Tham dự tại điểm cầu Việt Nam cùng Bộ trưởng Trần Hồng Hà có các lãnh đạo các Bộ: Ngoại giao, Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Văn phòng Chính phủ.
Về điểm cầu trực tiếp tại New York có ông Alok Sharma, Chủ tịch COP26; ông Mark Carney, đồng chủ tịch, Liên minh Tài chính vì mục tiêu đưa mức phát thải ròng về "0" (GFANZ); ông Đặng Hoàng Giang, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực của Việt Nam tại UN cùng Lãnh đạo các tổ chức tài chính, tín dụng quốc tế.
Tại cuộc họp, ông Mark Carney, Đồng chủ tịch, Liên minh Tài chính vì mục tiêu đưa mức phát thải ròng về "0" (GFANZ) cho biết, hiện nay tổ chức GFANZ đã có nguồn lực lên tới hàng trăm tỷ USD để hỗ trợ cho các nỗ lực thực hiện cam kết phát triển bền vững đạt phát thải ròng bằng “0”, tuy nhiên phía GFANZ cho rằng cần có sự điều chỉnh các chính sách, quy định để việc chuyển đổi năng lượng được thực hiện một cách nhất quán.
Hiện nay trên thế giới nguồn đầu tư tư nhân chiếm 40% tổng tài sản trên thế giới, đây là nguồn lực rất lớn để tham gia các mục tiêu chung về giảm phát thải ròng bằng “0”. GFANZ đánh giá cao những cam kết tại COP26 của Việt Nam và với tiềm năng về chuyển đổi năng lượng, ông Mark cho rằng mong muốn sẽ được nghe mong muốn, nhu cầu của Việt Nam để các nguồn lực đầu tư tư nhân có thể tham gia cùng chính phủ Việt Nam và từ đó trở thành hình mẫu cho các quốc gia thu hút đầu tư tài chính tư nhân phục vụ cho phát triển cơ sở hạ tầng, chuyển đổi năng lượng, giảm phụ thuộc vào năng lượng hoá thạch, phát triển năng lượng tái tạo…
Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, quan điểm ra tại COP26 vừa là mục tiêu vừa thể hiện trách nhiệm của Việt Nam trong việc quyết tâm đưa phát thải ròng về “0” vào năm 2050 đồng thời cũng là cơ hội để cho Việt Nam chuyển đổi các mô hình phát triển kinh theo hướng bền vững.
Theo Bộ trưởng, Chính phủ Việt Nam xác định ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng từ hóa thạch sang năng lượng sạch là xu thế tất yếu và sẽ mang lại lợi ích cho đất nước, cho người dân và doanh nghiệp. Hiện nay Việt Nam đã và đang thực hiện kỹ lưỡng từ việc chuyển đổi sang năng lượng hoá thạch sang năng lượng tái tạo (trước và sau COP26 năng lượng than đã giảm từ chiếm 43% thì đến nay chỉ còn 24%), phát triển các nguồn năng lượng khác nhau, vừa giảm phát thải khí nhà kính vừa xem xét các giải pháp công nghệ thu giữ, chôn lấp, hấp thụ các-bon, điều này đã được các nhà khoa học Nhật Bản xem xét và đánh giá có cơ sở khoa học.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết hiện nay Việt Nam có nguồn tài nguyên gió ngoài khơi lớn nhất trong khu vực Đông Nam Á nhờ vào điều kiện địa lý với hơn 3 nghìn km đường bờ biển. Đây là cơ sở để Việt Nam đẩy mạnh chuyển đổi năng lượng từ than sang năng lượng tái tạo trong thời gian tới. Tuy nhiên, việc làm thế nào để phát huy tiềm năng này thành những dự án, các hoạt động hợp tác cụ thể thì Việt Nam đang gặp phải những vấn đề khó khăn về việc làm sao sớm để quy hoạch các trung tâm năng lượng tái tạo như điện gió và điện mặt trời (đánh giá tiềm năng, phát triển cơ sở hạ tầng truyền tải điện); gắn kết các khối danh nghiệp tư nhân để hình thành ngành công nghiệp, sản xuất phụ trợ đối với nguồn năng lượng tái tạo; giúp doanh nghiệp tư nhân đầu tư đổi mới công nghệ giảm giá thành…
Với mục tiêu đạt phát thải ròng về “0” vào năm 2050 và cơ cấu không còn sử dụng năng lượng hoá thạch, Bộ trưởng mong muốn sẽ có được những ý tưởng hợp tác của các các định chế tài chính, các tổ chức tín dụng và tập đoàn quốc tế và cùng tham gia với Việt Nam để thúc đẩy nhanh hơn tiến độ cam kết. Ngoài ra, bên cạnh tiềm năng về việc chuyển đổi năng lượng, Bộ trưởng cho biết Việt Nam còn nhiều tiềm năng về phát triển các ngành kinh tế khác như giao thông xanh, nông nghiệp xanh, xây dựng xanh…, chính sách của Việt Nam sẽ nhất quán theo hướng phát triển bền vững do đó cần có sự hợp tác của các nhà đầu tư có công nghệ, kinh nghiệm, có những thành công để hai bên vừa có thể đạt được những mục tiêu đặt ra đồng thời tạo ra được những giá trị lớn và lan toả.
Tại cuộc họp, lãnh đạo các tổ chức tài chính, tín dụng quốc tế đánh giá cao những chính sách của Việt Nam trong việc hướng đến việc chuyển đổi năng lượng, phát triển bền vững. Để phi các-bon nền kinh tế thì cần nhiều nguồn lực tài chính, do đó, các tổ chức tài chính quốc tế cho rằng sẽ hỗ trợ vốn, kinh nghiệm, khoa học để làm đòn bẩy thu hút và phát triển các nguồn lực khác cùng tham gia vào phát triển phi các-bon nền kinh tế.
Tuy nhiên, để đi đến có thể hợp tác thành công, các tổ chức tài chính cho biết chính phủ Việt Nam cần xem xét các quy định việc huy động và sử dụng tài chính từ các ngân hàng làm sao có thể chuẩn hoá thành một quy định chung, có thể nhân rộng và áp dụng cho nhiều ngành, nhiều lĩnh vực cụ thể chứ không phải cho từng dự án cụ thể về chuyển đổi năng lượng.
Phát biểu tại cuộc họp, ông Alok Sharma, Chủ tịch COP26 cho biết, thỏa thuận Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng (JETP) đầu tiên được các nhà lãnh đạo Nam Phi, Liên minh châu Âu (EU) và các thành viên G7 đã được ký kết. Với thỏa thuận này, các nước phát triển sẽ giúp Nam Phi giảm phát thải carbon trong dài hạn, tập trung vào quá trình chuyển đổi năng lượng một cách công bằng và tạo ra các cơ hội kinh tế mới và ông Alok Sharma mong muốn thời gian tới sẽ là Việt Nam.
Đánh giá cao các ý kiến tại cuộc họp, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết mong muốn sớm có một cơ chế để hai bên cùng trao đổi, làm rõ và xác định các mục tiêu cùng quan tâm. Đối với JETP, Bộ trưởng đồng quan điểm với Chủ tịch COP26 cho rằng JETP như là một khung xác định các nhóm vấn đề lớn về chính sách pháp luật và môi trường đầu tư; chuyển giao công nghệ, cơ chế tài chính công tư với mục tiêu xuyên suốt là chuyển đổi năng lượng. Việt Nam luôn lắng nghe và tạo ra môi trường đầu tư, đưa ra các chính sách phù hợp để các nhà đầu tư tính toán và tưởng.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định rằng, quá trình chuyển đổi năng lượng ở Việt Nam sẽ cần huy động nguồn lực tài chính lớn từ xã hội cùng với sự phối hợp triển khai hiệu quả giữa các cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp. Các tổ chức tài chính, ngân hàng có vai trò rất quan trọng là đòn bẩy, xúc tác để phát triển các chương trình, dự án về khí hậu và năng lượng. Các hành động mạnh mẽ của khối tài chính, ngân hàng sẽ hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn của ngân hàng, thu hút các dòng vốn đầu tư cho ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển đổi sang mô hình kinh tế các-bon thấp đồng thời mang lại lợi ích cho đất nước, cho người dân và doanh nghiệp