Người dân bản Phì Nhừ B, xã Phì Nhừ, huyện Điện Biên Đông phát dọn thực bì, bảo vệ diện tích rừng khoanh nuôi tái sinh. |
Năm 2020, huyện Ðiện Biên Ðông được giao khoán khoanh nuôi tái sinh gần 1.900ha rừng; trong đó, khoanh nuôi tái sinh năm thứ nhất là 1.204ha, còn lại là diện tích khoanh nuôi năm thứ hai và thứ ba. Theo đánh giá của UBND huyện Điện Biên Đông, chỉ tiêu giao khoán sẽ khó hoàn thành, nhất là khoanh nuôi tái sinh rừng năm thứ nhất.
Sau khi có kế hoạch chỉ tiêu giao, huyện Ðiện Biên Ðông đã thành lập Tổ công tác triển khai thực hiện việc trồng rừng, khoanh nuôi tái sinh, bảo vệ rừng và trồng rừng thay thế trên địa bàn huyện, hướng dẫn các xã, thị trấn triển khai kế hoạch. Căn cứ thực tế, UBND huyện giao chỉ tiêu khoanh nuôi tái sinh cho 14/14 xã, thị trấn; trong đó, nhiều nhất là xã Keo Lôm với 120ha; các xã: Na Son 100ha, Pú Hồng 95ha, Pú Nhi 93ha; Phình Giàng, Chiềng Sơ 93ha…
Nhằm tránh trường hợp đăng ký khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên vào diện tích rừng và đất rừng đã quy hoạch, UBND huyện Điện Biên Đông đã chỉ đạo tổ công tác, lực lượng kiểm lâm phụ trách địa bàn tham mưu cho UBND các xã, thị trấn rà soát cụ thể các diện tích đất trống, nương bạc màu bỏ hoang không có cây gỗ tái sinh là đất rừng đã quy hoạch cho mục đích lâm nghiệp, gồm: Ðất trống đồi trọc, đất có cây bụi, lau lách, chuối rừng, chít… và diện tích khoanh nuôi tái sinh rừng có thực vật che phủ gồm: Cây bụi, trảng cỏ, lau lách và cây gỗ tái sinh có chiều cao từ 0,5m trở lên và đạt tối thiểu 500 cây/ha; hướng dẫn người dân đăng ký khoanh nuôi tái sinh phù hợp với quy hoạch 3 loại rừng.
Ông Nguyễn Trọng Huế, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ðiện Biên Ðông cho biết: Với chỉ tiêu 1.204ha khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên năm thứ nhất rất khó thực hiện. Nguyên nhân cơ bản là do định mức hỗ trợ khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên thấp, không đảm bảo cuộc sống cho người dân, vì vậy chưa thu hút được người dân tham gia đăng ký khoanh nuôi. Cụ thể, hiện nay đối với 1ha khoanh nuôi tái sinh rừng, người dân chỉ được hỗ trợ 500 nghìn đồng/năm.
Người dân không muốn bỏ đất nương để khoanh nuôi tái sinh rừng vì định mức hỗ trợ khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên thấp. |
Ông Chá Giống Chư, Phó Chủ tịch UBND xã Phì Nhừ cho biết: Hiện nay, khó khăn nhất trong công tác khoanh nuôi tái sinh rừng là tuyên truyền, vận động người dân đăng ký. Kế hoạch năm 2019, xã được giao 90ha nhưng kết thúc năm người dân chỉ đăng ký thực hiện được 4,8ha. Nguyên nhân là 100% hộ dân trên địa bàn đều sống dựa vào làm nương, vì vậy người dân không muốn bỏ đất nương để khoanh nuôi tái sinh rừng. Trong khi đó, so sánh hiệu quả giữa việc làm nương với khoanh nuôi tái sinh rừng thì làm nương có giá trị hơn. Năm 2020, xã Phì Nhừ được giao khoanh nuôi tái sinh 89ha, khả năng khó hoàn thành chỉ tiêu giao.
Tại xã Keo Lôm, năm nay được giao khoanh nuôi tái sinh 120ha rừng tự nhiên mới, tuy nhiên người dân không mặn mà đăng ký. Nguyên nhân do định mức hỗ trợ việc khoanh nuôi tái sinh rừng thấp, người dân không sống được từ rừng; đây cũng là lý do năm 2019, xã chỉ thực hiện khoanh nuôi tái sinh được gần 50% chỉ tiêu giao.
Có thể nói, việc thực hiện chỉ tiêu khoanh nuôi tái sinh rừng trên địa bàn huyện Ðiện Biên Ðông những năm qua đều không đạt kế hoạch giao. Năm 2018, huyện được giao khoanh nuôi tái sinh 1.000ha rừng nhưng chỉ thực hiện được 352ha; năm 2019 được giao chỉ tiêu 1.200ha song chỉ đạt 700ha (bao gồm cả diện tích khoanh nuôi năm thứ 1 và năm thứ 2, thứ 3 của năm 2018 chuyển sang). Và dự báo chỉ tiêu giao năm 2020 cũng khó hoàn thành.
Theo kế hoạch, từ tháng 1 đến tháng 5, UBND các xã, thị trấn phải xây dựng xong hồ sơ thiết kế kỹ thuật, dự toán khoanh nuôi tái sinh rừng năm thứ nhất. Tuy nhiên, đến thời điểm này, hầu hết các xã, thị trấn mới chỉ tiếp nhận kế hoạch, chưa triển khai đến các bản, người dân.
Thiết nghĩ, để đạt được chỉ tiêu kế hoạch, thu hút người dân tham gia khoanh nuôi tái sinh rừng cần phải có chính sách nâng cao định mức hỗ trợ để người dân có thể sống được từ rừng. Ðồng thời, có giải pháp hỗ trợ, chuyển đổi việc làm cho người dân khi tham gia khoanh nuôi tái sinh rừng.