Hôm nay, Quốc hội sẽ thảo luận về Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi)
Ngày 26/10, tiếp tục chương trình của Kỳ họp thứ 6, Quốc hội sẽ thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).
Trước đó, báo cáo trước Quốc hội tại kỳ họp thứ 5, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh nêu rõ: Qua hơn 10 năm thực hiện, Luật Tài nguyên nước năm 2012 đã góp phần tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động của toàn xã hội về bảo vệ, khai thác sử dụng tài nguyên nước; tài nguyên nước được quản lý, sử dụng hiệu quả, bền vững hơn, mang lại nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, một số quy định của Luật 2012 còn giao thoa, chồng chéo với các luật khác dẫn đến khó thực hiện hoặc lãng phí nguồn lực. Đồng thời, thiếu khung pháp lý cho an ninh nguồn nước, đặc biệt là vấn đề bảo đảm an ninh nước cho sinh hoạt; thiếu quy định cụ thể liên quan đến điều hòa, phân bổ nguồn nước, giám sát chặt chẽ các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước…
Mục tiêu của việc sửa đổi Luật nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất, bảo đảm minh bạch để có khả năng khai thác tối đa nguồn lực tài nguyên, phân bổ hợp lý và sử dụng có hiệu quả; bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia; chú trọng phòng ngừa, kiểm soát và phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt và ô nhiễm; phân định rõ trách nhiệm quản lý nguồn nước và trách nhiệm quản lý công trình khai thác nước cả trung ương và địa phương khắc phục các chồng chéo, xung đột pháp luật.
Bên cạnh đó, Luật sẽ hướng tới quản lý tài nguyên nước trên nền tảng công nghệ số, thống nhất về cơ sở dữ liệu, xây dựng bộ công cụ hỗ trợ ra quyết định theo thời gian thực, giảm thiểu nhân lực quản lý, vận hành, chi phí đầu tư của nhà nước; giảm điều kiện kinh doanh cho tổ chức, cá nhân.
Đồng thời, sẽ chuyển dần từ quản lý bằng công cụ hành chính sang quản lý bằng công cụ kinh tế thông qua các chính sách về: giá nước, thuế, phí, lệ phí, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước; đẩy mạnh xã hội hoá.
Tại kỳ họp thứ 5, đa số ý kiến đại biểu tán thành với sự cần thiết sửa đổi; đồng thời đề nghị sửa đổi nhiều quy định nhằm thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng; khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật Tài nguyên nước hiện hành, bảo đảm sự thống nhất với hệ thống pháp luật liên quan, đáp ứng nhu cầu hội nhập sâu rộng của đất nước.
Quan tâm tới, chính sách của Nhà nước về tài nguyên nước trong Dự thảo, đại biểu Nguyễn Văn Thi – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga – Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương bày tỏ đồng tình cao với dự thảo Luật đã bổ sung quy định: “Nhà nước có cơ chế khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến để quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên nước; xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật để tái sử dụng, xử lý nước mặn, nước lợ thành nước ngọt”. Đây là chính sách rất cần thiết, trên thế giới, việc tái sử dụng nước đã được sử dụng khá phổ biến cho nhiều mục đích khác nhau bao gồm: nông nghiệp, công nghiệp, đô thị ….
Tại Việt Nam hiện nay nguồn nước ngọt còn tương đối nhiều, tuy nhiên tình trạng giảm mực nước tại một số dòng sông; việc suy kiệt nguồn nước ngầm; tình trạng hạn hán ở miền Trung, nhiễm mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long… đang đặt ra việc phải sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả hơn, sử dụng nước tiếp cận theo hướng kinh tế tuần hoàn; đa dạng các nguồn nước là việc làm hết sức cần thiết; nhà nước cần có chính sách phù hợp để khuyến khích nghiên cứu, đầu tư vào lĩnh vực này.
Quan tâm đến chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, đại biểu Tráng A Dương – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang đề nghị ban soạn thảo quy định cụ thể về nguyên tắc chi trả dịch vụ môi trường rừng, nghiên cứu bổ sung công cụ kinh tế, cơ chế tài chính liên quan đến phân bổ nguồn thu cho các đối tượng bảo vệ nguồn sinh thủy.
Đại biểu đề xuất xem xét, nghiên cứu bổ sung các chính sách liên quan đến phân bổ nguồn thu từ khai thác, sử dụng nước ở các địa phương hạ nguồn để chi trả cho các địa phương thượng nguồn trong bảo vệ, phát triển rừng, vùng sinh thủy; giao trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sửa đổi mức chi trả bảo vệ phát triển rừng, nhằm khuyến khích người dân ở các địa phương thượng nguồn tham gia bảo vệ rừng…
Tại buổi họp báo về dự kiến Chương trình kỳ họp thứ 6, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội đã thảo luận tại Tổ và Hội trường về dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi). Đa số ý kiến ĐBQH tán thành về sự cần thiết ban hành Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) và cơ bản nhất trí với nhiều nội dung của dự thảo Luật.
Theo Tổng Thư ký Quốc hội, ngay sau Kỳ họp thứ 5, thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBTVQH, Thường trực Ủy ban KH, CN&MT đã chủ trì, phối hợp với Cơ quan chủ trì soạn thảo (Bộ TN&MT), Thường trực Ủy ban Pháp luật và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật; tham khảo kinh nghiệm quốc tế; tổ chức hội thảo lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý theo ý kiến của các vị ĐBQH tại Kỳ họp thứ 5.
Theo đó, tại Phiên họp thứ 25, UBTVQH đã cho ý kiến về một số vấn đề lớn trong việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật; UBTVQH đã chỉ đạo Thường trực Ủy ban KH, CN&MT phối hợp với Cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu ý kiến tại Phiên họp, chỉnh lý dự thảo Luật trình Hội nghị ĐBQH chuyên trách ngày 28/8/2023. Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp này gồm 10 chương, 86 điều.