Xã hội

Yên Mô (Ninh Bình): Tạo việc làm, ổn định đời sống người lao động

Bảo Hà 28/08/2024 - 20:41

Những năm qua, huyện Yên Mô (Ninh Bình) đã thực hiện đồng bộ các biện pháp như: tư vấn, hỗ trợ học nghề, giới thiệu việc làm và tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động, doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi để mở rộng sản xuất, tạo thêm việc làm mới cho người lao động.

2.png
Huyện Yên Mô đặt ra mục tiêu bình quân mỗi năm có trên 2.000 lao động có việc làm.

Một trong những hoạt động có ý nghĩa thiết thực đó chính là đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho lao động. Xuất phát từ thực tiễn địa phương, huyện Yên Mô đặt ra mục tiêu bình quân mỗi năm có trên 2.000 lao động có việc làm, để hoàn thành mục tiêu chung trong giai đoạn 2021 – 2025 sẽ có trên 10.000 người có việc làm ổn định.

Theo đó, huyện Yên Mô thường xuyên phối hợp với ngành chức năng, các trường dạy nghề mở các lớp đào tạo nghề ngắn hạn, dài hạn cho người trong độ tuổi lao động, người có nhu cầu học tập. Đồng thời, giới thiệu việc làm cho các đối tượng vào làm việc tại các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài địa phương. Điển hình trong năm 2022, huyện đã giải quyết việc làm cho 2.583 người, đạt 129,15 % theo kế hoạch. Qua đó, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, giảm các tệ nạn xã hội, đồng thời thúc đẩy kinh tế – xã hội trên địa bàn phát triển.

Huyện Yên Mô hiện có khoảng 74.129 người trong độ tuổi lao động, trong đó khoảng 84,49 % lao động chưa qua đào tạo, không có việc làm ổn định. Trước thực trạng trên, huyện đã triển khai nhiều biện pháp nhằm chuyển dịch cơ cấu lao động, tạo việc làm, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững cho nhân dân.

Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện chủ động phối hợp các xã, thị trấn khảo sát, điều tra chất lượng nguồn nhân lực, nhu cầu học nghề của lực lượng lao động nông thôn, xây dựng kế hoạch đào tạo nghề theo nhu cầu của người lao động và thị trường lao động. Ngoài ra, huyện còn chú trọng liên kết với Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn nhằm giải quyết việc làm, tiêu thụ sản phẩm cho người lao động.

1.png
Các lớp dạy nghề đã giải quyết việc làm cho gần 6.000 lao động nông nhàn với mức thu nhập bình quân từ 2-3 triệu đồng/tháng.

Cùng với đó, các lớp dạy nghề được tổ chức tại các xã, thị trấn để đồng bào thuận tiện theo học với các làng nghề như chế biến cói, bèo xuất khẩu; làng nghề bún Yên Thịnh; làng nghề thợ nề Bình Hải… Hàng năm các làng nghề đóng góp khoảng 30- 32% giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp toàn huyện, giải quyết việc làm cho gần 6.000 lao động nông nhàn với mức thu nhập bình quân từ 2-3 triệu đồng/tháng.

Bà Trịnh Thị San, xóm 1, xã Khánh Thịnh khi nghe thông tin về lớp học nghề, bà cùng các hộ gia đình khác trong buôn đã đăng ký tham gia. Tại lớp học, bà và các học viên được học cách để tạo ra sản phẩm truyền thống.

“Chúng tôi rất vui mừng vì đã được học nghề truyền thống. Thông qua lớp học, không những góp phần bảo tồn được nét văn hóa truyền thống của địa phương mà còn giúp tôi có nghề nghiệp để cải thiện, nâng cao thu nhập và phát triển kinh tế sau này” - Bà San chia sẻ.

Trưởng Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Yên Mô, ông Đỗ Văn Vợi cho biết, Yên Mô hiện có khoảng 0,0025 % hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Toàn huyện có 807 hộ nghèo, 1.101 hộ cận nghèo và 01 hộ cận nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số. Theo ông Vợi, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động là một trong những giải pháp quan trọng giúp giảm nghèo bền vững, góp phần phát triển kinh tế- xã hội tại địa phương.

Với mục tiêu huyện không còn hộ nghèo, thời gian tới, Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Yên Mô tích cực điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề của người lao động và thị trường lao động, phân bổ, sử dụng tốt nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia để giải quyết nhu cầu học nghề cho lao động nông thôn, miền núi.

“Huyện Yên Mô sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, thực hiện tốt các chính sách khuyến khích hỗ trợ học nghề đối với lao động nông thôn, lao động đồng bào dân tộc thiểu số; phối hợp các trường nghề nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề gắn với tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Dự kiến đến cuối năm 2024, huyện sẽ tổ chức thêm 6 lớp dạy nghề cho lao động nông thôn, vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra”, - Trưởng Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Yên Mô, ông Vợi cho biết thêm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Yên Mô (Ninh Bình): Tạo việc làm, ổn định đời sống người lao động
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO