Khai thác khoáng sản tại Quảng Bình: Nhận diện tồn tại để phát triển bền vững

Thanh Tùng| 23/02/2023 12:29

(TN&MT) - Thiếu nguồn nhân lực có đủ năng lực bổ nhiệm giám đốc mỏ, năng lực tài chính của các chủ đầu tư khai thác khoáng sản còn thấp, còn tình trạng khai thác trái phép, gây ô nhiễm môi trường…

Đó là những tồn tại được chỉ ra trong hoạt động khai thác khoáng sản tại Quảng Bình hiện nay. Nhận diện được những tồn tại này, các cơ quan chức năng của tỉnh đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để hoạt động khai thác khoáng sản ngày càng phát triển bền vững.

Quyết liệt xử lý các vi phạm

Theo báo cáo của UBND tỉnh Quảng Bình, tổng số giấy phép khai thác khoáng sản còn hiệu lực trên địa bàn tỉnh là 121 giấy phép, trong đó có 16 giấy phép do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp và 105 Giấy phép do UBND tỉnh cấp. Trong năm 2022, UBND tỉnh Quảng Bình đã cấp 3 giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, trong đó có 2 giấy phép khai thác đất làm vật liệu san lấp và 1 giấy phép khai thác sét gạch ngói.

hinh-kem-bai-quang-binh.jpg

Năm 2022, các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã nộp hơn 157 tỷ đồng tiền thuế, phí các loại. Ảnh: Thanh Tùng

Qua công tác thanh, kiểm tra cho thấy, nhiều đơn vị được UBND tỉnh cấp phép khai thác khoáng sản đã hoàn thành thủ tục, hồ sơ cấp phép và tiến hành khai thác đúng vị trí được giao, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính. Năm 2022, UBND tỉnh đã phê duyệt 19 quyết định thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản với tổng số tiền gần 8 tỷ đồng. Tổng số tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đã thu trong năm 2022 thuộc thẩm quyền cả Bộ Tài nguyên và Môi trường và UBND tỉnh cấp phép là hơn 30 tỷ đồng.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Quảng Bình còn gặp những khó khăn và tồn tại nhất định. Điển hình như nguồn nhân lực có đủ năng lực theo quy định của Luật Khoáng sản 2010 để bổ nhiệm giám đốc điều hành mỏ còn thiếu. Năng lực tài chính của các chủ đầu tư khai thác khoáng sản còn thấp, thiết bị khai thác, chế biến còn lạc hậu.

Đặc biệt, vẫn có một số tổ chức, cá nhân được cấp phép khai thác cát, sỏi chưa chấp hành nghiêm pháp luật về khoáng sản như: chưa thực hiện quan trắc giám sát môi trường định kỳ theo quy định; chưa trung thực trong việc kê khai sản lượng khai thác thực tế; tình trạng nợ đọng thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường còn xảy ra. Bên cạnh đó, việc cắm mốc thực địa khu vực mỏ trên sông chủ yếu là mốc gửi trên bờ gây khó khăn cho việc quản lý. Công tác lập bản đồ hiện trạng, mặt cắt hiện trạng để kiểm kê trữ lượng khai thác đối với cát, sỏi lòng sông rất khó khăn, do đặc thù của cát, sỏi lòng sông thay đổi vị trí, phân bố sau mùa mưa lũ.

Việc phát hiện, ngăn chặn, xử lý đối với các trường hợp vi phạm trong khai thác cát, sỏi lòng sông mất nhiều thời gian, nhân lực. Trong khi đó, kinh phí cho hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm là khá lớn và phải thường xuyên, liên tục nhưng ngân sách địa phương còn hạn chế chưa đáp ứng được yêu cầu.

Hài hòa giữa khai thác và bảo vệ môi trường

Quảng Bình là địa phương có nguồn lực về khoáng sản khá phong phú. Đưa nguồn lực này vào khai thác giúp tăng nguồn thu cho Ngân sách Nhà nước, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Số liệu cho thấy, riêng năm 2022, các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh đã nộp hơn 157 tỷ đồng tiền thuế, phí các loại. Ngoài ra, tổng số tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường mà các cơ sở hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn phải nộp tính đến tháng 31/12/2022 là trên 44 tỷ đồng, trong đó đã nộp hơn 30 tỷ đồng.

Để tiếp tục khai thác hiệu quả nguồn lợi khoáng sản, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Quảng Bình đang triển khai đồng loạt nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn, đẩy lùi các sai phạm, hướng đến phát triển bền vững. Trong báo cáo số 23/BC-UBND ngày 1/2/2023 về tình quản lý Nhà nước về khoáng sản năm 2022 trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Đoàn Ngọc Lâm nhấn mạnh, đối với tình trạng khai khoáng sản trái phép đặc biệt là thác cát, sỏi lòng sông, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị, địa phương tập trung triển khai rà soát lại tất cả các mỏ khoáng sản đã cấp phép, trong đó tập trung vào các mỏ cát, sỏi về quy trình cấp phép, đánh giá, kiểm soát, kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về khoáng sản để làm cơ sở cho việc tiến hành thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm.

Trong năm 2022, UBND tỉnh, các ngành, UBND các huyện, thị xã của tỉnh Quảng Bình đã xử lý 235 trường hợp vi phạm pháp luật về khoáng sản với số tiền xử phạt và truy thu là 9,8 tỷ đồng (trong đó, số tiền xử phạt là 4,3 tỷ đồng, số tiền truy thu là 5,5 tỷ đồng).

Đồng thời, nâng cao chất lượng đánh giá tác động môi trường, phương án cải tạo, phục hồi môi trường đối với các dự án khai thác khoáng sản để đảm bảo hài hòa giữa khai thác khoáng sản và bảo vệ môi trường; tăng cường chất lượng trong công tác thẩm định, đánh giá trữ lượng và cấp phép khai thác khoáng sản. Đặc biệt, tăng cường công tác kiểm tra việc khai thác, tập kết, kinh doanh vận chuyển cát, sỏi trái phép trên địa bàn tỉnh. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong việc khai thác khoáng sản trái phép đặc biệt là khai thác cát, sỏi lòng sông. Kiểm tra, quản lý nguồn gốc, chất lượng khoáng sản vận chuyển trên đường và tiêu thụ trên địa bàn.

Để tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong khai thác khoàng sản, tỉnh Quảng Bình xác định phải xây dựng quy hoạch tổng thể, khoanh vùng các khu vực khai thác trên từng địa phương, từ đó xây dựng kế hoạch, quy hoạch khai thác hợp lý tài nguyên trên cơ sở phát triển bền vững, hài hòa giữa mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường; Tiếp tục đầu tư điều tra, thống kê trên diện rộng, đặc biệt là các mỏ đã gần hết thời hạn khai thác, các khu vực có nguy cơ ô nhiễm hoặc các khu vực dự kiến bố trí quy hoạch khu đô thị. Mặt khác, các cơ sở khai thác phải áp dụng công nghệ tiên tiến, phù hợp nhằm giảm thiểu tác động xấu đến môi trường…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khai thác khoáng sản tại Quảng Bình: Nhận diện tồn tại để phát triển bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO