Mục tiêu 452 tỷ kWh đến năm 2050
Tại Hội thảo quốc tế “Phát triển năng lượng tái tạo hướng tới giảm thiểu carbon tại Việt Nam” do Đại sứ quán Anh phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức mới đây, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng cho biết, một trong những mục tiêu ưu tiên của Việt Nam là phát triển NLTT để giảm dần sự phụ thuộc vào các dạng năng lượng phát điện truyền thống. Chiến lược phát triển NLTT giai đoạn 2015 - 2030, xét đến 2050 đã đưa ra các mục tiêu cụ thể, theo đó, lượng điện năng sản xuất từ các nguồn NLTT sẽ tăng từ mức 58 tỷ kWh năm 2015 lên 101 tỷ kWh năm 2020, 186 tỷ kWh năm 2030 và 452 tỷ kWh năm 2050 - chiếm 42% tổng điện năng sản xuất được.
Chính phủ đang cụ thể hóa Chiến lược này bằng hàng loạt các chính sách ưu đãi khác cho các nhà đầu tư như ưu tiên cung cấp tín dụng, miễn/giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất, sử dụng hợp đồng mua bán điện mẫu... cùng với đó, cơ chế giá điện Feed-in-Tariff cho điện mặt trời, điện gió, điện sản xuất từ chất thải rắn, điện sinh khối.
Đến cuối năm 2018, đã có 10.000 MW điện mặt trời được các nhà đầu tư đăng ký, trong đó, 8.100 MW được bổ sung quy hoạch (121 dự án) với trên 100 dự án đã ký hợp đồng mẫu mua bán điện (PPA). Hai dự án công suất 86 MW đã hoạt động vào cuối năm ngoái và cách đây vài ngày là cụm nhà máy điện mặt trời quy mô 100 MW tại Đắk Lắk đã được đưa vào vận hành. Trong khi đó, vẫn còn khoảng 220 dự án đang chờ bổ sung vào quy hoạch.
“Việc phát triển thêm các nguồn năng lượng sạch bên cạnh nguồn điện sinh khối sẽ giúp đáp ứng nhu cầu điện cho kinh tế tăng trưởng 6,5 - 7,5% mỗi năm” - lãnh đạo Bộ Công Thương nhấn mạnh.
Tại hội thảo, Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam - ông Gareth Ward nhận định, Việt Nam trong những năm gần đây nổi lên là một nhà sản xuất năng lượng quan trọng ở Đông Nam Á và được xếp trong nhóm 4 quốc gia hàng đầu Đông Nam Á về sản xuất dầu khí và trữ lượng dầu. Trước nhu cầu cho việc phát triển nguồn NLTT ở Việt Nam ngày càng tăng, những sáng kiến của Chính phủ đang phát huy hiệu quả thúc đẩy sản xuất NLTT, đặc biệt, trong gió và mặt trời.
Các chuyên gia nước ngoài, thị trường NLTT của Việt Nam đã bước đầu hình thành nhưng chưa ổn định, do các nhà đầu tư nước ngoài còn nhiều băn khoăn về rủi ro của các dự án. Họ nhận thấy, mức độ bảo lãnh của Chính phủ chưa cao so với các dự án điện thông thường, đặc biệt, với các dự án phát triển NLTT ở địa phương. Đây chính là khâu cần tạo bước đột phá.
Giải pháp xây dựng thị trường
Theo nghiên cứu của hãng Luật Watson FarleyWilliam (Anh), Đông Nam Á nói chung và Việt nam nói riêng hiện đang có nhu cầu cao về phát triển điện NLTT. Vì vậy, Chính phủ các quốc gia cần cho các nhà đầu tư vay có lựa chọn thông qua chiến lược cụ thể. Tiếp đến là thiết kế một môi trường cho phép thúc đẩy tài trợ, các chính sách công và hành động được thiết kế để thu hút đầu tư tư nhân.
Cần chú trọng xây dựng hành lang pháp lý cụ thể, minh bạch cho những người không quen thuộc với trình tự pháp lý ở quốc gia đó. Lấy ví dụ ở Việt Nam, đó là việc phân bổ trách nhiệm xây dựng đường dây truyền tải cho nhà phát triển, hay một quy trình rõ ràng để được cấp quyền sử dụng đất hay sử dụng mặt biển… Bên cạnh đó, cần hài hòa các chính sách tài chính, giá năng lượng để cho phép có mức giá hợp lý hơn; cải cách và đơn giản hóa quá trình cấp phép và thu hồi đất…
Cũng theo các chuyên gia, các dự án năng lượng mặt trời và gió tại Việt Nam vẫn đang tồn tại rủi ro về tắc nghẽn mạng lưới truyền tải điện. Dù các cơ quan chức năng đã chỉ ra vấn đề này nhiều lần, nhưng công tác khắc phục còn phải tiến hành trong thời gian dài và là trở ngại khi các nhà đầu tư quốc tế cân nhắc xem xét tài trợ dự án NLTT. Mặt khác, Chính phủ khuyến khích đầy nhanh đầu tư nhưng lại chưa có khung giá FIT dài hạn cho NLTT, cũng như thời hạn vận hành thương mại các dự án điện gió ngoài khơi chỉ đến tháng 11/2021…
Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam Trần Viết Ngãi khẳng định, hoàn thiện thị trường NLTT chính là phá điểm nghẽn trong phát triển năng lượng Việt Nam hiện nay. Ông Ngãi cũng lưu ý, dù mong muốn đẩy nhanh phát triển NLTT, nhưng khi xem xét các dự án NLTT cần đảm bảo sự phát triển đồng bộ giữa nguồn và lưới điện, đảm bảo khả năng vận hành an toàn, kinh tế của hệ thống điện và hiệu quả đầu tư chung của toàn xã hội.
Cuối năm 2018 đã có 10.000 MW điện mặt trời được các nhà đầu tư đăng ký, trong đó, 8.100 MW được bổ sung quy hoạch (121 dự án) với trên 100 dự án đã ký hợp đồng mẫu mua bán điện (PPA). Hai dự án công suất 86 MW đã hoạt động vào cuối năm ngoái và cách đây vài ngày, cụm nhà máy điện mặt trời quy mô 100 MW tại Đắk Lắk đã được đưa vào vận hành. Trong khi đó, vẫn còn khoảng 220 dự án đang chờ bổ sung vào quy hoạch. |