PGS.TS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường phát biểu tại Hội thảo |
Báo cáo dự thảo Chiến lược phát triển ngành TN&MT đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, PGS.TS Nguyễn Đình Thọ cho biết: Mục tiêu chung của Chiến lược nhằm quản lý chặt chẽ, khai thác, huy động, phân bổ và sử dụng nguồn lực tài nguyên thiên nhiên của đất nước tiết kiệm, hiệu quả, bền vững; bảo tồn, sử dụng hợp lý các giá trị đa dạng sinh học; chủ động kiểm soát, ngăn chặn ô nhiễm và suy thoái môi trường; cải thiện chất lượng môi trường tại các khu vực bị ô nhiễm; cải tạo, phục hồi hệ sinh thái đang bị suy thoái; ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu (BĐKH), phòng chống, giảm nhẹ rủi ro thiên tai, góp phần đảm bảo thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.
Theo Dự thảo, định hướng phát triển ngành TN&MT đến năm 2030 sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với BĐKH; phát triển, kiện toàn tổ chức bộ máy và nguồn nhân lực; hiện đại hóa hệ thống hạ tầng kỹ thuật, cơ sở thông tin dữ liệu TN&MT.
Để thực hiện thành công các mục tiêu đó, dự thảo Chiến lược cũng đề ra 9 nhóm nhiệm vụ trọng tâm, bao gồm: Bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó BĐKH; tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và bộ máy quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của ngành TN&MT; tiếp tục nâng cao chất lượng kiểm kê, lập bản đồ hiện trạng TN&MT, từng bước ứng dụng hệ thống tài khoản kinh tế môi trường vào thống kê, kiểm kê, hoạch toán và kiểm toán TN&MT; lồng ghép, thúc đẩy các mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh trong xây dựng và thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế-xã hội.
Quang cảnh Hội thảo |
Bên cạnh đó, từng bước lồng ghép phương pháp tiếp cận cảnh quan trong quy hoạch sử dụng đất tích hợp; từng bước ứng dụng nền tảng công nghệ bản đồ đa lớp; ứng dụng cơ chế, công cụ, cách tiếp cận thị trường nhằm tạo động lực và cơ chế khuyến khích cho các bên tham gia sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn tài nguyên; đổi mới, sáng tạo, ứng dụng công nghệ, kỹ thuật, xây dựng hạ tầng thiết thực phục vụ công tác quản lý TN&MT; huy động nguồn lực trong và ngoài nước, đẩy mạnh hoạt động truyền thông, tăng cường hợp tác công tư để đưa chính sách, pháp luật vào cuộc sống.
Dự thảo xây dựng tầm nhìn đến năm 2050, Việt Nam có đủ năng lực quản lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả vốn tự nhiên, bảo vệ môi trường và ứng phó với BĐKH dựa trên các tiến bộ khoa học, công nghệ và sự tham gia của toàn xã hội, bảo đảm quyền của người dân được sống trong môi trường trong lành, an toàn, hài hòa với thiên nhiên, thực hiện thành công các mục tiêu phát triển bền vững.
Tại Hội thảo, các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học đã đánh giá cao việc Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường xây dựng Chiến lược kỳ công, tổng hợp được tất cả các lĩnh vực của ngành TN&MT. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đưa ra một số ý kiến góp ý để Dự thảo Chiến lược được hoàn chỉnh.
Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Lê Quốc Hùng, về định hướng phát triển lĩnh vực địa chất, khoáng sản cần bổ sung thêm các nhiệm vụ về địa chất như điều tra cơ bản về địa chất phục vụ phát triển kinh tế xã hội. Bởi theo dự thảo này mục tiêu về khoáng sản được nhắc tới nhiều, trong khi khoáng sản chỉ là một phần nhỏ trong địa chất và ngành địa chất hiện nay có rất nhiều tiềm năng và có vai trò quan trọng.
Bên cạnh đó, TS. Phạm Minh Hải, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ đưa ra góp ý về nhiệm vụ xây dựng bản đồ đa lớp. Theo đó, TS. Phạm Minh Hải đề xuất xây dựng và hoàn thiện hạ tầng dữ liệu không gian quốc gia. Bởi vì, hạ tầng dữ liệu không gian quốc gia sẽ giúp việc thu thập thông tin dữ liệu hiệu quả, tránh trùng lặp.
Ngoài ra, TS. Lê Ngọc Cầu, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu môi trường, Viện Khoa học KTTV & BĐKH đề xuất có thêm nhiệm vụ về phát triển ngành công nghiệp môi trường. Bên cạnh đó, mục bảo vệ môi trường cần chia ra thành 2 phần là quan trắc, quản lý chất lượng môi trường và quản lý chất thải. Từ đó, đề ra các nhiệm vụ cụ thể của từng phần.
Kết thúc hội nghị, PGS.TS Nguyễn Đình Thọ cho biết, Viện sẽ tiếp thu các ý kiến đóng góp để hoàn thiện Dự thảo Chiến lược phát triển ngành TN&MT trong thời gian sớm nhất.