Cuộc họp có sự tham dự của lãnh đạo các đơn vị thuộc các Tiểu ban giúp việc cho Ban tổ chức như: Tiểu ban Nội dung, Tuyên truyền và Tiểu ban Hậu cần, Khánh tiết.
Phát biểu chỉ đạo cuộc họp, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị, thông qua sự kiện Kỷ niệm 20 năm thành lập Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ khẳng định vị trị, vai trò, tiềm năng, lợi thế cũng như thành tích đóng góp của ngành Tài nguyên và Môi trường đối với công cuộc bảo vệ, xây dựng, phát triển đất nước.
“Thông qua các hoạt động Kỷ niệm 20 năm thành lập Bộ để không ngừng nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý Nhà nước của toàn ngành. Đồng thời, nâng cao ý thức, nhận thức của các cấp, các ngành và cộng đồng về vị trí, vị thế, vai trò và sự đóng góp của ngành cho nền kinh tế quốc dân; tiếp tục đổi mới, nắm bắt kịp thời cơ và thuận lợi, tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong toàn ngành để lĩnh vực tài nguyên và môi trường thực sự là một trong những trụ cột của sự phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững.” – Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết.
Theo Bộ trưởng, thông qua sự kiện Lễ kỷ niệm, sẽ khẳng định sự đóng góp to lớn của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Tài nguyên và Môi trường trong 20 năm qua. Đồng thời, tiếp tục kêu gọi, động viên sự đóng góp về công sức, trí tuệ, trí lực của cán bộ, công nhân viên chức của toàn ngành trong giai đoạn tiếp theo.
Báo cáo tại cuộc họp, Ban tổ chức cho biết, nhằm hướng đến một Lễ Kỷ niệm 20 năm thật thật trang trọng và ý nghĩa, các tiểu ban đã lên kế hoạch và tổ chức một số hoạt động diễn ra liên tục từ nay cho đến ngày Lễ mít tinh 5/8/2022. Trong đó, có các hoạt động về văn nghệ thể thao; các hoạt động về Hội nghị, hội thảo tổng kết hoạt động khoa học và công nghệ giai đoạn 2011-2021 và định hướng đến năm 2030 của Bộ Tài nguyên và Môi trường; các hoạt động truyền thông như triển khai thực hiện phong trào thi đua lập thành tích cao chào mừng kỷ niệm 20 năm thành lập Bộ Tài nguyên và Môi trường, tuyên truyền các điển hình tiên tiến, mô hình, sáng kiến hiệu quả trong lĩnh vực quản lý tài nguyên và môi trường và trong cộng đồng xã hội; thực hiện các ấn phẩm tuyên truyền….
Tại cuộc họp, các đại biểu cũng tham gia đóng góp các ý kiến, kinh nghiệp tổ chức, để tuyên truyền nhân rộng vị thế của ngành tài nguyên và môi trường trong giai đoạn mới. Qua đó, nâng cao nhận thức cộng đồng trong việc cùng nâng cao ý thức và hành động bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Bên cạnh đó, sẽ huy động sức mạnh nội lực và tổng hợp của các lĩnh vực thuộc ngành tài nguyên và môi trường như: đất đai, tài nguyên nước, khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu, môi trường, địa chất và khoáng sản, đo đạc và bản đồ, biển và hải đảo, viễn thám và hệ thống Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; huy động nguồn lực và sự đóng góp của cộng đồng xã hội trong việc quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường.
Thông qua các ý kiến đóng góp, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị các Tiểu ban xây dựng nội dung, kế hoạch và phân công cụ thể công tác của từng thành viên phải đảm bảo tính trạng trọng, thiết thực, nêu cao ý nghĩa giáo dục truyền thống lịch sử, quá trình hình thành, phát triển và đổi mới ngành Tài nguyên và Môi trường trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tài nguyên và môi trường và cộng đồng xã hội. Đảm bảo an toàn, tiết kiệm, tránh phô trương hình thức; bảo đảm đúng các quy định hiện hành của Nhà nước. Đồng thời, tăng cường sự đoàn kết gắn bó giữa các tập thể và cá nhân trong ngành Tài nguyên và Môi trường để cùng xây dựng, phát triển ngành lên tầm cao mới.