Anh Đinh Ủi (làng Kon Ktonh) cho biết, bám sát kế hoạch của xã, các hộ dân làng Kon Ktonh chia làm 4 tổ thường xuyên tuần tra bảo vệ rừng. Mỗi tổ có 10 - 15 người, cứ 2 đến 3 ngày thì tổ chức tuần tra một lần, thay phiên nhau hết tổ này đến tổ khác và đan xen với các tổ của làng khác để tránh trùng lắp. Chính vì vậy, hầu như trong khu vực rừng nhận khoán lúc nào cũng có người của các tổ tuần tra làm việc. Hoạt động của các tổ được chấm công chặt chẽ dựa vào biên bản ghi kết quả tuần tra, giám sát như: thời gian, địa điểm, hiện trạng rừng tại khu vực nhận khoán.
Từ việc nhận khoán bảo vệ rừng, các hộ đều nỗ lực ngăn ngừa các hành vi xâm hại rừng. Anh A Phui - Tổ trưởng tổ bảo vệ rừng làng Kon Kring khẳng định: “Sau khi họp làng thông báo việc nhận khoán bảo vệ rừng, chúng tôi lập danh sách và phân công nhiệm vụ cho các tổ tuần tra. Dân làng ai cũng có trách nhiệm tham gia bảo vệ rừng và được hỗ trợ 200.000 đồng/ngày. Các thành viên trong tổ khi thực hiện giám sát, nếu phát hiện rừng có dấu hiệu bị xâm hại thì báo ngay để chính quyền xử lý”.
Trong khi đó, ngoài việc cử cán bộ tham gia cùng tổ tuần tra của các làng nhằm giám sát việc thực hiện, chính quyền xã Kon Pne còn lập tổ tuần tra của xã với thành phần gồm: Thường trực UBND xã, công an, dân quân, kiểm lâm địa bàn. Tổ này vừa tuần tra theo kế hoạch, vừa giám sát đột xuất các tổ bảo vệ rừng của làng. Thành viên nào không thực hiện tham gia tuần tra bảo vệ rừng sẽ bị đưa ra khỏi danh sách hoặc thông báo trước cộng đồng. Nhờ đó, ý thức bảo vệ rừng của người dân được nâng lên, tình trạng vi phạm Luật Lâm nghiệp hầu như không còn xảy ra.
Theo ông Nguyễn Văn Thưởng - Phó Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh: Từ khi có chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, số hộ nhận khoán bảo vệ rừng tăng lên, số vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp giảm xuống rất nhiều. Nguồn thu không chỉ giúp các chủ rừng giải quyết khó khăn về tài chính mà các đơn vị này còn tạo điều kiện mở rộng diện tích giao khoán cho người dân hưởng lợi, gắn bó với rừng; qua đó không những góp phần nâng cao nhận thức mà còn huy động được sức dân trong công tác quản lý, bảo vệ rừng.
Với số tiền được chi trả từ dịch vụ môi trường rừng, người dân xã Kon Pne còn có điều kiện để cải thiện môi trường sống. Ông Đinh A Phir - Trưởng thôn Kon Hleng cho biết, làng đã gây quỹ được hơn 24 triệu đồng dùng để mua cây xanh trồng xung quanh nhà văn hóa; hỗ trợ 3 hộ dân (4 triệu đồng/hộ) trong làng di dời nhà, xây lại bờ rào nhường đất làm khuôn viên nhà văn hóa. “Từ nguồn chi trả dịch vụ môi trường rừng, mỗi năm, chúng tôi sẽ tiếp tục giữ lại số tiền từ 10 triệu đồng đến 30 triệu đồng để gây quỹ giúp các hộ khó khăn trong làng hoặc cho họ vay phát triển sản xuất”- ông A Phir nói.
Theo kế hoạch, năm 2020, bằng nhiều nguồn vốn hỗ trợ, xã Kon Pne sẽ tổ chức cho người dân trồng khoảng 30 - 50 ha. Định hướng của xã là trồng rừng gỗ lớn, 10 năm trở lên mới thu hoạch nhằm tăng giá trị kinh tế. Lúc đó, mỗi héc ta sẽ cho thu nhập 120 - 150 triệu đồng.