảo an toàn... Những thiệt hại xảy ra trong thời điểm đó đã được xã, huyện kiểm đếm và đền bù thiệt hại, ổn định đời sống sản xuất cho người dân.
   
  Đến thời điểm này, cảnh vỡ đập của những năm 2008 đã lặp lại trên những cánh đồng quê nghèo này. Sau cơn bão số 5 và 6 vào ngày 10/7 mới đây, hơn 8 ha lúa hè thu của 4 xóm Đồng Nghè I, Cây Châm, Tân Lập và Làng Chảo trên địa bàn xã đã bị ngập úng trong bùn thải. Có khoảng 1/3 diện tích lúa trong số này bị mất trắng hoàn toàn. Số còn lại thì đang “hấp hối” vì lượng bùn thải ngập đến lưng thân cây. Theo sự chỉ dẫn của người dân trong xóm Tân Lập, chúng tôi được chứng kiến những thửa ruộng ngập trong bùn thải đỏ quạch. Nơi ngập ít nhất cũng phải khoảng 10 cm, còn nơi nhiều nhất thì cũng lên tới 50 cm.
   
Hồ chứa bùn thải không đảm bảo an toàn. Ảnh: Hoàng Minh
             
    
   
  Ông Lê Hồng Quảng (người dân thôn Tân Lập) cho biết: Đợt mưa vừa rồi lượng bùn thải từ những đập này đã tràn xuống cánh đồng lúa của dân 4 xóm trên, gây thiệt hại hơn 8 ha lúa và hoa màu.
   
  Lúa chết, mất mùa dân của hai thôn Tân Lập và Làng Chảo đã nhiều lần gửi đơn lên xã rồi huyện nhưng đến nay đã hơn 1 tháng trôi qua vẫn không có hồi âm. Ông Vi Văn Hùng, Trưởng thôn Tân Lập, xã Động Đạt, huyện Phú Lương, Thái Nguyên bức xúc cho biết: Hiện nay người dân gần như bế tắc bởi lẽ điều kiện của dân có hạn, báo cáo qua cấp chính quyền xã rồi lên tận huyện, gặp cả Phó Chủ tịch huyện nhưng vẫn chỉ chờ giải quyết và không biết chờ đến bao giờ.
   
  Thực tế những người nông dân “một nắng hai sương” ở đây sống phụ thuộc vào mấy sào ruộng nhưng những thửa ruộng đang chết dần, không đủ điều kiện để đảm bảo cuộc sống của họ sau này. Hàng ngày họ vẫn mong ngóng từng đoàn công tác xuống giải quyết nhưng đến nay vẫn “bặt vô âm tín”. Theo ông Vi Văn Hùng, đến nay, phía Công ty TNHH Nhật Sơn (đơn vị khai thác titan ở đây) có ý hỗ trợ cho bà con nhưng vì mức đền bù không thỏa đáng nên người dân không chấp nhận.
  Trưởng thôn Tân Lập Vi Văn Hùng kiến nghị: Nếu như các công ty khai thác ở đây không đảm bảo môi trường và đảm bảo sản xuất cho nhân dân thì yêu cầu các công ty dừng sản xuất và khắc phục hậu quả cho bà con chúng tôi.
   
Khai thác mỏ,  “bỏ”…môi trường?
   
  Để có được cái nhìn khách quan cũng như tận mắt chứng kiến cách khai thác titan của một số đơn vị, đặc biệt là đơn vị có hồ chứa bùn thải không an toàn, gây tràn ngập xuống ruộng của dân, chúng tôi quyết định vào tận khu khai thác mỏ trong tiết mưa lâm thâm, con đường thì lầy lội ngập ngụa bùn đất mà các loại xe bình thường không dễ gì tiến sâu vào được. Cũng may là “thiên thời địa lợi” bởi lẽ không dễ gì mà vào được tận mỏ khai thác trong lúc các công ty này đang tiến hành tuyển quặng. Nhờ sự quen biết của người dân địa phương với tốp bảo vệ ngoài barie chắn đường, đoàn chúng tôi mới lọt được vào vòng trong khu vực khai thác, “cấm những người không phận sự miễn vào”. Phóng tầm mắt xuống những mỏ khai thác lộ thiên, chúng tôi không khỏi xót xa khi xung quanh là nham nhở những hố khai thác lộ thiên đào xới bừa bãi, quặng, thải ngổn ngang không đảm bảo vấn đề môi trường. Những chiếc xe chuyên dụng khai thác quặng nối đuôi nhau nằm chờ “ăn hàng”. Những đống titan khai thác dở vẫn chưa kịp đãi hết bùn đất nằm chỏng trơ trên mặt đất. Một khu mỏ rộng hàng trăm ha chỉ có độc một cái hồ chứa bùn thải nhỏ thó được tận dụng sườn dốc của vách núi đắp thành thì làm sau “tải” nổi? Theo cảm quan của những người tận mắt “mục sở thị”, chỉ cần một trận mưa lớn là nước dâng đầy đập và những lớp bùn thải sẽ theo đó tràn qua thân đập trôi xuống cánh đồng lúa của bà con nằm ngay dưới chân núi.
  Quan trọng hơn, nước bùn theo con kênh mương tưới tiêu nước duy nhất của cánh đồng tràn xuống tới tận vùng lúa bán sát đường nội bộ của 2 thôn giáp đường. Như vậy, không chỉ ruộng của bà con nằm sát chân núi bị ảnh hưởng mà ruộng của những người cách chân núi hàng cây số cũng chịu chung số phận.
  Ông Lê Hồng Quảng cho biết thêm, kể từ khi Công ty Cổ phần Ban Tích và một số Công ty khai thác khoáng sản lập dự án khai thác khoáng sản tại khu vực này, hệ thống thủy lợi và hồ chứa nước phục vụ sản xuất nông nghiệp của bà con bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Do vị trí khai thác ở trên cao, mùa mưa bùn, đất, đá trôi xuống lấp hết mương máng, ruộng và lòng hồ. Nhân dân đã kiến nghị lên xã nhưng vẫn không được giải quyết thoả đáng.
   
  Vậy là, trong một thời gian dài, người  thì “của đau, con xót” chạy khắp nơi kêu cứu. Còn các cấp chính quyền  xã, huyện vẫn “bình chân như vại” với lời hứa lấy lệ “sẽ giải quyết”. Nguyên nhân chính gây nên tình trạng này là  chủ mỏ - Công ty Cổ phần Ban Tích thì thường  xuyên “mất tích”.
   
Người dân bức xúc trước nhiều diện tích lúa bị ngập nặng trong bùn thải.
Ảnh: Hoàng Minh
         
   
Cơ quan quản lý  tiếp tục hứa…
   
  Theo Sở TN&MT tỉnh Thái Nguyên, mỏ titan Cây Châm, xã Động Đạt, huyện Phú Lương đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy phép khai thác khoáng sản số 325/GP – BTNMT ngày 25/3/2005 cho Công ty Cổ phần Ban Tích. Theo đó, công suất khai thác là 165.000 tấn quặng nguyên khai/năm; phương pháp khai thác lộ thiên và diện tích khu vực khai thác 6,77 ha với thời gian khai thác 24 năm.
   
  Bà Hoàng Thị Liên (Chi Cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường – Sở TN&MT tỉnh Thái Nguyên) cho biết: Theo biên bản kiểm tra liên ngành về hoạt động khai thác khoáng sản của Công ty Ban Tích tại khu vực mỏ Cây Châm vào tháng 6/2012 cho thấy, Công ty Cổ phần Ban Tích đã xin dừng sản xuất từ tháng 11/2011 đến tháng 7/2012. Từ đó đến nay, Sở TN&MT cũng chưa tổ chức thêm một đoàn kiểm tra nào nên cũng không nắm được tình hình?!
   
  Theo bà Liên, từ khi Công ty đi vào hoạt động đến nay, Sở TN&MT Thái Nguyên đã tổ chức đi kiểm tra một lần vào năm 2011 và mới chỉ phát hiện lượng nước thải rò rỉ tại thân đập có chỉ tiêu sắt vượt tiêu chuẩn cho phép 9,76 lần.
   
  Bà Hoàng Thị Liên nói: “Hôm nay các nhà báo phản ánh thì Sở mới biết việc này chứ trong thâm tâm chúng tôi vẫn nghĩ rằng mọi chuyện đã ổn không có vấn đề gì”. Bà Liên cũng mong nhận được sự thông cảm từ phía người dân và đoàn phóng viên hôm ấy rằng, với nhân sự ít ỏi như hiện nay (Chi cục Bảo vệ môi trường có 15 biên chế) và khối lượng công việc đồ sộ thì việc kiểm tra các cơ sở khai thác khoáng sản trên địa bàn không hề đơn giản. Đơn cử, có những cơ sở 5 năm mới quay lại kiểm tra 1 lần. 
  Tuy nhiên, đại diện Chi cục Bảo vệ môi trường cũng đưa ra một lời hứa, sau buổi làm việc này, Sở TN&MT cũng không thể đứng ngoài cuộc. Chắc chắn Sở sẽ tổ chức đoàn đi kiểm tra lại độ an toàn hồ đập và có ý kiến để chính quyền giải quyết đền bù thoả đáng cho dân…                                                          
   
Nhóm PV
   
Bài 2: Hé lộ về  “độ an toàn” của hồ chứa bùn thải
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khai thác titan ở Động Đạt, Phú Lương (Thái Nguyên): Bài 1: Nỗi thống khổ mang tên… bùn thải
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO