Hơn 60 học viên Cao cấp lý luận chính trị tìm hiểu về quản lý tài nguyên, BVMT và thích ứng BĐKH tại Sóc Trăng

Việt Hùng - Quang Thuyên| 26/02/2023 17:35

(TN&MT) - Ngày 26/2, tại Sóc Trăng, hơn 60 học viên lớp Chính trị Cao cấp K72.B23, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đã đi thực tế và tìm hiểu chuyên đề “Đổi mới sáng tạo quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường nông thông, nâng cao khả năng thích ứng BĐKH, phòng chống thiên tai" tại Sóc Trăng

25.2-chi-dao.jpg
Đồng chí Hồ Thị Cẩm Đào, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Sóc Trăng phát biểu chào mừng đoàn. Ảnh: Việt Hùng
26.2-thay-tuan.jpg
PGS.TS Lâm Quốc Tuấn phát biểu tại buổi thực tế. Ảnh: Việt Hùng

Tiếp và làm việc với đoàn có đồng chí Hồ Thị Cẩm Đào, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh cùng lãnh đạo, đại diện lãnh đạo UBND tỉnh, các Sở, Ban, Ngành thuộc tỉnh Sóc Trăng.

25.2-toan-canh-1.jpg
Các đại biểu tham gia buổi báo cáo thực tế chiều 25/2. Ảnh: Việt Hùng

Về phía đoàn thực tế của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh có PGS.TS Lâm Quốc Tuấn - Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng; TS Nguyễn Trọng Phán - cán bộ Vụ Đào tạo cùng 61 học viên lớp Chính trị Cao cấp K72.B23.

26.3-tang-qua.jpg
Lãnh đạo Tỉnh ủy Sóc Trăng tặng quà lưu niệm cho đoàn công tác. Ảnh: Việt Hùng

Phát biểu chào mừng đoàn, thay mặt Lãnh đạo tỉnh, đồng chí Hồ Thị Cẩm Đào chào mừng các học viên đến với tỉnh Sóc Trăng tìm hiểu thực tế tại đồng bằng sông Cửu Long nói chung và tỉnh Sóc Trăng nói riêng.

25.2-a-tuan.jpg
Ông Nguyễn Mạnh Tuấn - Lớp trưởng Lớp K72.B23 phát biểu cám ơn tỉnh Sóc Trăng đã dành tình cảm đón tiếp và chia sẻ chuyên đề với các học viên trong lớp. Ảnh: Việt Hùng

Sơ lược về tỉnh, đồng chí Hồ Thị Cẩm Đào cho biết: Sóc Trăng là tỉnh nằm ở hạ lưu sông Hậu, được tái lập từ năm 1992 từ tỉnh Hậu Giang (cũ). Diện tích tự nhiên 3.311 km2. Dân số gần 1,2 triệu người; trong đó, dân tộc Kinh chiếm 64%, dân tộc Khmer chiếm trên 30%, người Hoa chiếm 5% dân số toàn tỉnh. Tỉnh có 11 đơn vị hành chính cấp huyện gồm 1 thành phố, 2 thị xã và 8 huyện, với 109 xã, phường, thị trấn.

Là tỉnh thuần nông, diện tích đất nông nghiệp chiếm trên 85%; kinh tế chủ yếu là sản xuất lúa, nuôi trồng, khai thác, chế biến thuỷ, hải sản. Thời gian qua, tỉnh tập trung đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, áp dụng tiêu chuẩn sản xuất sạch, gắn với tiêu thụ, xuất khẩu. Sản lượng lúa hằng năm đạt trên 2 triệu tấn; trong đó, lúa đặc sản, chất lượng cao chiếm tỷ lệ gần 92% tổng sản lượng. “Trong đó, như các đồng chí đã biết, gạo ST25 đã giành được giải thưởng “Gạo ngon nhất thế giới” tổ chức tại Manila (Philippines)...” - đồng chí Hồ Thị Cẩm Đào nhấn mạnh.

25.2-ccmt.jpg
Ông Phạm Văn Tùng, Chi Cục trưởng Chi cục Môi trường (Sở TN&MT Sóc Trăng) trình bày báo cáo chuyên đề “Đổi mới sáng tạo quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường nông thôn, nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai” với lớp học. Ảnh: Việt Hùng

Phát huy lợi thế tỉnh ven biển

Theo bà Hồ Thị Cẩm Đào, với 72 km bờ biển, thời gian qua tỉnh Sóc Trăng đã tập trung khai thác hiệu quả ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh là nuôi trồng, khai thác, chế biến thủy hải. Hiện nay, tỉnh đang tập trung phát triển diện tích nuôi tôm theo hướng thâm canh, siêu thâm canh. Năm 2022, tổng sản lượng thuỷ hải sản khoảng 350.000 tấn, giá trị xuất khẩu thủy sản đạt 1 tỷ USD (trong tổng số 1,5 tỷ USD xuất khẩu hàng hóa của tỉnh).

Bên cạnh đó, với tiềm năng phát triển điện gió ven biển của tỉnh, tỉnh đang triển khai quy hoạch điện gió với tổng công suất 1.470 MW, dự kiến quy hoạch mở rộng ngoài khơi, với công suất 6.358 MW. Hiện nay, đã có 4 dự án đi vào vận hành với công suất 110 MW; 6 dự án đầu tư hoàn thành, đang hoàn chỉnh thủ tục tiếp tục đưa vào vận hành với tổng công suất 322 MW; 2 dự án đang tiếp tục triển khai và 7 dự án đã cấp chủ trương đầu tư.

Bên cạnh đó, Sóc Trăng cũng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch 6 khu công nghiệp; đến nay, đã lắp đầy 1 khu công nghiệp, đang triển khai Khu công nghiệp Trần Đề, dự kiến đến cuối năm 2023 đưa vào hoạt động.

a-thuyen-2.jpg
Học viên lớp K72.B23 phát biểu "hiến kế" với tỉnh về công tác quản lý tài nguyên và môi trường. Ảnh: Phạm Bằng

Động lực từ đặc trưng văn hóa Khmer, thế mạnh cảng biển

Là tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, đã hình thành nét văn hóa đặc trưng, mang đậm bản sắc văn hóa truyền thông của 3 dân tộc Kinh - Khmer - Hoa, với nhiều công trình kiến trúc đặc trưng, nhiều món ăn đặc sản và nhiều lễ hội truyền thống các dân tộc.

Để khai thác thế mạnh về vị trí địa lý của mình, Sóc Trăng đã khơi dậy tiềm lực về du lịch trong đó khai thác thế mạnh của địa phương có đặc điểm vùng sông nước, đặc biệt là việc đầu tư tuyến tàu cao tốc Trần Đề - Côn Đảo, tỉnh tập trung khai thác tiềm năng phát triển du lịch tâm linh, văn hoá lễ lội, du lịch sinh thái kết hợp với du lịch biển.

Theo UBND tỉnh Sóc Trằng, với vị trí là cửa ngõ điểm kết nối hành lang kinh tế Đông - Tây và hành lang kinh tế biển của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, tỉnh Sóc Trăng đã được quy hoạch cảng Trần Đề là cảng đặc biệt và cửa ngõ vùng theo Nghị quyết số 13, ngày 02/4/2022 của Bộ Chính trị. Hiện nay, tỉnh đang phối hợp với bộ, ngành Trung ương lập Quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển của quốc gia và các quy hoạch có liên quan, làm cơ sở xã hội hóa, kêu gọi đầu tư Dự án.

Ngoài ra, tỉnh đang phối hợp với các bộ, ngành, địa phương lân cận để triển khai tuyến đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, cầu Đại Ngãi (dự kiến khởi công cả 2 dự án trong tháng 6/2023). Có thể nói rằng, cảng biển Trần Đề và các dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh sau khi hoàn thành sẽ tạo nên động lực, mở ra hướng đi mới cho phát triển phát triển - xã hội vùng ĐBSCL nói chung, tỉnh Sóc Trăng nói riêng.

25.3-a-luyen.jpg
Học viên lớp K72.B23 phát biểu "hiến kế" với tỉnh về công tác quản lý tài nguyên và môi trường. Ảnh: Việt Hùng

Chú trọng quản lý tài nguyên, BVMT và ứng phó với BĐKH

Tại buổi thực tế, các học viên đã nghe ông Phạm Văn Tùng, Chi Cục trưởng Chi cục Môi trường (Sở TN&MT Sóc Trăng) trình bày báo cáo chuyên đề “Đổi mới sáng tạo quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường nông thôn, nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai”

Theo Sở TN&MT Sóc Trăng, thời gian qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh rất trú trọng trong công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Công tác này của tỉnh thời gian qua cũng đạt được những kết quả tích cực, đóng góp vào công tác phát triển kinh tế, xã hội chung của tỉnh.

Qua báo cáo, các học viên đã được tìm hiểu về các nội dung như: Công tác quản lý, sử dụng tài nguyên đất đai; Quản lý tài nguyên nước; Công tác thu gom xử lý chất thải tập trung; Công tác cấp nước, công tác xử lý nước thải sinh hoạt; Các giải pháp trong bảo vệ môi trường và ứng phó BĐKH; Ứng phó xâm nhập mặn... đặc biệt từ khi Luật Bảo vệ Môi trường 2020 có hiệu lực.

Đặc biệt là những vấn đề cần được quan tâm, nhằm tìm giải pháp quản lý, kiểm soát nguồn phát thải, giảm thiểu ô nhiễm, nhất là trong tình hình biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt hiện nay và trong thời gian tới.

Sau khi báo cáo, phân tích với đoàn về những nhận định nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường nông thôn trong đó nêu bật những nguyên nhân chủ quan và khách quan, đại diện Sở TN&MT tỉnh Sóc Trăng cũng đã nhấn mạnh đến công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về môi trường nông thôn qua đó phổ biến kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và nâng cao ý thức, trách nhiệm, năng lực quản lý về bảo vệ môi trường cho cấp xã, các cơ quan, ban ngành và cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn tỉnh.

UBND tỉnh Sóc Trăng cũng đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng Kế hoạch để tuyên tuyền, đồng thời phối hợp với các địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội tuyên truyền các văn bản quy phạm pháp luật về môi trường cho nhiều đối tượng trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng. Không ngừng nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về tài nguyên và môi trường thông qua các hoạt động truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng và cổng thông tin điện tử của Sở, cũng như lồng ghép tuyên truyền qua nhiều hình thức khác nhau...

25.2-a-thuyen.jpg
Toàn cảnh buổi chia sẻ, tọa đàm tại Hội trường Tỉnh ủy Sóc Trăng chiều 26/2/2023. Ảnh: Việt Hùng

Sau khi nghe báo cáo của Sở TN&MT, các học viên trong lớp đã đặt ra những câu hỏi đồng thời “hiến kế” cho tỉnh những giải pháp nhằm làm rõ thêm các vấn đề đã nêu trong báo cáo. Các câu hỏi, vấn đề gợi mở đã được lãnh đạo Sở, Ngành của tỉnh Sóc Trăng giải đáp cho đoàn công tác.

Thay mặt đoàn thực tế, PGS.TS Lâm Quốc Tuấn - Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và ông Nguyễn Mạnh Tuấn - Lớp trưởng lớp K72.B23 - trân trọng cám ơn Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh Sóc Trăng và các Sở, Ngành trong tỉnh đã dành tình cảm tốt đẹp cho đoàn. Những kiến thức thu được trong chuyến đi thực tế sẽ giúp các học viên trong lớp bổ sung và tích lũy kinh nghiệm để phục vục quá trình công tác của mình sau này.

"Chương trình học tập thực tế đã được Tỉnh ủy, HĐND, UBND và đặc biệt là Sở TN&MT tỉnh Sóc Trăng chuẩn bị rất công phu, chi tết và đúng với yêu cầu của chương trình học tập mà Học viện đề ra. Thừa ủy quyền và thay mặt Lãnh đạo Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, tôi xin trân trọng cám ơn các đồng chí lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng và đề nghị các đồng chí học viên nghiên cứu thật kỹ chuyên đề bổ ích này trong chương trình học tập của mình..." - PGS.TS Lâm Quốc Tuấn nói.

26.2-tang-qua-cho-tinh.jpg
Đại diện lớp học tặng quà cho đại diện MTTQ tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: Việt Hùng

Nhân chuyến thực tế, đoàn công tác đã tặng 20 xuất quà, mỗi xuất trị giá 1 triệu đồng cho các Bà mẹ Việt Nam anh hùng và 20 xuất quà mỗi xuất trị giá 1 triệu đồng cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn góp phần thực hiện chương trình an sinh xã hội của Sóc Trăng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hơn 60 học viên Cao cấp lý luận chính trị tìm hiểu về quản lý tài nguyên, BVMT và thích ứng BĐKH tại Sóc Trăng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO