Hơn nửa thế kỷ người Nga Tân sống trong ngập lụt 

Lê Khanh| 16/05/2020 10:37

(TN&MT) - Mỗi lần mưa xuống, hàng ngàn hộ dân xã Nga Tân ngập nước, và đây cũng là nguyên nhân của dịch đau mắt đỏ, tiêu chảy, sốt rét, viêm họng triền mien, thậm chí ung thư. Phải làm gì để cho người dân bớt khổ khi dự án con đường liên thôn trong xã nâng cấp cao hơn nền nhà, và không có rãnh thoát nước hai bên đường?

Nắng bụi mù, mưa ngập nước

Trở lại xã Nga Tân huyện Nga Sơn tỉnh Thanh Hoá lần này, chúng tôi chỉ có mục đích duy nhất là “mục sở thị con đường đau khổ” mà người dân xóm 7, xóm 8 nhiều năm qua phải “gồng mình” hít bụi khi mùa nắng, chịu cảnh ngập lụt khi mùa mưa. Mặc dù bây giờ là mùa hạ, cái nắng như dội lửa, vậy mà giữa những “ổ trâu, ổ voi” vẫn đọng nước. Những chỗ không có “ổ trâu ổ voi” thì gồ ghề nham nhở vì xe tải chở vật liệu cày xới mỗi đêm.

“Ổ voi” giữa đường xóm 7 xã Nga Tân

Xã Nga Tân được coi là xã nghèo nhất của huyện Nga Sơn. Một thời người dân các xã khác gọi là xã “nga bêu” như ám chỉ những người dân xã này quanh năm “bêu mặt” giữa đồng cói dù bất kể nắng hay mua. Nghề mưu sinh của họ là làm cói, nhưng chỉ mỗi nghề này thì không đủ sống. Bởi vậy, nhiều người “bỏ cói mò cua, bỏ ruộng mò ngao”.

Xã Nga Tân có con đường chính (gọi là đường xã) dài 3,3 km. Con đường này tồn tại cùng với sự ra đời của xã Nga Tân từ năm 1964 của thế kỷ 20, bắt đầu từ chân đê sát Cống Mộng Dường (giáp xã Nga Tiến). Đồng hành với sự tồn tại của con đường cũng là nỗi khổ của người dân vì chỉ cần một cơn mưa lớn thì trong nhà, ngoài sân, mặt đường, ao chuôm đều “san phẳng”.

Con đường này đã hơn một lần đổ đá cải tạo, nhưng chẳng bao lâu những “ổ trâu, ổ voi” xuất hiện, mà nguyên nhân là do xe tải, xe ben chở vật liệu xây dựng ngày đêm “băm nát”. Điều đáng nói là qua những lần làm đường trước đó, không làm cống rãnh thoát nước, nên mưa là ngập. Người dân các xóm trong xã hàng ngàn lần chịu cảnh ngồi trên giường nấu cơm, nước ngập nửa chân giường, trong nhà, ngoài vườn, ao chuôm nước ngập như nhau.

Người dân xã Nga Tân ngoài ngày ngày “gồng mình” chịu trận ngập nước mùa mưa, họ còn đau khổ hơn vì quanh năm hít bụi đường, mà nguyên nhân là do xe tải của các hộ kinh doanh vật liệu xây dựng chở quá tải “cày xới” “băm nát” mặt đường.

Đường “nông thôn mới” của xã Nga Tân (đoạn xóm 7) bị “băm nát” vì xe tải chở đá, cát cày suốt ngày đêm

Ngay tại thôn 7, chúng tôi chứng kiến xe tải chở xi, sắt, gạch của một gia đình kinh doanh vật liệu xây dựng cứ “ngang nhiên dày xé”. Mặt đường đã bị “băm nát”, giờ càng “nát bươm” hơn. Để “bắt tận tay” chúng tôi đã ngủ lại một đêm trong một nhà dân ở xóm 7. Chừng 1 giờ sáng 2 chiếc xe chở đá hộc của hộ kinh doanh này từ đâu chạy về đổ đá ầm ầm, tiếng xe tải gầm xé tan giấc ngủ của người dân.

Anh Mai Văn K. ở xóm 7 phản ánh: “Cả ngày đi làm về mệt nhọc lắm, vừa chợp mắt thì xe đá về. Tiếng xe gầm rú đổ đá hộc ầm ầm, vậy là thức đến sáng. Chỗ hàng xóm, nói ra mất lòng, không nói thì mình khổ”, anh K. chia sẻ.

- Chính quyền có biết việc này không thưa anh? tôi hỏi.

- Biết cả đấy, có điều họ ngơ đi. Thực ra tiếng xe đổ đá lúc nửa đêm rất khổ. Phải thức giấc nửa chừng, sáng uể oải không muốn ra đồng. Chúng tôi mong chính quyền xã kiểm tra và có biện pháp chấn chỉnh, qui định cụ thể về giờ giấc đổ đá, và dứt khoát không đổ đá đêm, bảo đảm vệ sinh môi trường, tiến ồn trong kinh doanh- anh K. đề nghị.

Qua phản ánh của người dân và tận mắt chứng kiến, chúng tôi hiểu rằng, tại sao những xe tải chở vật liệu xây dựng phải chở trong đêm? nếu không phải là trốn thuế? và vì sao mặt đường xã Nga Tân bị “băm nát” xuất hiện nhiều “ổ voi, ổ trâu” đến như vậy?

Làm đường không làm cống thoát nước

Trước thực trạng đường ở ba xã trồng cói là Nga Tân, Nga Tiến, Nga Thái xuống cấp trầm trọng, UBND huyện Nga Sơn đã trình tỉnh Thanh Hóa xin cải tạo và làm mới đường ba xã nói trên với tư cách chủ đầu tư, Công ty cổ phần xây dựng Hoàng Tiến Đạt có địa chỉ tại Tiểu khu Thị trấn Nga Sơn huyện Nga Sơn làm chủ thầu. Thời gian thi công các tuyến đường từ 2019-2021. Theo nguồn tin riêng, vốn dự án cho một tuyến đường một xã một tỷ đồng. Riêng xã Nga Tân là xã được hưởng lợi theo dự án.

Rãnh thoát nước của con đường mới do nhà thầu Hoàng Tiến Đạt thi công chỉ đến hết xóm 6

Một cán bộ UBND xã Nga Tân cho hay, tất cả việc làm đường, xã không nắm được, kể cả về bản vẽ thiết kế, kỹ thuật thi công và giám sát thi công. “Do chưa có vốn từ tỉnh Thanh Hóa “rót” về, nên “UBND huyện Nga sơn cho xã Nga Tân vay vốn làm trước để đạt chuẩn nông thôn mới”, vị cán bộ này còn cho biết thêm.

Đoạn đường xã Nga Tân có chiều dài gần 3 km. Theo phản ánh của người dân nhà thầu chỉ làm cống rãnh thoát nước hai bên đường các thôn 4,5,6. Các thôn 1,2,3,7,8 có làm đường nhưng không có rãnh thoát nước. Điều đáng nói là đoạn đường thi công có rãnh thoát nước hai bên các thôn 4,5,6 chạy qua UBND xã, còn hai đoạn đường không có cống thoát nước thuộc các xóm 1,2,3,7,8 tập trung khu dân cư. Hiện nay công trình thi công đang dừng tại địa điểm giáp ranh giữa xóm 6 và xóm 7. Trước kiểu thi công “bên khinh bên trọng”, hàng trăm hộ dân lên tiếng phản đối. Họ họp, bàn làm đơn kiến nghị lên UBND xã Nga Tân.

Ông Mai Văn Dũng ở xóm 7 cho biết: “Trước việc thi công kiểu “nửa vời”, chúng tôi rất bất ngờ. Nếu làm như vậy, mưa vẫn hoàn ngập, vì nước chẳng chảy đi đâu. Bà con chúng tôi làm đơn kiến nghị lên xã, xã cũng nói các xóm 1,2,3,7,8 không có hạng mục làm mương thoát nước. Chúng tôi tha thiết đề nghị cơ quan chức năng, nhà thầu kiểm tra lại kết cấu toàn bộ dự án công trình. Nếu trong thiết kế không có hạng mục cống thoát nước, đề nghị bổ sung. Nếu kinh phí chưa đủ, người dân chúng tôi sẵn sàng bỏ tiền với tinh thần nhà nước và nhân dân cùng làm. Chứ làm đường không cống thoát nước, chúng tôi khổ vẫn hoàn khổ. Mà đã làm xong rồi, sữa chữa vừa vất vả, tốn công sức lại mệt mỏi”, ông Dũng chia sẻ.

Chị Mai Thị Nghị ở xóm 7 thay mặt bà con đem đơn kiến nghị lên Ban dự án Xây dựng hạ tầng huyện Nga sơn nộp trực tiếp. Ban dự án này cho ông Mai Thế Lưu làm trưởng dự án. Một lá đơn cùng nội dung chị Mai Thị Nghị trực tiếp gửi Văn phòng chủ tịch UBND huyện Nga Sơn, nhờ chuyển trực tiếp đến ông Trần Ngọc Quyết, Chủ tịch UBND huyện.

Một cơn mưa to là sân nhà anh Mai Văn Dũng ở xóm 7 ngập nước

Cũng trong thời gian này, ông Nguyễn Thanh Bình đại diện cho các hộ dân ở xóm 8 xã Nga Tân đã đem đơn kiến nghị về việc “Làm đường không làm rãnh thoát nước” gửi trực tiếp Ban dự án Xây dựng hạ tầng huyện Nga sơn và Văn phòng Bí thư huyện ủy, HĐND huyện Nga sơn. Nhưng hai ngày sau đó, ông Nguyễn Thanh Bình nhận đơn trả về vì Ban dự án Xây dựng hạ tầng huyện Nga sơn nói “đang tập trung cho đại hội Đảng bộ huyện!?”. Ít hôm sau đó, người của Ban dự án Xây dựng hạ tầng huyện Nga sơn xuống trực tiếp nhà ông Nguyễn Thanh Bình (xóm 8) cảm thông và trả lời ông Bình, Ban dự án Xây dựng hạ tầng huyện Nga sơn đã hết vốn (được hiểu là chỉ làm đường không có rãnh thoát nước-PV).

Cực chẳng đã, ngày 15-5, ông Mai Văn Đượm thay mặt bà con hai xóm 7 và 8 cầm đơn lên UBND tỉnh thanh hoá kiến nghị. Lá đơn có nhiều chữ ký của người dân đồng tình và mong mỏi làm đường phải có cống thoát nước. Trong lá đơn có đoạn: “Cứ mùa mưa là đường ngập nước lội lên đầu gối, ngập cả vào nhà dân, nay mặt đường mới còn cao hơn cả mặt sân và nền nhà. Nếu không có hệ thống thoát nước thì người dân sẽ ngập cả sân lẫn nhà, hỏng hết cây lưu niên, hoa màu…”

Ông Nguyễn Văn Vụ ở xóm 8 chia sẻ, nếu không làm cống thoát nước thì cũng như không, chỉ giải quyết được đường, còn nước đọng vẫn hoàn đọng. Trong khi đó chị Mai Thị Nghị (giáo viên nghỉ hưu) ở xóm 7 mong mỏi: “Chỉ mong sao nhà nước làm đường có rãnh thoát nước để mùa mưa bà con không phải lội bì bõm nữa. Tất cả bệnh dịch đau mắt, tiêu chảy, viêm họng mãn tính thậm chí uung thư cũng có sự tác động từ nguồn nước mưa đọng lại ngấm vào lòng đất. Nhiều hộ dân chưa có điều kiện dùng nước máy, vẫn ăn nước giếng đào từ lòng đất. Nửa thế kỷ qua, năm nào bà con chúng tôi cũng khổ, nhất là mùa mưa đến”.

Chia tay người dân xóm 7, xóm 8 xã Nga Tân giữa cơn bụi mù đường khi một xe tải chất đầy đá hộc chạy qua. Nhìn gương mặt khắc khổ của họ, nhìn ánh mắt mong đợi của họ có một con đường mới có cống rãnh thoát nước hai bên trong tương lai, chúng tôi chạnh lòng. Liệu những lá đơn kiến nghị của bà con lên UBND tỉnh Thanh Hóa có đến nơi? Liệu những mong mỏi chính đáng của bà con có được giải quyết thấu tình đạt lý?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hơn nửa thế kỷ người Nga Tân sống trong ngập lụt 
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO