Công ty TNHH cấp nước Hải Hưng (Công ty) có nhà máy nước sạch được xây dựng tại thôn Triều Dương, xã Hải Triều, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên. Và bắt đầu đi vào khai thác, kinh doanh từ cuối năm 2016. Hiện Công ty đang phân phối, kinh doanh nước sạch tới 9 xã với khoảng hơn 6 nghìn hộ gia đình nông thôn. Sự xuất hiện của Công ty những năm qua là nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến mục tiêu phấn đấu của tỉnh Hưng Yên, hết năm 2020 đạt 100% hộ dân đấu nối và sử dụng nước sạch. Tuy nhiên, thời gian vừa qua nhiều hộ gia đình tại đây đã rất bất bình trước việc Công ty tự xác định, tính toán chi phí hình thành giá nước rồi áp đặt thu đối với tất cả khách hàng khi không được các cơ quan có thẩm quyền cho phép. Ngoài ra, việc thu 2.500.000đ/hộ (tiền mua đồng hồ đo nước) của Công ty cũng không hợp lý và còn nhiều “khuất tất” trong việc tính chi phí để hình thành nên giá nước, khiến người dân đang bất bình lại càng thêm bức xúc.
Trong Thông báo số 211/UBND-KT1, ngày 24/5/2018 của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên kết luận tại cuộc họp về đấu nối đồng hồ cấp nước, phương án giá nước, chuyển nhượng các công trình cấp nước và hỗ trợ hộ nghèo đấu nối, sử dụng nước sạch, nêu rõ: “Việc đầu tư kinh phí đấu nối nước sạch là trách nhiệm của các đơn vị cấp nước, đến điểm giáp ranh hộ sử dụng nước (bao gồm cả cụm đồng hồ đo nước và thiết bị phụ trợ). Đơn vị cấp nước được thỏa thuận với các hộ dân để huy động kinh phí đấu nối đồng hồ nước sạch, nhưng phải được sự đồng thuận của các hộ dân, mức huy động công khai và theo định mức quy định của UBND tỉnh. Kinh phí huy động đấu nối sử dụng nước sạch được xử lý theo 02 hình thức sau: Được trừ dần vào tiền sử dụng nước hàng tháng. Mức khấu trừ tối thiểu 10% giá trị tiền nước hàng tháng (giá nước là giá do UBND tỉnh quy định, được tính đúng tính đủ bao gồm cả khấu hao cụm đồng hồ). Đồng hồ đo nước do đơn vị cấp nước quản lý, có trách nhiệm duy tu, bảo dưỡng và định kỳ kiểm định theo quy định; Không tính vào chi phí hình thành giá nước, để giảm chi phí chi trả tiền nước của người dân. Đồng hồ đo nước là tài sản của hộ sử dụng nước, đơn vị cấp nước có trách nhiệm duy tu, bảo dưỡng và định kỳ kiểm định theo quy định”.
Theo đó, trong trường hợp này, các hộ dân đã phải tự bỏ số tiền 2.500.000đ/hộ để mua đồng hồ đo nước, và không được trừ dần vào tiền sử dụng nước hàng tháng. Do đó sẽ được áp dụng theo hình thức thứ 2. Theo cách hiểu đơn giản là việc “hùn vốn” này của người dân đã giúp giảm chi phí đầu tư ban đầu rất lớn cho Công ty (6.000 hộ x 2.500.000đ = 15 tỷ đồng), lẽ ra người dân phải được hưởng một giá nước hợp lý. Nhưng thực tế lại đang diễn ra điều ngược lại, bởi hơn 6 nghìn hộ gia đình nông thôn tại đây đang phải “cõng” trên mình giá nước sinh hoạt do Công ty tự đặt ra và chịu theo giá lũy tiến được phân làm 4 bậc, cao hơn rất nhiều so với quy định của UBND tỉnh.
Làm việc với PV Báo Tài nguyên & Môi trường trước những vấn đề trên, ông Nguyễn Tiến Luật (Giám đốc công ty) cho biết: Hiện Công ty đang áp dụng thu với nước dùng cho sinh hoạt của các hộ dân tại nông thôn theo giá lũy tiến gồm 4 bậc. Cụ thể: từ 10m3 đầu tiên có giá là 7.700đ/m3; từ 10 đến 20m3 là 10.000đ/m3; từ 20 đến 30m3 là 11.000đ/m3 và trên 30m3 là 12.500đ/m3. Khi được hỏi tại sao Công ty lại “phớt lờ” quyết định số 814/QĐ-UBND của UBND tỉnh Hưng Yên về việc quy định giá bán nước sạch tiêu thụ trên địa bàn tỉnh đối với giá nước dùng cho sinh hoạt của các hộ dân chỉ là 6.800đ/m3? Vị Giám đốc đã thừa nhận công ty đã thu sai quy định và dãi bày, do Quyết định của UBND tỉnh Hưng Yên ban hành đã lâu, biên độ trượt giá những năm gần đây lớn, nên công ty đã tự hạch toán và đưa ra giá nước như trên để đảm bảo duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh…
Tại Thông tư liên tịch số 75/2012/TTLT-BTC-BXD-BNNPTNT về việc hướng dẫn nguyên tắc, phương pháp xác định và thẩm quyền quyết định giá tiêu thụ nước sạch tại các đô thị, khu công nghiệp và khu vực nông thôn, nêu rõ: “ Trong trường hợp ở những nơi có nguồn nước và công suất nước dư thừa so với nhu cầu tiêu dùng thì có thể chưa thực hiện giá tiêu thụ nước sạch cho sinh hoạt theo cơ chế giá lũy tiến mà áp dụng theo mức giá nước sinh hoạt bình quân nhằm khuyến khích người tiêu dùng sử dụng nước sạch, an toàn vệ sinh…”
Như vậy, với việc áp dụng tính giá lũy tiến như trên là không phù hợp, điều này chỉ mang lại lợi ích cho Công ty, còn người dân thì hứng chịu nhiều thiệt thòi. Và đó cũng sẽ là vật cản, hạn chế việc tiếp cận, sử dụng nước sạch sinh hoạt an toàn, hợp vệ sinh tại nông thôn - nơi đang được UBND tỉnh đặc biệt quan tâm và khuyến khích.
Những “mập mờ” trong việc tính toán, xác định chi phí hình thành giá nước và việc “phớt lờ” quy định của UBND tỉnh về giá bán nước sạch tiêu dùng trên địa bàn tỉnh Hưng Yên của Công ty cấp nước Hải Hưng đang gây bức xúc, bất bình trong nhân dân. Các ngành chức năng tỉnh Hưng Yên cần nhanh chóng vào cuộc xác minh, thanh, kiểm tra nhằm chấn chỉnh, xử lý dứt điểm những sai phạm. Đảm bảo quyền lợi cho hàng nghìn hộ gia đình, qua đó cũng giúp người dân vùng nông thôn còn gặp nhiều khó khăn tiếp cận, sử dụng nước sạch sinh hoạt hợp vệ sinh, an toàn một cách dễ dàng hơn. Không làm ảnh hưởng cho mục tiêu phấn đấu của tỉnh là đến hết năm 2020 đạt 100% hộ dân đấu nối và sử dụng nước sạch.