Phản ánh tới báo TN&MT, người dân ở xã Văn Nhân, huyện Phú Xuyên, TP. Hà Nội cho biết, các bãi tập kết vật liệu xây dựng trên địa bàn xã tập trung tại thôn Đề Thám từ nhiều năm qua, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và làm ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống sinh hoạt của nhân dân. Cụ thể, những bãi tập kết vật liệu xây dựng ở đây chủ yếu tập kết cát vàng, cát đen và thường xuyên chất tải cao hơn mặt đê, không che chắn cẩn thận khiến cho cát bay thẳng vào khu dân cư trong đê, làm ảnh hưởng tới đời sống sinh hoạt của hàng trăm hộ dân. Dù nhân dân đã bức xúc và nhiều lần có ý kiến tới chính quyền các cấp nhưng tình hình vẫn không được giải quyết. Các chủ bãi vẫn ngang nhiên cho các phương tiện hoạt động, xe quá tải quá khổ chạy liên tục ngày đêm khiến mặt đê xuống cấp và cả một khu vực rộng lớn lúc nào cũng chìm trong khói bụi.
Ghi nhận thực tế của PV báo TN&MT tại khu vực thôn Đề Thám thấy rằng, phản ánh của người dân là có cơ sở. Tại đây xuất hiện các bãi tập kết khổng lồ gồm: 1 bãi tập kết cát đen rộng chừng 2 ha (khoảng 20.000 m2) và một bãi tập kết cát vàng cũng rộng tương tự. Bãi tập kết cát đen bắt đầu xuất hiện những đụn cát nhỏ nhưng chưa nhiều và tại thời điểm PV có mặt ghi nhận, các hoạt động đang bị tạm dừng. Bên cạnh bãi tập kết cát đen, bãi tập kết cát vàng vẫn hoạt động bình thường. Các máy xúc vẫn miệt mài làm việc và tạo thành nhiều núi cát lớn san sát nhau.
Chia sẻ với PV, bác Đặng Quốc Tuấn (người dân thôn Đề Thám, xã Văn Nhân) cho biết: “Bao năm qua mọi sinh hoạt của người dân chúng tôi (từ ăn uống, ngủ nghỉ đến sinh hoạt hàng ngày) đều gắn liền với cát. Thực tế là khu dân cư chỉ cách các bãi tập kết vật liệu xây dựng có con đê. Lúc cao điểm, những núi cát đen có độ cao bằng một căn nhà 3 tầng, không hề được che chắn. Gió từ sông thổi cát thẳng vào khu dân cư khiến chúng tôi tối tăm mặt mũi. Nhà cửa, quần áo, đồ ăn thức uống lúc nào cũng toàn sạt cát. Đây là những bãi tập kết không phép, nhân dân đã đấu tranh, phản ánh tới chính quyền các cấp từ nhiều năm qua nhưng không hiểu sao các hoạt động vẫn không hề bị dừng lại. Chúng tôi không hiểu có khúc mắc gì ở đây không?
Anh Nguyễn Văn Phúc, một hộ dân sinh sống gần các bãi tập kết cho biết thêm: “Người dân chúng tôi không lúc nào được yên cả. Tiếng máy xúc, tiếng động cơ từ tàu bơm cát dưới sông, tiếng xe vận tải cỡ lớn chạy rình rịch đêm ngày. Cả khu vực như một đại công trường, lúc nào cũng mịt mù khói bụi. Vào những ngày thời tiết trong xanh nhất thì khu vực thôn Đề Thám trông lúc nào cũng mờ mờ như có sương mù. Các anh đi trên tuyến đê là rõ nhất, mặt đê bị những xe quá khổ quá tải cày nát. Những lúc các cháu học sinh tan trường về nhà, nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông là rất cao. Chưa kể tới việc, các chủ bãi thường xuyên chất tải cao quá mặt đê với một diện tích lớn như vậy sẽ ảnh hưởng tới hành lang bảo vệ đê, gây nguy cơ sạt lở đê, nhất là khi mùa mưa lũ đang tới gần”.
Tìm hiểu của PV báo TN&MT được biết, khu vực thôn Đề Thám hiện có 3 bãi tập kết vật liệu xây dựng và tất cả những bãi tập kết này đều không được UBND huyện Phú Xuyên cho thuê đất. Trong 3 bãi tập kết vật liệu xây dựng nói trên, bãi tập kết cát đen của hộ ông Hoàng Văn Huynh (tên thường gọi là Hoàng Văn Mạnh) gây bức xúc dư luận nhất. Sau khi nhân dân nhiều lần có ý kiến và chính quyền vào cuộc thì tháng 7/2018, hộ ông Hoàng Văn Mạnh đã dừng việc bơm cát vào bãi và cho chuyển cát đi. Tuy nhiên ngày 23 và 24/3/2019, hộ ông Hoàng Văn Mạnh lại ngang nhiên tái hoạt động khi cho bơm cát vào bãi. Sau khi nhân dân thôn Đề Thám tiếp tục có ý kiến với chính quyền địa phương thì hoạt động này mới bị tạm dừng.
Trao đổi với PV báo TN&MT, bà Nguyễn Thị Hoài Thu, Phó Chủ tịch UBND xã Văn Nhân thừa nhận, trên địa bàn xã (cụ thể là tại địa bàn thôn Đề Thám – PV) hiện có 3 bãi tập kết vật liệu xây dựng không phép. Mặc dù UBND xã đã nhiều lần lập biên bản đình chỉ hoạt động nhưng các chủ bãi vẫn cố tình không chấp hành. “Chính quyền địa phương cũng muốn giải tỏa dứt điểm các bến bãi nêu trên nhưng vượt thẩm quyền, lực lượng chức năng của xã thì quá mỏng nên rất khó xử lý. Đó là chưa kể, các chủ bến bãi còn chây ì, không tự giác di dời vật liệu xây dựng” – bà Thu nói.
Trao đổi thêm về những bức xúc của nhân dân liên quan tới tình trạng ô nhiễm môi trường do các bãi tập kết vật liệu xây dựng gây ra, Phó Chủ tịch UBND xã Văn Nhân chia sẻ: “Gia đình tôi cũng sinh sống ở khu vực thôn Đề Thám nên rất hiểu và thông cảm nỗi khổ của bà con nhân dân tại đó. Nhà cửa, quần áo lúc nào cũng toàn sạn cát nên cuộc sống của bà con rất khổ sở. Tuy nhiên UBND xã lại không đủ thẩm quyền xử lý nên chúng tôi chỉ đôn đốc, kiểm tra để tránh phát sinh sai phạm mới. Cuối tháng 3 vừa rồi, khi phát hiện hộ ông Hoàng Văn Mạnh tập kết cát vào bãi, chúng tôi đã báo cáo huyện và tiến hành lập biên bản tạm đình chỉ hoạt động đối với hộ ông Mạnh. Tôi mong huyện và thành phố sớm có giải pháp để giải quyết dứt điểm tình trạng này”.
Trong khi UBND TP. Hà Nội đã và đang có hàng loạt chỉ đạo quyết liệt nhằm xử lý việc tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng không phép ở các tuyến đê trên địa bàn Thủ đô thì tại xã Văn Nhân, huyện Phú Xuyên mọi chuyện có vẻ đang đi ngược lại với không khí chung đó. Trước thực trạng trên, Báo TN&MT đề nghị UBND TP. Hà Nội, UBND huyện Phú Xuyên cần sớm có biện pháp quyết liệt hơn trong xử lý các bãi tập kết vật liệu xây dựng không phép, tránh để vi phạm kéo dài gây bức xúc trong dư luận địa phương, đồng thời xem xét, xử lý trách nhiệm đối với các cá nhân, đơn vị có liên quan.
Báo TN&MT sẽ tiếp tục thông tin...