Xã hội

Hướng nghiệp để đồng bào dân tộc vươn lên thoát nghèo

Việt Anh 15/03/2024 - 14:54

(TN&MT) - Ðào tạo nghề, giáo dục nghề nghiệp cho lao động nông thôn, nhất là lao động người dân tộc thiểu số được xem là giải pháp quan trọng trong công tác giảm nghèo. Những năm qua, hoạt động này luôn được các cấp, Ngành, địa phương chú trọng, góp phần từng bước cải thiện và nâng cao đời sống người dân đóng góp quan trọng vào công cuộc xóa đói giảm nghèo của cả nước.

Giải pháp căn cơ để giảm nghèo bền vững

Giảm nghèo trên diện rộng là việc không dễ dàng, cần có chính sách, cơ chế của Đảng, Nhà nước, sự nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, toàn xã hội và từng cá nhân. Tuy nhiên, làm thế nào để cái nghèo không quay trở lại thì còn khó khăn hơn rất nhiều. Giảm nghèo qua phương pháp giáo dục, đặc biệt giáo dục nghề nghiệp được coi là cách làm căn cơ và bền vững.

Thời gian qua, Đảng, Nhà nước rất quan tâm đến công tác đào tạo nghề, chú trọng triển khai giáo dục nghề nghiệp nhằm giúp người nghèo, hộ nghèo có kiến thức, kỹ năng để có việc làm hoặc tự tạo việc làm ổn định, chủ động vươn lên thoát nghèo. Trong các chương trình mục tiêu quốc gia của các giai đoạn trước cũng có những nội dung liên quan đến đào tạo nghề. Trong Đề án đào tạo nghề lao động nông thôn cũng xác định đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người nghèo là một trong những chỉ tiêu quan trọng.

Kiến thức, kỹ năng nghề là yếu tố quan trọng để người nghèo thoát nghèo bền vững. Do đó, có thể khẳng định, đào tạo nghề góp phần quan trọng phát triển nguồn nhân lực có tay nghề, tạo sinh kế, việc làm và giảm nghèo bền vững của đất nước.

ca-mau-dao-tao-nghe.jpeg
Nâng cao chất lượng đào tạo nghề, giải quyết việc làm, từng bước giúp bà con dân tộc thoát nghèo

Nâng cao hiệu quả giảm nghèo bền vững từ giáo dục nghề nghiệp

Vai trò của giáo dục nghề nghiệp đối với giảm nghèo bền vững tiếp tục được khẳng định tại Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong Chương trình, nội dung về đào tạo nghề và giải quyết việc làm được thiết kế thành một dự án riêng là dự án số 4 với các mục tiêu, lộ trình và chỉ tiêu cụ thể.

Theo đó, mục tiêu của chương trình là phát triển giáo dục nghề nghiệp cả về quy mô và chất lượng đào tạo, hỗ trợ đào tạo nghề cho người nghèo, người dân sinh sống trên địa bàn tỉnh có huyện nghèo, gắn kết chặt chẽ giáo dục nghề nghiệp với tạo việc làm, sinh kế bền vững, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống. Đối tượng là người học nghề, lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; người lao động có thu nhập thấp; các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh có huyện nghèo; các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức và cá nhân có liên quan…

daynghe-16709278210181161839331-1-.jpg
Đào tạo nghề gắn với thế mạnh địa phương giúp giảm nghèo bền vững

Theo ông Đào Trọng Độ, Vụ trưởng Vụ đào tạo thường xuyên (Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội), nội dung về đào tạo nghề nêu tại Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 là một trong những thay đổi trong cách tiếp cận để giải quyết vấn đề giảm nghèo bền vững, tiếp cận ở góc độ người lao động có kỹ năng, có việc làm một cách thỏa đáng, bền vững. Đó là nội dung căn cơ để giải quyết các vấn đề thiếu hụt khác như: thiếu hụt về thu nhập, thiếu hụt về tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản...

Do đó, việc triển khai thực hiện hiệu quả nội dung về phát triển giáo dục nghề nghiệp trong Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 là nhiệm vụ quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả giảm nghèo bền vững trong thời gian tới. Để làm được điều này, trước hết, Nhà nước cần có các chính sách đầu tư trọng tâm vào vùng có điều kiện khó khăn để tạo điều kiện tiếp cận, tham gia các lớp giáo dục nghề nghiệp cho người lao động.

doi-moi-phat-trien-giao-duc-nghe-nghiep-dap-ung-yeu-cau-cong-nghiep-hoa-hien-dai-hoa-dat-nuoc-trong-tinh-hinh-moi.jpg
Đào tạo nghề chất lượng cao tạo sinh kế cho người nghèo

Đồng thời, cần có chính sách đầu tư cho các cơ sở đào tạo về các điều kiện đảm bảo chất lượng (cơ sở vật chất, đội ngũ nhà giáo, chương trình giáo trình...) để nâng cao chất lượng đào tạo, có môi trường học tập thực sự để thu hút sự tham gia của người học. Về dài hạn, cần phải có hệ thống giáo dục nghề nghiệp mở, công bằng, đảm bảo cho mọi đối tượng, mọi thành phần đều được hưởng lợi, đầu tư của Nhà nước đảm bảo tính cân bằng, không chỉ vùng khó khăn, vùng nghèo, vùng miền núi… mà là tất cả các địa phương, các khu vực.

Để phát triển bền vững, năng suất cao hơn, giáo dục nghề nghiệp cho hộ nghèo không chỉ dừng ở đào tạo cơ bản, sơ cấp, dưới 3 tháng... mà phải có sự phân luồng đào tạo rõ ràng, đào tạo trình độ cao với lực lượng lao động trẻ để đảm bảo kiến thức, kỹ năng đáp ứng với nhu cầu thị trường lao động ngày càng cao.

Bên cạnh đó, cần có chính sách để tăng cường khả năng tiếp cận của người nghèo với giáo dục nghề nghiệp như: khuyến khích, thậm chí hỗ trợ chi phí ăn, đi lại. Đồng thời, cần tăng cường sự hợp tác giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp trong các chính sách hỗ trợ người học, tạo điều kiện tuyển dụng sau khi tốt nghiệp.

Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng cần nâng cao chất lượng đào tạo, bố trí giảng viên có chất lượng, cơ sở vật chất và học liệu đầy đủ để công tác đào tạo đạt hiệu quả cao nhất. Từ đó, giúp học viên có kiến thức, kỹ năng, tạo ra cơ hội để các sinh viên khi ra trường có tay nghề, tham gia vào thị trường lao động và có thu nhập tốt, phục vụ nhu cầu bản thân và gia đình để thoát nghèo và phát triển bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hướng nghiệp để đồng bào dân tộc vươn lên thoát nghèo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO