Đây là sự kiện do Báo Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Sở TN&MT tỉnh Bình Thuận cùng các đơn vị chức năng tổ chức. Đây là một trong những hoạt động hướng tới Kỷ niệm 20 năm Thành lập Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Tham dự Diễn đàn có các đại biểu: ông Lê Công Thành, Bí thư Đảng ủy, Thứ trưởng Bộ TN&MT; ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng Ban Dân nguyện Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; ông Quế Đình Nguyên, Phó Tổng biên tập Báo Nhân dân; PGS.TS Chu Hồi, Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội; ông Phan Văn Đăng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận; bà Đinh Thị Lụa, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hà Nam;
Tham dự Diễn đàn còn có Lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT; Lãnh đạo Vụ Báo chí - Xuất bản, Vụ Tuyên truyền (Ban Tuyên giáo Trung ương); Cục Báo chí, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông); các chuyên gia, nhà khoa học; và hơn 200 đại biểu là Lãnh đạo Sở TN&MT tỉnh Bình Thuận và một số sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh Bình Thuận; Lãnh đạo các doanh nghiệp điển hình trong công cuộc phát triển xanh và bền vững; Lãnh đạo và phóng viên các cơ quan thông tấn, báo chí, phát thanh, truyền hình Trung ương và địa phương.
Là một trong 6 nước trên thế giới chịu ảnh hưởng lớn nhất do biến đổi khí hậu, Việt Nam đã và đang tiên phong trong việc thực hiện các cam kết “xanh”, được cộng đồng quốc tế đánh giá như là hình mẫu về một nước đang phát triển còn nhiều khó khăn nhưng đã có những đóng góp đi đầu cho “ngôi nhà chung” an toàn của nhân loại.
Tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Việt Nam xác định đoàn kết ứng phó biến đổi khí hậu, phục hồi tự nhiên là ưu tiên cao nhất trong mọi quyết sách. Đây cũng là bước đi dài để bảo đảm cuộc sống ngày càng tốt hơn cho mọi người dân và đóng góp trách nhiệm cùng cộng đồng quốc tế phát triển bền vững trong thời gian tới.
Đặc biệt, tại Hội nghị COP26, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đưa ra tuyên bố mạnh mẽ về đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 thể hiện quyết tâm và cam kết chính trị của Đảng, Nhà nước trong việc đẩy mạnh chuyển đổi kinh tế nhằm góp phần giải quyết khủng hoảng khí hậu.
Theo đó, Việt Nam sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ bằng nguồn lực của chính mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, nhất là các nước phát triển, cả về tài chính và chuyển giao công nghệ, trong đó có thực hiện các cơ chế theo Thoả thuận Paris, để đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050. Đồng thời, Việt Nam cam kết giảm phát thải khí mê-tan 30% vào năm 2030... Các cam kết mạnh mẽ và những ý kiến đóng góp có trách nhiệm của Việt Nam tại Hội nghị được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, mở ra nhiều cơ hội hợp tác về tăng trưởng ít phát thải, thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, thích ứng với BĐKH.
Để thực hiện các cam kết tại COP 26, Bộ TN&MT đã và đang đề xuất với Chính phủ sớm ban hành một loạt các văn bản pháp lý quan trọng, làm cơ sở triển khai như: Nghị định quy định giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô dôn; Danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính; Hệ thống giám sát và đánh giá hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu cấp quốc gia để triển khai thực hiện; Đề án phát triển thị trường carbon tại Việt Nam… Đây là những văn bản pháp lý, công cụ để thực hiện các cam kết về ứng phó với BĐKH của Việt Nam.
Bên cạnh đó, trong thời gian tới, Bộ TN&MT sẽ xây dựng đề án về nhiệm vụ, giải pháp đột phá triển khai kết quả Hội nghị COP26 về BĐKH; thành lập Ban chỉ đạo để đề xuất cơ chế, chính sách, pháp luật, quy hoạch, thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi và tận dụng các cơ hội huy động nguồn lực trong và ngoài nước cho phát triển hạ tầng BĐKH và phát triển năng lượng tái tạo; Hoàn thiện cập nhật Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050… Cùng với đó, Bộ TN&MT đề nghị các Bộ, ngành, địa phương rà soát, điều chỉnh các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch có liên quan phù hợp với mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 và các cam kết được Thủ tướng Chính phủ tuyên bố tại Hội nghị COP26.
Phát biểu chào mừng Diễn đàn, ông Phan Văn Đăng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Thuận cho biết: Diễn đàn “Nhà Quản lý - Nhà báo - Doanh nghiệp với tài nguyên và môi trường” do Báo Tài nguyên và Môi trường tổ chức thường niên. Đây là Diễn đàn lần thứ VI và năm nay được tổ chức tại Bình Thuận nhằm tăng cường công tác phổ biến, tuyên truyền việc thực hiện các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (Hội nghị COP26); đồng thời, để tổ chức thực thi hiệu quả Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 cũng như các chính sách, pháp luật tài nguyên, môi trường và hướng đến kỷ niệm 20 năm thành lập Bộ Tài nguyên và Môi trường (2002 - 2022).
“Thay mặt lãnh đạo tỉnh Bình Thuận, tôi nhiệt liệt chào mừng các đồng chí đại diện lãnh đạo Bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo các tỉnh bạn, cùng toàn thể quý đại biểu đến dự Diễn đàn “Nhà Quản lý - Nhà báo - Doanh nghiệp với tài nguyên và môi trường” hôm nay” – ông Phan Văn Đăng nói.
Cũng theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phan Văn Đăng, Bình Thuận nằm ở cực Nam vùng Duyên hải Nam Trung Bộ. Tổng diện tích đất tự nhiên của tỉnh Bình Thuận là 794.245 ha; bờ biển dài 192 km... với nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế, đặc biệt là kinh tế biển. Tuy nhiên, biến đổi khí hậu toàn cầu đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của nhân dân tỉnh Bình Thuận.
Trong đó, 25.757 ha diện tích đất bị suy thoái dưới tác động của biến đổi khí hậu, đặc biệt là các vùng phía bắc tỉnh Bình Thuận như các huyện Tuy Phong, Bắc Bình đã gây nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống, canh tác nông nghiệp của người dân trong khu vực. Tác động nặng nề của biến đổi khí hậu còn ảnh hưởng đến du lịch, thương mại, năng lượng… và nhiều hoạt động kinh tế khác trực tiếp hay gián tiếp. Những ảnh hưởng này trong những năm vừa qua đã biểu hiện khá rõ nét, mỗi ngành, lĩnh vực đều có thể cảm nhận và đánh giá được ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.
“Diễn đàn “Nhà Quản lý - Nhà báo - Doanh nghiệp với tài nguyên và môi trường” lần thứ VI với chủ đề “Phát triển xanh với cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26” với các nội dung tham luận chuyên đề: “Thích ứng biến đổi khí hậu, những thông điệp cần mạnh mẽ hơn trong công tác tuyên truyền, truyền thông”; chuyên đề “Phát huy vài trò của Nhà báo trong tuyên truyền về phát triển xanh và ứng phó biến đổi khí hậu”; chuyên đề “Chiến lược và hành động của Việt Nam để thực hiện kết quả của COP26”…chắc chắn sẽ tạo được sức lan tỏa sâu rộng tới cộng đồng, đóng góp tích cực vào công tác quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu cũng như góp phần thúc đẩy đội ngũ doanh nghiệp phát triển xanh với cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26” – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Thuận Phan Văn Đăng nhấn mạnh.
Hội nghị đang tiếp tục diễn ra với những tham luận quan trọng của lãnh đạo các cơ quan quản lý, các cơ quan truyền thông và các doanh nghiệp xung quanh chủ đề “Phát triển xanh với cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26”. Báo Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc trong các bản tin tiếp theo.