Trong nước

Hội nghị toàn quốc triển khai Luật, Nghị quyết của Kỳ họp thứ 6 và Kỳ họp bất thường lần thứ 5

Khương Trung 07/03/2024 - 11:16

(TN&MT) - Sáng 07/3/2024, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị toàn quốc lần thứ hai triển khai Luật, Nghị quyết của Kỳ họp thứ 6 và Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV. Hội nghị diễn ra trong buổi sáng ngày 07/3/2024 dưới hình thức trực tiếp tại Nhà Quốc hội, đồng thời kết nối trực tuyến tới 63 điểm cầu tại các tỉnh/thành phố trong cả nước.

070320240847-1.jpg
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì Hội nghị toàn quốc lần thứ hai triển khai luật, nghị quyết của Kỳ họp thứ 6 và Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV

Hội nghị nhằm quán triệt những điểm mới, nội dung quan trọng, các nhiệm vụ Quốc hội giao, làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, xác định rõ tiến độ và yêu cầu trong tổ chức thi hành Luật, Nghị quyết dược Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6 và Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khoá XV để Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương và cơ quan, tổ chức hữu quan triển khai thực hiện. Đồng thời tăng cường công tác phối hợp, tạo sự đồng bộ, thống nhất giữa các cơ quan trong việc tổ chức triển khai Luật, Nghị quyết của Quốc hội, bảo đảm đưa Luật, Nghị quyết vào cuộc sống, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Tham dự Hội nghị, về phía Quốc hội, đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam chủ trì hội nghị. Dự hội nghị còn có đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam; các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội: Nguyễn Đức Hải, Nguyễn Khắc Định, Trần Quang Phương; các đồng chí Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội, trưởng các ban thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội; Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực các Ủy ban của Quốc hội, lãnh đạo Văn phòng Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đại diện các đơn vị của Văn phòng Quốc hội.

070320240916-z5224854548041_1fe8d2461011a4b2149feeac4f72c278.jpg
Toàn cảnh Hội nghị

Tại các điểm cầu có các Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội, Đại biểu Quốc hội; đại diện Thường trực Hội đồng nhân dân, Lãnh đạo Ủy ban Nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân; đại diện các sở ban ngành tại 63 tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương.

Dự hội nghị về phía khách mời có đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương; đồng chí Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; đồng chí Võ Thị Ánh Xuân, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam; đồng chí Trần Lưu Quang, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Lê Minh Trí, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.

small_bt-dang-quoc-khanh.jpg
Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh tham dự Hội nghị

Hội nghị còn có sự tham dự của các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư Pháp Lê Thành Long, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Thứ trưởng Bộ Công an; các đồng chí đại diện lãnh đạo các Bộ, ban, ngành, các cơ quan liên quan.

Hội nghị tập trung quán triệt những điểm mới, nội dung trọng tâm

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ tiếp nối thành công của Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội khóa XV, trên cơ sở nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, theo quy định của Luật Tổ chức Quốc hội và nhiệm vụ được giao, Hội nghị lần này là để Chính phủ, các Bộ ngành địa phương và các cơ quan, tổ chức hữu quan triển khai thực hiện và các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, cử tri và Nhân dân giám sát, theo dõi, đánh giá việc thực hiện luật, nghị quyết.

070320240814-z5224674855224_d9095b8c6db0b10cd9f797386ea3a82a.jpg
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu khai mạc Hội nghị

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cho biết, Hội nghị sẽ tập trung quán triệt những điểm mới, nội dung trọng tâm, yêu cầu và nhiệm vụ chủ yếu của 09 luật và 10 nghị quyết. Hội nghị sẽ nghe 2 báo cáo quan trọng, gồm: Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quán triệt những điểm mới, nội dung trọng tâm, chủ yếu trong việc triển khai luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6 và Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa 15; Báo cáo của Chính phủ về việc tổ chức triển khai thi hành các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua. Hội nghị cũng sẽ nghe một số báo cáo tham luận về công tác chuẩn bị giám sát và một số nội dung thuộc trách nhiệm các cơ quan của Quốc hội, các Bộ, ngành liên quan trong việc triển khai các luật, nghị quyết.

Hội nghị là cầu nối thực hiện yêu cầu “gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng pháp luật với tổ chức thi hành pháp luật, bảo đảm pháp luật được thực hiện công bằng, nghiêm minh, nhất quán, kịp thời, hiệu lực, hiệu quả” theo Nghị quyết số 27-NQ/TW Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13 về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng như thực hiện chức năng giám sát của Quốc hội đối với công tác tổ chức thi hành pháp luật.

Để Hội nghị đạt được kết quả tích cực, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị các đại biểu tham dự đầy đủ, nghiêm túc; phát huy trách nhiệm, tích cực tham luận, phát biểu với tinh thần khách quan, thiết thực. Các báo cáo, tham luận cần phản ánh cụ thể, khách quan công tác chuẩn bị và kế hoạch triển khai nhiệm vụ; thẳng thắn nêu rõ những khó khăn, vướng mắc; đồng thời có những kiến nghị, đề xuất giải pháp khả thi, nhằm tiếp tục tăng cường sự phối hợp, tạo sự đồng bộ, thống nhất giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc đưa các luật, nghị quyết của Quốc hội vào thực tiễn cuộc sống, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Nhiều điểm mới, bước tiến lớn của Luật Đất đai 2024, Luật Tài nguyên nước 2023

Báo cáo tham luận về công tác chuẩn bị triển khai thi hành Luật Đất đai, Luật Tài nguyên nước, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân cho biết, năm 2023, dưới sự lãnh đạo chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành Trung ương và địa phương, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tập trung cao độ xây dựng, hoàn thiện trình cơ quan có thẩm quyền các dự án Luật quan trọng.

small_ttr-le-minh-ngan-1.jpg
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân báo cáo tham luận về công tác chuẩn bị triển khai thi hành Luật Đất đai, Luật Tài nguyên nước.

Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XV đã thông qua Luật Tài nguyên nước (Luật số 28/2023/QH15). Đây là đạo luật với nhiều điểm mới, bước tiến lớn trong phương thức quản trị hiệu quả, bền vững tài nguyên nước nhằm đảm bảo an ninh nguồn nước; xã hội hóa ngành nước; kinh tế tài nguyên nước; bảo vệ tài nguyên nước; thay đổi tư duy, phương thức quản trị, quản lý tổng hợp, thống nhất, bằng công cụ kinh tế trên nền tảng công nghệ số và hệ thống công cụ hỗ trợ ra quyết định.

Đặc biệt, ngày 18/01/2024, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội Khóa XV đã thông qua Luật Đất đai (Luật số 31/2024/QH15). Đây là sự kiện quan trọng đánh dấu những đổi mới về chính sách, pháp luật đất đai theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.

Luật Đất đai 2024 có nhiều nội dung mới mang tính đột phá quan trọng góp phần vào mục tiêu hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất như: Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; tài chính đất đai, giá đất; đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận chuyển sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất; chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số; xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về đất đai; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai, nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp trong quản lý, sử dụng đất đai…

small_ttr-le-minh-ngan-2.jpg
Thứ trưởng Lê Minh Ngân cho biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ động xác định rõ nhiệm vụ trong việc xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thi hành 02 đạo luật nêu trên

Sau khi Luật được ban hành, hiện công tác tổ chức thi hành luật là khâu hết sức quan trọng và cần thiết để các chính sách, quy định của luật đi vào cuộc sống, sớm phát huy hiệu quả. Thứ trưởng Lê Minh Ngân cho biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ động xác định rõ nhiệm vụ trong việc xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thi hành 02 đạo luật nêu trên, trong đó tập trung vào một số nội dung chủ yếu sau đây:

Thứ nhất, tập trung hoàn thiện các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật để ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành bảo đảm có hiệu lực đồng thời với thời điểm có hiệu lực của Luật Đất đai, Luật Tài nguyên nước.

Thứ hai, về tổ chức tuyên truyền, phổ biến, tập huấn Luật Đất đai, Luật Tài nguyên nước, Thứ trưởng Lê Minh Ngân cho biết, ngay sau khi Luật Đất đai, Luật Tài nguyên nước được Quốc hội thông qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã khẩn trương cung cấp các điểm mới, những nội dung cơ bản của Luật Đất đai, Luật Tài nguyên nước để phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Tại Kế hoạch triển khai thi hành Luật của Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao trách nhiệm cụ thể cho Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ, ngành và địa phương trong việc tuyền truyền, phổ biến Luật Đất đai, Luật Tài nguyên nước bằng nhiều hình thức phù hợp. Đặc biệt, ngày 06/3/2024, Bộ đã tổ chức Hội nghị triển khai thi hành Luật Đất đai với các Bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Thứ ba, tổ chức rà soát văn bản quy phạm pháp luật. Theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ, ngành và các đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện hệ thống hóa các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực đất đai, tài nguyên nước…

Thứ tư, triển khai các đề án thí điểm. Thứ trưởng Lê Minh Ngân cho biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang khẩn trương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, đơn vị có liên quan xây dựng 02 đề án thí điểm gồm: Đề án thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất đối với đất khác (thuộc thẩm quyền ban hành của Quốc hội) và Đề án thí điểm cải thiện, phục hồi nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt và ô nhiễm sông Nhuệ - Đáy…

Thứ năm, một số nội dung trọng tâm sẽ triển khai trong năm 2024 như tập trung nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu đất đai; hoàn thành cơ sở dữ liệu đất đai trên địa bàn tỉnh, thành phố; xây dựng Kịch bản nguồn nước…

Thứ sáu, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn xử lý vi phạm pháp luật về lĩnh vực đất đai, tài nguyên nước để nâng cao trách nhiệm, ý thức chấp hành pháp luật của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền và các tầng lớp nhân dân góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của Luật Đất đai và Luật Tài nguyên nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hội nghị toàn quốc triển khai Luật, Nghị quyết của Kỳ họp thứ 6 và Kỳ họp bất thường lần thứ 5
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO