Khai thác lợi thế nguồn nước, nuôi cá lồng trên hồ Thác Bà tạo sinh kế bền vững cho người dân

Thanh Ngà| 25/10/2022 08:54

(TN&MT) - Hồ Thác Bà của tỉnh Yên Bái với diện tích mặt nước trên 19.000ha, ngoài tiềm năng phát triển du lịch, hồ Thác Bà còn có trên 2.000 lồng nuôi cá, 815ha diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản; tổng sản lượng thủy sản đạt trên 7.500 tấn/năm. Nhờ phát triển thủy sản, đã có nhiều hộ dân thoát nghèo và vươn lên làm giàu, đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Anh Lê Văn Thư ở xã Vĩnh Kiên, huyện Yên Bình (Yên Bái) đã gắn bó với nghề nuôi trồng và đánh bắt thủy sản trên hồ Thác Bà đã nhiều năm nay. Từ khi tận dụng mặt nước sẵn có nuôi cá lồng, kinh tế gia đình anh ổn định hơn rất nhiều.

anh1-(1).jpg
Nuôi cá lồng trên hồ Thác Bà tạo sinh kế bền vững cho người dân

Thời gian chưa xuất hiện dịch bệnh COVID-19, mỗi năm gia đình anh đều có nguồn thu từ 500 – 700 triệu đồng. Năm 2021, do dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, khiến người dân nuôi trồng thủy sản gặp nhiều khó khăn. Cũng như nhiều gia đình khác trên vùng hồ, gia đình anh Thư chỉ duy trì nuôi số lồng cá trên diện tích mặt nước sẵn có. Với trên 50 lồng cá các loại, anh đã xuất bán ra thị trường trên 20 tấn cá. Trong đó, chủ yếu là các loại cá như: Cá lăng, diêu hồng, rô phi, trắm đen, ngạnh…

Anh Lê Văn Thư - Xã Vĩnh Kiên, huyện Yên Bình chia sẻ: Trước đây bản thân chủ yếu sống bằng nghề đánh bắt tự nhiên. Sau khi được chính quyền địa phương khuyến khích nuôi cá lồng trên hồ Thác Bà. Từ đó, mà thu của gia đình ổn định hơn rất nhiều, kinh tế gia đình khá hơn, mua sắm được nhiều thứ cho cần thiết cho gia đình.

Hiện nay, người dân các xã vùng hồ Thác Bà của huyện Yên Bình phát triển nuôi cá trên hồ với hai hình thức: Nuôi cá trong lồng và nuôi cá quây lưới tại những eo ngách trên mặt nước. Nhờ lợi thế sẵn có, cùng những tiến bộ khoa học, sản lượng cá trên hồ Thác Bà liên tục tăng qua các năm. Trong số đó, sản lượng cá da trơn chất lượng cao nuôi bằng lồng tăng nhanh trong năm 2021 như: cá lăng chấm, cá ngạnh, cá nheo….

anh-2(1).jpg
Hiện các loại cá được nuôi trên hồ Thác Bà chủ yếu là cá da trơn mang lại giá trị kinh tế cao

Hiện khu vực xung quanh hồ Thác Bà có 2 doanh nghiệp, 5 hợp tác xã, 13 tổ hợp tác cùng trên 300 hộ dân nuôi cá lồng, nuôi cá quây lưới. Trong những năm trở lại đây, hầu hết các cơ sở nuôi cá lồng đều mở rộng quy mô nuôi các loại cá đặc sản, nhất là những loại cá da trơn có nguồn giống bản địa. Nhờ phát triển thủy sản trên hồ, đã góp phần giải quyết nhu cầu việc làm cho nhiều công nhân lao động ở địa phương với mức thu nhập ổn định.

Để nâng tầm giá trị sản phẩm cá hồ Thác Bà, bên cạnh các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, Công ty cổ phẩn nghiên cứu ứng dụng dịch vụ khoa học công nghệ T&T đã đầu tư hệ thống lồng nuôi cá chất lượng cao, tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật vào nuôi các loại cá đặc sản, có giá trị kinh tế cao, được thị trường ưa chuộng. Đồng thời, áp dụng nghiêm ngặt quy trình chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP, vừa nâng cao năng suất vừa mang lại hiệu quả kinh tế gấp nhiều lần nuôi cá thông thường.

anh-3(1).jpg
Trong năm 2022, phấn đấu có 2.100 lồng nuôi cá, tổng sản lượng thủy sản đạt trên 7.500 tấn/năm

Với quy mô trên 100 lồng nuôi cá các loại, năm 2021, công ty đã xuất bán ra thị trường khoảng 400 – 500 tấn cá, trong đó chủ yếu là cá nheo Mỹ, cá lăng, trắm đen, diêu hồng,… đạt doanh thu khoảng 15 - 20 tỷ đồng. Hiện nay sản phẩm cá của công ty được tiêu thu rộng rãi tại các chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch trong và ngoài tỉnh.

Để đạt được mục tiêu đến năm 2025, hồ Thác Bà có trên 3.000 lồng cá nuôi, đạt sản lượng khoảng 20.000 tấn/năm, tỉnh Yên Bái đã ban hành chính sách hỗ trợ các cá nhân nuôi cá lồng và nuôi cá ở các eo ngách trên hồ Thác Bà. Phấn đấu trong năm 2022, sẽ có 2.100 lồng nuôi cá, tổng sản lượng thủy sản đạt trên 7.500 tấn/năm.

Ông Lã Tuấn Hưng – Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Bình cho biết: Trong thời gian qua, nuôi cá lồng trên hồ Thác Bà luôn được sự ủng hộ của người dân và doanh nghiệp Tới đây huyện sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi mời gọi các doanh nghiệp để cùng các HTX, tổ hợp tác và người dân phát huy lợi thế của địa phương đưa thương hiệu cá vùng hồ Thác Bà vươn xa hơn. Để đảm bảo quy mô và việc nuôi trồng thủy sản không tác động đến môi trường, tất cả các cơ sở nuôi cá trên hồ đều phải đánh giá tác động môi trường và hoàn thiện quy định, thủ tục về môi trường.

Có thể thấy với những tiềm năng, thế mạnh được thiên nhiên ban tặng, phát triển nuôi trồng thủy sản trên hồ Thác Bà đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đem lại cuộc sống ấm no cho người dân. Đây cũng là động lực thúc đẩy người dân vùng hồ tiếp tục gắn bó với nghề, đưa sản phẩm của hồ Thác Bà ngày càng vươn xa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khai thác lợi thế nguồn nước, nuôi cá lồng trên hồ Thác Bà tạo sinh kế bền vững cho người dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO