Kết quả từ PAPI 2018: Đói nghèo - vấn đề hệ trọng nhất cần giải quyết

03/04/2019 11:34

(TN&MT) – Kết quả Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2018 cho thấy, đói nghèo là vấn đề mà người dân quan ngại nhất. Tỷ lệ lo ngại về nghèo và tái nghèo chiếm gần 25% số người được khảo sát.

Đây là vấn đề có tỷ lệ người dân chọn luôn cao nhất kể từ khi PAPI đưa câu hỏi này vào khảo sát năm 2015. Cụ thể, khoảng 25% số người dân được hỏi cho rằng đây là vấn đề hệ trọng nhất trong năm 2018, cùng với tăng trưởng kinh tế và tham nhũng.

Trong số một loạt các vấn đề quan ngại người dân nêu, đói nghèo đứng đầu danh sách với tỷ lệ người trả lời cho rằng đây là vấn đề hệ trọng nhất ở mức cao nhất trong suốt bốn năm qua. Lo ngại về khả năng bản thân hoặc gia đình trở lại đói nghèo sau khi đã thoát nghèo và xóa đói giảm nghèo có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển chung của Việt Nam vẫn là hai lý do chính khiến người dân đề xuất Nhà nước cần tiếp tục thực hiện chính sách xóa đói, giảm nghèo.

xóa đói giảm nghèo
Đói nghèo là một trong những vấn đề chính người dân cả nước lo ngại nhất. Ảnh: Báo Điện Biên phủ

Kết quả phân tích dữ liệu cũng chỉ ra rằng, bất bình đẳng thu nhập là yếu tố tác động tới việc người dân cho rằng xóa đói, giảm nghèo nên được ưu tiên.

Kết quả khảo sát năm 2018 cho thấy mức độ ủng hộ đóng thêm thuế để Nhà nước có nguồn lực tái phân bổ cho các địa phương còn nghèo khá cao, đặc biệt trong nhóm những người có thu nhập cao và những người có trình độ học vấn cao hơn. Tuy nhiên, trên phạm vi toàn quốc, có tới 90% dân số có mức thu nhập dưới 20 triệu đồng/người/tháng, và tỷ lệ người có mức thu nhập cao rất thấp.

Do đó, chính sách tăng thu thuế phục vụ tái phân bổ ngân sách cho các địa phương còn nghèo cần được thiết kế hết sức cẩn trọng và thảo luận hết sức cởi mở để không gây bất bình và thiệt thòi cho những người có thu nhập thấp.

Theo kết quả PAPI 2018, một yếu tố tác động bậc nhất tới mức độ hài lòng của người dân với nền quản trị và hành chính công có lẽ là hiệu quả kiểm soát tham nhũng trong khu vực công. Kết quả khảo sát cho thấy dấu hiệu khá tích cực. Người dân có cảm nhận vòi vĩnh trong dịch vụ y tế tuyến huyện/quận và giáo dục tiểu học công lập giảm đáng kể. Tuy nhiên, tình trạng "lót tay" để có việc làm trong khu vực Nhà nước, vòi vĩnh trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, lạm dụng công quỹ chưa giảm.

Mặc dù người dân có chung quan điểm rằng tham nhũng đã giảm đi so với ba năm trước, song mỗi cấp chính quyền có mức độ thuyên giảm khác nhau. Gần 60% số người trả lời cho rằng tham nhũng ở cấp xã/phường đã thuyên giảm trong ba năm qua, song chỉ có 50% số người trả lời cho rằng tham nhũng ở cấp quốc gia có xu hướng thuyên giảm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kết quả từ PAPI 2018: Đói nghèo - vấn đề hệ trọng nhất cần giải quyết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO