Hội nghị công tác thanh tra, kiểm tra ngành TN&MT năm 2019: Những ý kiến tâm huyết

28/02/2019 14:29

(TN&MT) - Tại Hội nghị tập huấn và triển khai công tác thanh tra, kiểm tra ngành TN&MT năm 2019 đã có nhiều ý kiến phát biểu của đại biểu đại diện các Sở TN&MT trong cả nước. PV Báo Tài nguyên và Môi trường lược ghi một số ý kiến đóng góp tâm huyết tại Hội nghị.

Ông Nguyễn Trường Lâm, Chánh Thanh tra Sở TN&MT Tuyên Quang: “Cần cụ thể, thống nhất hạn mức diện tích đất ở trên cả nước”

nh 1 ng l m
Ông Nguyễn Trường Lâm

Thời gian tới, đề nghị Bộ TN&MT cần xây dựng, hoàn chỉnh các văn bản theo hướng ngắn gọn, xúc tích, đặc biệt, cần xem xét việc phân bổ một cách cụ thể về hạn mức diện tích đất ở theo hướng thống nhất, phù hợp, nhằm hạn chế những phát sinh, khiếu kiện liên quan đến vấn đề này. Đồng thời, cần xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách về giá đền bù đất theo hướng tập trung, thống nhất, đảm bảo sự công bằng giữa cá nhân, tập thể, đơn vị, doanh nghiệp tư nhân và Nhà nước. Sớm xây dựng, hoàn thiện hệ thống dữ liệu về đất đai trên toàn quốc, giúp cho việc cập nhật dữ liệu chính xác, kịp thời, góp phần nâng cao hiệu quản lý Nhà nước về đất đai. Bên cạnh đó, cần bổ sung thêm đội ngũ cán bộ, thanh tra viên, cũng như phương tiện, công cụ hỗ trợ trong quá trình hoạt động thanh tra, nhất là tại các địa phương.

Ông Ngô Văn Xuyên, Phó Giám đốc Sở TN&MT Bắc Giang: “Nên thống nhất chương trình, kế hoạch thanh tra từ Bộ tới các địa phương”

nh 2 ng Xuy n
Ông Ngô Văn Xuyên

Hàng năm, Bộ TN&MT và các Sở TN&MT đều xây dựng kế hoạch thanh tra, nhưng đôi khi vẫn còn tình trạng chồng chéo, trùng lặp dẫn tới ảnh hưởng tới kết quả hoạt động thanh tra, cũng như các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân. Vì vậy, cần thống nhất các chương trình, kế hoạch đảm bảo xuyên suốt, hiệu quả trong công tác thanh tra. Thời gian tới, đề nghị Bộ có hướng dẫn cụ thể, chi tiết trong việc lắp đặt các trạm cân, lắp hệ thống camera để giám sát, kiểm tra, xử lý các doanh nghiệp, tổ chức khai thác khoáng sản sao cho phù hợp với quy mô, công suất, thời gian của các mỏ khai thác, tránh tình trạng chung chung giữa các mỏ có công suất lớn với các điểm khai thác nhỏ, lẻ. Đồng thời, đề nghị Bộ, Tổng cục Quản lý đất đai sớm có văn bản hướng dẫn cụ thể về việc chuyển đổi từ giao đất lâm nghiệp sang cho thuê đất lâm nghiệp. Mặt khác, đề nghị chuyển các vụ việc tranh chấp đất đai sang Tòa án thụ lý, giải quyết ngay từ khi vụ việc mới phát sinh, cũng như có cơ chế để đội ngũ cán bộ, thanh tra viên được tham gia tại các phiên tòa đối với các vụ án hành chính liên quan đến đất đai…

Ông Lê Khắc Đồng, Trưởng Phòng TN&MT huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước: “Sớm xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai thống nhất, đồng bộ trên toàn quốc”

nh 3 ng
Ông Lê Khắc Đồng ​​​

Hiện nay, có một thực trạng đang diễn ra đó là hệ thống cơ sở dữ liệu về đất đai không đồng nhất, mỗi tỉnh, thành có những cách làm khác nhau, dẫn tới thiếu đồng bộ, không thống nhất. Vì vậy, việc xây dựng, hoàn thiện đề án quản lý cơ sở dữ liệu đất đai là cần thiết, giúp cho việc cập nhật, nâng cao hiệu quản lý Nhà nước về đất đai trong cả nước một cách đồng bộ. Đồng thời, cần xem xét, điều chỉnh việc báo cáo kế hoạch sử dụng đất hàng năm ở cấp huyện phù hợp với thời điểm hai kỳ họp chính của HĐND cấp huyện. Thông qua đó, giúp cho việc đăng ký quyền sử dụng đất đối với cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp phù hợp, nhanh chóng, thuận tiện.

Ông Lê Tiến Sỹ, Phó Giám đốc Sở TN&MT Đắk Lắk: “Cần cụ thể, chi tiết trong việc xử phạt hành chính đối với vi phạm khai thác khoáng sản vượt ranh giới được cấp”

nh 4 ng S
Ông Lê Tiến Sỹ ​​​

Việc lắp đặt các trạm cân, cũng như gắn camera tại các điểm, mỏ khai thác khoáng sản là cần thiết, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý tài nguyên khoáng sản của Nhà nước. Tuy vậy, có một thực tế đối với các mỏ khai thác trên đất liền, việc quản lý về công suất, quy mô, ranh giới thuận lợi, nhưng đối với các điểm, mỏ khai thác cát, sỏi, đá tại các lòng sông, suối, việc kiểm tra, giám sát ranh giới còn gặp nhiều khó khăn. Trong khi, lực lượng thanh tra tiến hành việc kiểm tra, xử phạt các hành vi khai thác vượt ranh giới còn nhiều bất cập với mức phạt chung chung, chưa cụ thể, chi tiết. Vì vậy, đề nghị Bộ cần xem xét ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể, chi tiết, nhất là trong hoạt động khai thác cát, sỏi tại các lòng sông, suối. Đồng thời, đề nghị Bộ có hướng dẫn cụ thể về lĩnh vực ĐTM của các đơn vị, doanh nghiệp vi phạm các thông số, cụ thể về thời gian lấy mẫu, lưu mẫu, sau khi lấy các mẫu để phân tích kết quả.

Bà Lê Thị Việt Trinh, Thanh tra viên Sở TN&MT Sóc Trăng: “Cần chi tiết việc xử phạt hành chính đối với các hành vi xả nước thải vượt quy chuẩn”

nh 5 b trinh
Bà Lê Thị Việt Trinh

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, cũng như trên cả nước ngày càng hình thành nhiều các cụm, khu công nghiệp và việc xây dựng các trạm, trung tâm xử lý nước thải công nghiệp luôn được các địa phương quan tâm, chú trọng. Thực tế, tại một số văn bản còn quy định chung chung, chưa cụ thể chi tiết trong việc xử phạt hành vi xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật. Với kết quả phân tích các thông số mẫu nước thải sẽ cho các thông số chất thải thông thường và thông số chất thải nguy hại. Do đó, việc áp dụng các khung xử phạt gặp nhiều bất cập, vì văn bản quy định vẫn mang tính chung chung. Vì vậy, đề nghị Bộ xem xét, ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết, cụ thể các mức xử phạt sao cho chính xác, phù hợp, tránh bất cập như hiện nay.

Ông Nguyễn Chí Kiên, Phó Giám đốc Sở TN&MT Cần Thơ: “Sớm bổ sung bộ quy chuẩn về khí, mùi trong sản xuất để làm căn cứ xử phạt vi phạm hành chính” 

nh 6 ng ki n
Ông Nguyễn Chí Kiên

Hiện nay, trên địa bàn TP. Cần Thơ có hàng trăm doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chế biến thủy sản đông lạnh. Hệ lụy của việc này là bầu không khí bị ô nhiễm từ khí, mùi bốc lên từ các cơ sở chế biến, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. Hiện nay, chưa có bộ quy chuẩn về ảnh hưởng từ khí, mùi do các cơ sở, trung tâm chế biến thủy sản gây ra, nên chưa có chế tài, căn cứ để xử phạt vi phạm hành chính về những hành vi này. Vì vậy, đề nghị Bộ sớm xây dựng, bổ sung, hoàn thiện bộ quy chuẩn về khí, bụi áp dụng cho các cơ sở nêu trên. Đồng thời, với quy định cán bộ thanh tra, thanh tra viên tại cấp sở chỉ được tiến hành thanh tra trong giờ hành chính. Trong khi nhiều đơn vị, doanh nghiệp lợi dụng ban đêm thực hiện hành vi xả thải ra môi trường. Điều này gây khó khăn trong hoạt động thanh tra, cũng như tạo kẽ hở cho một số tổ chức, doanh nghiệp vi phạm. Vì vậy, đề nghị Bộ xem xét, chỉnh sửa sao cho phù hợp với thực tiễn trong hoạt động của lực lượng thanh tra cấp sở tại các địa phương.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hội nghị công tác thanh tra, kiểm tra ngành TN&MT năm 2019: Những ý kiến tâm huyết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO