Đây là cam kết nêu trong Báo cáo Đóng góp dự kiến do quốc gia tự quyết định (INDC) được Việt Nam gửi cho Ban Thư ký Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (UNFCCC).
Là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, Việt Nam đã và đang triển khai thực hiện nhiều chính sách, chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu ở trong nước, đồng thời chủ động tham gia xây dựng Thỏa thuận Khí hậu toàn cầu mới nhằm giữ cho nhiệt độ trái đất tăng dưới 2oC vào cuối thế kỷ 21 so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Để đạt được mục tiêu này, Hội nghị các Bên tham gia UNFCCC lần thứ 19 (COP19) tại Ba Lan năm 2013 đã kêu gọi tất cả các Bên xây dựng INDC. Việc xây dựng và đệ trình INDC là trách nhiệm và nghĩa vụ của tất cả các bên tham gia UNFCCC, trong đó, đề xuất các mục tiêu giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, góp phần đạt được mục tiêu của Công ước khí hậu.
Tại COP20 ở Lima năm 2014, các Bên đã nhất trí INDC của mỗi quốc gia nên nêu rõ đóng góp là công bằng, với nỗ lực cao nhất, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia, góp phần đáng kể vào việc bảo vệ hệ thống khí hậu Trái đất. Theo yêu cầu của UNFCCC, các Bên cần xây dựng và đệ trình INDC muộn nhất vào ngày 01 tháng 10 năm 2015.
Chính phủ Việt Nam giao Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng Báo cáo INDC của Việt Nam. Các Bộ, các tổ chức phi chính phủ, các cơ quan nghiên cứu, đại diện các doanh nghiệp cũng như các đối tác phát triển quốc tế đã tham gia và có những đóng góp cụ thể trong quá trình xây dựng và hoàn thiện INDC.
Việt Nam cam kết giảm 8% lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường và có thể giảm tiếp đến 25% nếu nhận được hỗ trợ quốc tế
Hàng chục Hội thảo tham vấn cấp quốc gia, cấp ngành về INDC của Việt Nam đã được tổ chức với sự tham gia của đại diện các Bộ, các tổ chức phi chính phủ, các cơ quan nghiên cứu, đại diện các doanh nghiệp cũng như các đối tác phát triển quốc tế. Các đóng góp này đã được Bộ TN&MT tập hợp, tiếp thu trước khi gửi xin ý kiến chính thức các Bộ, ngành để hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Ông Trần Hồng Hà, Thứ trưởng Bộ TN&MT cho biết, INDC của Việt Nam đã được hoàn thiện và gửi cho Ban Thư ký Công ước khí hậu. Việt Nam là Bên thứ 74 trên thế giới đã gửi INDC cho Ban thư ký Công ước trước thời hạn 01/10/2015.
Thứ trưởng Trần Hồng Hà cho biết thêm, INDC của Việt Nam gồm hợp phần giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và hợp phần thích ứng với BĐKH. Hợp phần giảm nhẹ phát thải khí nhà kính bao gồm các đóng góp vô điều kiện và đóng góp có điều kiện so với kịch bản phát thải thông thường (BAU). Các đóng góp vô điều kiện là các hoạt động sẽ được thực hiện bằng nguồn lực trong nước, trong khi đó các đóng góp có điều kiện là những hoạt động có thể được thực hiện nếu nhận được nguồn hỗ trợ về tài chính, công nghệ và tăng cường năng lực từ quốc tế.
Hợp phần thích ứng với BĐKH trình bày các hoạt động thích ứng với BĐKH hiện tại đang được thực hiện; những thiếu hụt so với nhu cầu thích ứng về thể chế, chính sách, tài chính, nguồn nhân lực và công nghệ; và các biện pháp thích ứng ưu tiên cho giai đoạn 2021-2030.
Thứ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định, trong điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của một nước đang phát triển, chịu nhiều tác động của BĐKH, INDC của Việt Nam đã thể hiện nỗ lực cao nhất của quốc gia trong góp phần giảm nhẹ BĐKH toàn cầu nhằm thực hiện mục tiêu của Công ước khí hậu. Nỗ lực của quốc gia còn được thể hiện qua việc Chính phủ coi ứng phó với BĐKH là vấn đề có ý nghĩa sống còn, là trách nhiệm của cả nước trong tiến hành đồng thời các hoạt động thích ứng và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên.
Thông qua INDC, Việt Nam tái khẳng định cam kết của quốc gia nhằm ứng phó với BĐKH, góp phần thực hiện mục tiêu của Công ước khí hậu và tin rằng đóng góp này là công bằng, thể hiện nỗ lực cao nhất, khả thi, có thể đạt được và cam kết tiếp tục giải quyết vấn đề BĐKH dựa trên các nguồn lực trong nước và với sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế.
Phạm Thu Hà