Ông Mai Trọng Thái, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội cho biết, trong số 10 trạm quan trắc không khí trên địa bàn thành phố, có 4 trạm đo chỉ số chất lượng không khí (AQI) ở khu dân cư gồm Trung Yên 3, Mỹ Đình, Kim Liên, Tân Mai và 6 trạm quan trắc đo AQI tại các điểm giao thông là Minh Khai, Phạm Văn Đồng, Hàng Đậu, Tây Mỗ, Thành Công, Hoàn Kiếm.
Trong tuần qua, chất lượng không khí tại nhiều khu vực dân cư ở mức trung bình và tốt. Nhưng ở một số trạm quan trắc giao thông có ngày ở mức kém do chỉ tiêu bụi PM2.5 vượt nhẹ so với Quy chuẩn Việt Nam (QCVN05:2013/BTNMT). Nguyên nhân là do mật độ giao thông cao, khí thải từ phương tiện nhiều, ngoài ra một số trục đường đang thi công nên bụi và tiếng ồn cũng gia tăng.
So sánh giữa trạm quan trắc cố định Minh Khai (trạm quan trắc giao thông) và Trung Yên 3 (trạm quan trắc trong khu dân cư) cho thấy, chỉ số AQI có sự khác biệt rõ nét. Cụ thể, điểm quan trắc Minh Khai trong tuần qua có 4/7 ngày AQI chạm ngưỡng kém, trong khi điểm quan trắc ở Trung Yên 3 có 7/7 ngày đều ở mức độ trung bình.
Tại các điểm quan trắc không khí trong khu dân cư như: Kim Liên, Mỹ Đình, Tân Mai, AQI một số ngày ở mức tốt và không có chỉ tiêu quan trắc nào vượt Quy chuẩn Việt Nam. Trong khi đó, các điểm quan trắc giao thông nội thành gồm Hàng Đậu, Hoàn Kiếm và Thành Công, AQI chủ yếu ở mức trung bình, gần như không có biến động nhiều so với những chỉ số được ghi nhận của tuần trước đó.
Theo ông Mai Trọng Thái, việc đánh giá chất lượng không khí trên địa bàn thành phố thực hiện theo Quyết định 878/QĐ-TCMT ngày 1-7-2011 của Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) về việc ban hành sổ tay hướng dẫn tính toán AQI.
Trong đó, sử dụng giá trị lớn nhất ứng với AQI của điểm quan trắc trong 24 giờ làm chỉ số báo cáo. AQI tính toán dựa trên các thông số quan trắc: SO2, NO2, CO, O3 (là các chất hóa học có trong không khí); PM10, PM2.5 (là các hạt bụi lơ lửng trong không khí có đường kính nhỏ hơn hoặc bằng 10 micromet và 2,5 micromet).
Trên địa bàn thành phố, SO2 thường phát thải từ lò đốt than và dầu chứa lưu huỳnh từ hoạt động lưu thông của phương tiện; NO2 và CO phần lớn do động cơ ô tô, xe máy phát thải; O3 do phản ứng hóa học trong khí quyển bởi khí thải từ phương tiện giao thông; PM10, PM2.5 liên quan đến nhiều nguồn phát thải từ giao thông, công nghiệp và sinh hoạt.