Khai thác mỏ: “Trải chiếu hoa” thu hút lao động

12/02/2014 00:00

(TN&MT) - Ngay từ những ngày đầu của năm mới, thợ mỏ đã trở lại với công việc của mình.

(TN&MT) - Ngay từ những ngày đầu của năm mới, thợ mỏ đã trở lại với công việc của mình. Điều đó cho thấy tinh thần trách nhiệm với công việc, song bên cạnh đó minh chứng thực tế, lao động trong lĩnh vực mỏ ngày một ít đi khiến cho anh em thợ mỏ còn lại phải chạy đua với thời gian để hoàn thành kế hoạch đề ra. Ngành khai thác khoáng sản nói chung, khai thác than nói riêng đang đứng trước thách thức rất lớn là không có lao động làm việc tại mỏ...
   
Hồ hởi ra quân từ đầu năm
   
  Ngay từ ngày 5/2/2014 (tức mùng 6 Tết Giáp Ngọ), tại Quảng Ninh, nhiều đơn vị, doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) đã tổ chức cho cán bộ lao động đồng loạt ra quân sản xuất đầu năm. Năm 2013 là năm cực kỳ khó khăn đối với ngành khai thác khoáng sản nói chung, ngành than nói riêng nhưng các doanh nghiệp đã nỗ lực vượt qua khó khăn hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Theo kế hoạch, năm 2014, các doanh nghiệp thuộc Vinacomin đều cam kết phấn đầu doanh thu vượt năm trước, thu nhập bình quân người lao động cao hơn năm 2013.
   
Thợ mỏ thu nhập cao nhưng luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro nghề nghiệp
    
   
  Cũng trong ngày 5/2, nhiều nhà máy thuộc ngành công nghiệp khoáng sản của Vinacomin cũng làm lễ ra quân sản xuất. Đó là các đơn vị như Cty mỏ tuyển đồng Sin Quyền, Cty TNHH một thành viên Apatít Việt Nam, Cty luyện đồng Lào Cai, mỏ sắt Quý Sa (Cty thép Việt - Trung), một số nhà máy phốtpho vàng, nhiều nhà máy thủy điện trên địa bàn Lào Cai đã đồng loạt ra quân sản xuất sau thời gian nghỉ Tết Nguyên đán.
   
  Tại các mỏ khai thác sắt Thạch Khê (Hà Tĩnh), khu mỏ Núi Pháo (Thái Nguyên) cũng đồng loạt ra quân khai mỏ trong ngày 5/2. Các doanh nghiệp cũng như người lao động muốn tranh thủ thời gian, nỗ lực hoàn thành kế hoạch sản lượng khai thác đề ra trong năm 2014.
   
Thiếu nguồn “cung” lao động -  thách thức lớn
   
  Ngành khai thác mỏ là một trong những ngành nghề luôn trong tình trạng thiếu nhân lực. Tuy nhiên, nghịch lý ở chỗ, thu nhập cao, chế độ đãi ngộ hậu hĩnh nhưng tính chất công việc quá vất vả, rủi ro cao... đã không hấp dẫn người lao động.
   
  Theo đánh giá của công đoàn Vinacomin, việc thu hút lao động trẻ chọn nghề thợ lò đã được Vinacomin chú ý áp dụng nhiều chính sách ưu tiên ngay từ khâu đào tạo tại các trường nghề như miễn toàn bộ học phí, tiền ăn, tiền ở, ra trường có việc làm ngay với mức lương rất cao so với chuẩn bậc 3/7: Từ 9-10 triệu đồng/tháng/người. Mặc dù vậy chỉ tiêu mãi vẫn không hoàn thành, tỷ lệ tuyển dụng lao động năm sau cứ thấp dần so với những năm trước đó. Theo số liệu của Vinacomon cho thấy: Năm 2012 chỉ đạt 75,1% so với kế hoạch, 6 tháng năm 2013 đạt xấp xỉ 40%.
   
  Ông Bùi Quốc Tuấn, Giám đốc Công ty Than Nam Mẫu, đơn vị đang triển khai việc khai thác hầm lò xuống sâu ở mức -200 m với mục tiêu tới năm 2015 tham gia 2,5 triệu tấn than trong sản lượng của Vinacomin cho hay, đau đầu nhất của lãnh đạo doanh nghiệp than hiện nay là lao động. Trước đây, không có nhiều ngành cạnh tranh, người lao động có thể vì lương cao mà chấp nhận hy sinh nhiều thứ. Còn hiện giờ, lương thợ lò 9-10 triệu đồng/người/tháng, nhưng tuyển rất khó. Thậm chí, phải lên cả các vùng dân tộc để tuyển lao động, mà vẫn không đủ.
   
  Cũng theo Công đoàn Vinacomin, nguyên nhân chính khiến giới trẻ quay lưng với nghề thợ lò là do nhận thức rằng, đây là nghề đặc biệt nặng nhọc, vất vả, thậm chí độc hại. Bên cạnh đó, nhiều công nhân mỏ có tay nghề, sau nhiều năm gắn bó với ngành đã bỏ việc khiến cho việc duy trì, mở rộng sản xuất ở một số đơn vị gặp khó khăn.
  Theo ông Đỗ Đình Hiền - Chủ tịch Công đoàn Vinacomin: Để cải thiện thực tế này, tới đây môi trường lao động tại các mỏ hầm lò cần phải được đầu tư theo hướng cơ giới hóa, giảm dần sức lao động chân tay. Phải đặt mục tiêu an toàn lên hàng đầu trong cả quy trình sản xuất.
   
  Cũng theo ông Hiền, những sự cố kỹ thuật dẫn đến tai nạn lao động gây thương vong tại các mỏ hầm lò trong những năm qua phần lớn là do không kiểm soát được các thông số an toàn, hệ thống cảnh báo mất an toàn không tác dụng hoặc quy trình lao động trong môi trường đặc biệt dưới lòng đất, độ âm so với mặt nước biển quá lớn chưa thực sự tiếp cận với thực tế đang diễn ra. Đây chính là nỗi ám ảnh, lo sợ đối với số đông lớp trẻ ngay từ khi họ chưa biết thế nào là hầm mỏ. Điều đó cho thấy công tác thông tin, tuyên truyền, giới thiệu, mô tả về nghề chưa có hiệu quả, nó cần được nghiên cứu, cải tiến, chọn hướng tiếp cận mới với đối tượng tuyển dụng.
   
  Bài và ảnh: Minh Anh
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khai thác mỏ: “Trải chiếu hoa” thu hút lao động
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO