Doanh nghiệp - doanh nhân

Hưng Yên: Khuyến khích doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ phát triển kinh tế xanh

Thu Thuỷ 09/08/2024 - 16:43

Với lợi thế nằm ở cửa ngõ phía Đông của Thủ đô Hà Nội, có hạ tầng giao thông thuận lợi, Hưng Yên có nhiều tiềm năng để trở thành “kho hàng” cho ngành công nghiệp hỗ trợ khu vực Đồng bằng Sông Hồng. Bên cạnh những định hướng, chính sách thu hút đầu tư vào ngành này, Hưng Yên còn chú trọng đến công tác bảo vệ môi trường.

Ưu tiên các dự án công nghiệp hỗ trợ

Để góp phần xây dựng tỉnh Hưng Yên sớm trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, Đảng bộ tỉnh Hưng Yên nhiệm kỳ 2020-2025 xác định ưu tiên cho các dự án công nghiệp hỗ trợ, công nghệ cao.

Hưng Yên hiện có 17 khu công nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận quy hoạch phát triển, diện tích 4.395 ha. Trong đó, 11 khu công nghiệp được chấp thuận Chủ trương đầu tư/Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; tổng vốn đầu tư đã đăng ký là 14.395 tỉ đồng và 412,25 triệu USD. Có 9 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động và tiếp nhận dự án đầu tư.

1(3).jpg
Hưng Yên có nhiều tiềm năng để trở thành “kho hàng” cho ngành công nghiệp hỗ trợ khu vực Đồng bằng Sông Hồng

Thời gian qua, Hưng Yên triển khai các chính sách ưu đãi nhằm thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước, nhờ đó tỉnh đón nhận các nguồn vốn đầu tư lớn. Hiện, trên địa bàn toàn tỉnh có 578 dự án có vốn đầu tư nước ngoài, tổng vốn đăng ký trên 7,5 tỷ USD.

Riêng ngành công nghiệp hỗ trợ, có hơn 300 dự án đăng ký đầu tư trong và ngoài nước đã góp phần quan trọng hình thành nên ngành công nghiệp hỗ trợ đang đà phát triển mạnh ở các lĩnh vực.

Tỉnh Hưng Yên định hướng đến năm 2025, công nghiệp hỗ trợ sẽ trở thành ngành công nghiệp quan trọng có đủ năng lực sản xuất và cung cấp linh kiện, phụ tùng cho một số ngành công nghiệp trong nước. Đến năm 2030, công nghiệp hỗ trợ từng bước tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu của các tập đoàn lớn trên thế giới.

Với lĩnh vực cơ khí chế tạo, phấn đấu đến năm 2025, sản xuất khuôn mẫu, dập, đúc, gia công chính xác, chi tiết máy các loại, linh kiện, thiết bị máy động lực, máy nông nghiệp đạt 500.000-600.000 sản phẩm các loại; thép chế tạo đạt khoảng 150.000 tấn sản phẩm các loại.

Định hướng sản xuất linh kiện phụ tùng cơ khí kim loại đạt 1.000-1.200 sản phẩm; thép chế tạo đạt 250-300 tấn sản phẩm các loại. Sản xuất linh kiện điện tử, vi mạch điện tử đạt từ 12-15 triệu sản phẩm các loại.

2(2).jpg
Nhiều lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ được Hưng Yên ưu tiên phát triển

Xây dựng khu công nghiệp hỗ trợ tập trung

Để tạo điều kiện phát triển công nghiệp hỗ trợ, Hưng Yên đã phê duyệt đề án phát triển công nghiệp hỗ trợ tỉnh Hưng Yên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, đến năm 2025 phấn đấu xây dựng một đến hai khu, cụm công nghiệp hỗ trợ tập trung để kêu gọi các nhà đầu tư. Trước mắt, tập trung thu hút vào lĩnh vực cơ khí khí chế tạo, thiết bị điện, điện tử; sản xuất sản phẩm công nghiệp công nghệ cao.

Bên cạnh đó, tỉnh Hưng Yên cũng rất chú trọng tới việc phát triển hạ tầng phục vụ cho ngành công nghiệp hỗ trợ. Năm 2023, tỉnh đã khởi công 3 khu công nghiệp lớn gồm khu công nghiệp số 3, khu công nghiệp số 5, khu công nghiệp Thăng Long II mở rộng giai đoạn 3. Khởi công 4 cụm công nghiệp gồm Minh Khai, Quảng Lãng - Đặng Lễ, Phạm Ngũ Lão - Nghĩa Dân, Trần Cao - Quang Hưng. Các khu, cụm công nghiệp này đều ưu tiên các ngành nghề sản xuất công nghiệp hỗ trợ, công nghệ cao, điện tử,…

Ngoài ra, môi trường đầu tư tại Hưng Yên cũng rất cởi mở. Tỉnh này có nhiều ưu đãi cho phát triển công nghiệp như thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong 15 năm, miễn thuế cho 4 năm đầu tiên, giảm 50% thuế cho 9 năm tiếp theo cho các doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghệ cao.

Sở Công Thương Hưng Yên cho biết, phần lớn các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh đang phát triển tương đối tốt. Hoạt động sản xuất của họ đã cung cấp một phần khối lượng lớn các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ phục vụ sản xuất của các ngành công nghiệp chủ lực trong nước và chuỗi giá trị toàn cầu. Qua đó góp phần nâng cao tỉ lệ nội địa hoá sản phẩm công nghiệp.

3(1).jpg
Hưng Yên chú trọng xây dựng hạ tầng phục vụ cho công nghiệp hỗ trợ

Khuyến khích doanh nghiệp phát triển kinh tế tuần hoàn

Không chỉ thực hiện các chính sách, cơ chế, Hưng Yên còn chú trọng việc phát triển công nghiệp hỗ trợ phải gắn với công tác bảo vệ môi trường. Theo đó, tỉnh tăng cường công tác thanh kiểm tra, giám sát, hậu kiểm để các doanh nghiệp, chủ đầu tư tập trung hơn trong việc đảm bảo môi trường.

Hưng Yên đã ban hành Quy chuẩn kỹ thuật địa phương về nước công nghiệp, trong đó các doanh nghiệp xả nước thả có lưu lượng trên 100m3/ngày đêm phải lắp đặt quan trắc tự động.

Đến nay, tất cả các khu công nghiệp đi vào hoạt động trên địa bàn tỉnh đã có công trình xử lý nước thải tập trung đạt yêu cầu, các dự án đầu tư được thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, xử lý chất thải cơ bản đáp ứng yêu cầu.

Thời gian tới, các khu, cụm công nghiệp sẽ phải hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật về bảo vệ môi trường và đưa các cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ thứ cấp vào hoạt động.

Ngoài ra, tỉnh cũng tăng cường công tác giám sát môi trường, nâng cao năng lực, hiệu quả kiểm tra nước thải, khí thải tự động của các doanh nghiệp và các trạm quan trắc môi trường nước mặt.

Tỉnh Hưng Yên cũng khuyến khích các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ chuyển đổi mô hình sản xuất theo hướng tuần hoàn, phát triển kinh tế xanh, ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số. Các doanh nghiệp cần thay đổi từ tư duy, từ những hành động đơn giản như chấp hành tốt quy định bảo vệ môi trường, cải tiến quy trình sản xuất để giảm nguyên nhiên liệu, năng lượng. Đồng thời, khuyến khích doanh nghiệp sử dụng nguyên vật liệu thân thiện với môi trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hưng Yên: Khuyến khích doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ phát triển kinh tế xanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO