Kết thúc giai đoạn I Đề án Bảo vệ nước dưới đất tại các đô thị lớn

05/02/2019 00:53

(TN&MT) - Sau 5 năm triển khai Đề án bảo vệ nước dưới đất tại các đô thị lớn, kết quả bước đầu đã phát hiện nhiều vùng nước dưới đất có chất lượng nước đảm bảo và trữ lượng đủ để đáp ứng cho sản xuất và sinh hoạt.

Đánh giá đúng thực trạng trữ lượng và chất lượng nguồn nước ngầm ở đô thị

Ông Triệu Đức Huy (Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra Tài nguyên nước quốc gia) - Chủ nhiệm Đề án Bảo vệ nước dưới đất ở các đô thị lớn cho biết: Lần đầu tiên 9 đô thị lớn, trọng điểm của nước ta được đầu tư một cách toàn diện, chi tiết và bài bản nhất về điều tra cơ bản tài nguyên nước dưới đất. Các số liệu đánh giá về hiện trạng tài nguyên nước có độ tin cậy cao, các giải pháp kỹ thuật đưa ra để bảo vệ nước dưới đất khoa học, phù hợp với điều kiện thực tiễn góp phần nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng và phát triển bền vững nguồn tài nguyên quý giá này.

Chi dao to chuc thuc hien de an
Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia Triệu Đức Huy (thứ 3, từ trái sang) chỉ đạo nhóm nghiên cứu Đề án Bảo vệ nước dưới đất tại các đô thị lớn

Kết thúc giai đoạn I, đến nay, Đề án đã tổng hợp rà soát, cập nhật được toàn bộ các tài liệu điều tra cơ bản về tài nguyên nước dưới đất ở 9 đô thị trọng điểm trong cả nước. Đặc biệt là đã điều tra, khảo sát, đánh giá chi tiết về hiện trạng tài nguyên nước dưới đất cũng như đề xuất các giải pháp bảo vệ đối với từng vùng cụ thể.

Để có được những thành quả trên, ông Triệu Đức Huy tiết lộ: Quá trình triển khai Đề án, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra Tài nguyên nước quốc gia đã nhận được sự hỗ trợ tích cực của các chuyên gia trong nước và quốc tế “Chúng tôi đã trao đổi, thảo luận để lựa chọn các phương pháp tính toán, kỹ thuật công nghệ hiện đại phù hợp với điều kiện thực tế ở các đô thị nước ta. Trong quá trình triển khai, đã áp dụng các phương pháp đánh giá tài nguyên nước dưới đất từ kinh điển đến hiện đại như áp dụng các mô hình số trong lĩnh vực địa chất thủy văn, các phương pháp đánh giá dự báo nguy cơ ô nhiễm, nhiễm mặn của nước dưới đất, các phương pháp dự báo lún mặt đất do quá trình khai thác nước gây ra” - ông Triệu Đức Huy nói.

Nhờ vậy, sau khi hoàn thành giai đoạn 1 ở 9 đô thị, các kết quả về trữ lượng và chất lượng nguồn nước dưới đất ở các đô thị có độ tin cậy cao. Cụ thể: Kết quả của Đề án đã làm sáng tỏ được cấu trúc địa chất thủy văn, điều kiện tồn tại, sự phân bố của các tầng chứa nước ở 9 đô thị lớn, trọng điểm. Theo đó, toàn bộ 9 đô thị lớn, trọng điểm của nước ta hiện nay có 38 tầng chứa nước chính cần bảo vệ. Trong đó, đô thị Hà Nội có 4 tầng chứa nước (qh, qp2, qp1, n2); đô thị Thái Nguyên có 4 tầng chứa nước (qp, t3, c-p, d1); đô thị Hải Dương có 5 tầng chứa nước (qh, qp2, qp1, n2, n1); đô thị Quy Nhơn có 3 tầng chứa nước (qh, qp, n); đô thị Buôn Mê Thuột có 1 tầng chứa nước (ân-qp); đô thị Vũng Tàu có 6 tầng chứa nước (qh, qp3, qp2-3, qp1, n2, âqp2); đô thị TP. Hồ Chí Minh có 6 tầng chứa nước (qh, qp3, qp2-3, qp1, n22, n21); đô thị Mỹ Tho có 3 tầng chứa nước (n22, n21, n13); và đô thị Cần Thơ có 6 tầng chứa nước (qp3, qp2-3, qp1, n22, n21, n13).

Kiem tra thi cong tai do thi Hai Duong
Kiểm tra thi công tiến độ triển khai Đề án tại Hải Dương

Đáng mừng hơn, kết quả điều tra cho thấy tổng tiềm năng tài nguyên nước dưới đất tại 9 đô thị là 24.482.830m3/ngày, trong đó phần nước nhạt là 20.181.266m3/ngày, phần nước mặn là 4.301.564m3/ngày. Trong đó, trữ lượng có thể khai thác phần nước nhạt là 8.427.942m3/ngày, trong đó, đô thị Hà Nội là 4.076.365m3/ngày; đô thị Thái Nguyên là 264.664m3/ngày; đô thị Hải Dương là 502.940m3/ngày; đô thị Quy Nhơn là 254.581m3/ngày; đô thị Buôn Mê Thuột là 361.460m3/ngày; đô thị Vũng Tàu là 140.296m3/ngày; đô thị TP. Hồ Chí Minh là 1.582.546m3/ngày; đô thị Mỹ Tho là 279.809m3/ngày và đô thị Cần Thơ là 965.281m3/ngày. Đây là các con số có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc định hướng khai thác sử dụng nguồn nước ngầm phục vụ cho phát triển kinh tế của các chính quyên đô thị.

“Lâu nay, ở đâu đó có ý kiến vẫn cho rằng, nguồn nước ngầm hiện đang có “vấn đề” nhưng thực tế qua lần điều tra này cho thấy, nếu khai thác theo đúng quy trình kỹ thuật, chúng ta sẽ được những nguồn nước ngầm có trữ lượng, chất lượng rất tốt. Lần điều tra này, chúng tôi đã đánh giá đầy đủ nhất về hiện trạng chất lượng nguồn nước dưới đất, phân vùng các khu vực nước dưới đất có chất lượng tốt, đảm bảo cấp nước cho ăn uống sinh hoạt và phát triển kinh tế của các đô thị” - ông Triệu Đức Huy phấn khởi nói.

Ứng xử đúng mực để tận dụng nguồn nước ngầm vô cùng quý giá

“Đây là nguồn lực tự nhiên phục vụ phát triển kinh tế xã hội ở các chính quyền đô thị và cũng là nguồn lực của quốc gia, cho nên phải nhìn nhận, ứng xử một cách đúng mực để tận dụng lợi thế” - ông Huy đã khẳng định như vậy khi trao đổi với chúng tôi về thực tế nguồn nước ngầm hiện nay.

Chia sẻ về việc hiện nay do chưa có các kết quả đánh giá đúng thực trạng nguồn nước dưới đất ở các đô thị nên nhiều địa phương phải tìm đến các nguồn nước mặt để xử lý và cấp nước cho các nhu cầu thiết yếu. Về vấn đề này ông Huy cho rằng, nếu khai thác bền vững nước ngầm, Hà Nội hoàn toàn có thể đáp ứng được nhu cầu sử dụng nước cho sinh hoạt và sản xuất.

Ông Huy cho hay, chi phí đầu tư xây dựng và vận hành Nhà máy nước mặt là rất lớn. Đơn cử: Nhà máy nước mặt sông Đuống với công suất 150.000m3/ngày đêm được thành phố Hà Nội đầu tư vừa khánh thành giai đoạn I với chi phí lên tới 5.000 tỷ đồng, nguồn lực cần đầu tư rất lớn và chi phí vận hành cao. Trong khi đó, khai thác nước ngầm mang lại hiệu quả đầu tư cao hơn, chi phí thấp hơn.

Về chất lượng, kết quả điều tra của Đề án cho thấy rõ, mặc dù chất lượng nước ngầm (như ở Hà Nội) không đồng đều, ở một số khu vực hàm lượng, chỉ tiêu vượt so với chỉ tiêu cho phép nhưng đó là đặc trưng chung, không đáng ngại. Hàm lượng sắt, Mangan, Asen… có thể xử lý được bằng công nghệ đơn giản.

Theo ông Huy, tới đây, nhà quản lý và người dân không còn phải lo lắng nhiều bởi Đề án bảo vệ nước dưới đất tại các đô thị lớn đã đề xuất được các giải pháp kỹ thuật bảo vệ, phòng ngừa, hạn chế, giảm thiểu tình trạng cạn kiệt, ô nhiễm và nhiễm mặn nước dưới đất ở 9 đô thị trọng điểm có tính khả thi, hiệu quả và phù hợp với từng đô thị. Các giải pháp kỹ thuật chủ yếu cho từng đô thị trọng điểm bao gồm: Thiết lập được các vùng hạn chế khai thác nước dưới đất; vùng bảo vệ miền cấp, đới bảo vệ công trình khai thác nước dưới đất; quy hoạch sơ đồ khai thác sử dụng hợp lý tài nguyên nước dưới đất; xây dựng, hoàn chỉnh mạng quan trắc, giám sát tài nguyên nước dưới đất và đề xuất các vùng có thể bổ sung nhân tạo cho nước dưới đất.

Một kết quả nữa có ý nghĩa hết sức quan trọng là: Đề án đã xây dựng được các hướng dẫn kỹ thuật bao gồm: Hướng dẫn kỹ thuật về xây dựng vùng hạn chế khai thác nước dưới đất; Hướng dẫn kỹ thuật xây dựng vùng và đới bảo vệ công trình khai thác nước dưới đất; Hướng dẫn kỹ thuật xây dựng và vận hành mạng quan trắc nước dưới đất; Hướng dẫn kỹ thuật bổ sung nhân tạo cho nước dưới đất; Hướng dẫn kỹ thuật điều tra nước dưới đất đô thị; Hướng dẫn bảo vệ nước dưới đất đô thị. Các hướng dẫn kỹ thuật này là tài liệu hết sức hữu ích trong quá trình triển khai bảo vệ nước dưới đất ở các đô thị lớn giai đoạn tiếp theo đảm bảo khả thi và hiệu quả.

Mỗi đô thị đều được biên soạn một cuốn cẩm nang về bảo vệ nước dưới đất trong đó nêu cụ thể các vùng phải hạn chế khai thác nước dưới đất, các vùng bảo vệ miền cấp cho nước dưới đất, các đới bảo vệ cho các công trình khai thác nước dưới đất, sơ đồ mạng quan trắc giám sát các hoạt động khai thác và bảo vệ tài nguyên nước dưới đất, các vùng có thể bổ sung nhân tạo cho nước dưới đất để có cách ứng xử phù hợp với nguồn tài nguyên vô cùng quý giá này.

Ông Triệu Đức Huy chia sẻ thêm: Lần đầu tiên toàn bộ 9 đô thị lớn, trọng điểm có được phần mềm và bộ cơ sở dữ liệu đồng bộ, đầy đủ về tài nguyên nước dưới đất. Phần mềm cơ sở dữ liệu được tích hợp, kết nối các thông tin cơ sở dữ liệu của mạng quan trắc quốc gia và mạng quan trắc địa phương, do đó, có thể dễ dàng tra cứu, sử dụng và cập nhật các thông tin về tài nguyên nước phục vụ hiệu quả công tác quản lý Nhà nước và bảo vệ tài nguyên nước. Ông Huy và các cán bộ nhóm nghiên cứu mong muốn, với sự quan tâm của lãnh đạo Bộ TN&MT “đứa con tinh thần” sớm được đưa vào ứng dụng trong thực tiễn, phát huy hiệu quả cao góp phần vào việc khai thác bền vững và bảo vệ nguồn nước ngầm vô cùng quý giá tại các đô thị.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kết thúc giai đoạn I Đề án Bảo vệ nước dưới đất tại các đô thị lớn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO