(TN&MT) - Qua nghiên cứu Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Sở TN&MT tỉnh Sơn La đề xuất một số vấn đề cần hoàn thiện trong quy định thu hồi, bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Nhiều đổi mới trong Dự thảo Luật
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã quy định cụ thể điều kiện, tiêu chí, các trường hợp Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng và trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư bảo đảm công khai, minh bạch trong thực thi và giám sát.
Dự thảo cũng quy định đa dạng các hình thức bồi thường bằng đất hoặc bằng tiền, bằng nhà ở; giá đất bồi thường theo giá thị trường; công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phải thực hiện trước khi thu hồi đất. Dự thảo cụ thể hóa nguyên tắc người được tái định cư phải có chỗ ở mới, có thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ thông qua quy định về tiêu chí hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, địa điểm tái định cư. Ngoài ra, Dự thảo bổ sung, hoàn thiện các chính sách hỗ trợ ổn định đời sống, đào tạo, chuyển đổi nghề, ổn định sản xuất kinh doanh; mở rộng thành phần Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; quy định trách nhiệm, cách thức lấy ý kiến đối tượng bị thu hồi đất; tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án riêng để thực hiện trước nhằm rút ngắn tiến độ thực hiện dự án.
Đề xuất các quy định đảm bảo tính khả thi
Tuy nhiên, qua nghiên cứu, đánh giá để áp dụng các quy định vào thực tế đã triển khai tại Sơn La, vẫn còn một số tồn đọng, vướng mắc phát sinh trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư chưa được giải quyết triệt để, toàn diện. Bà Nguyễn Thanh Huyền - Trưởng phòng Đất đai và Đo đạc bản đồ, Sở TN&MT tỉnh Sơn La cho biết: Điều 86 Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) được xây dựng theo hướng liệt kê 2 trường hợp Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng và quy định các điều kiện, tiêu chí để đảm bảo dự án thuộc diện Nhà nước thu hồi đất. Việc liệt kê này đã dẫn đến sự trùng lặp trong chính Điều luật, chưa có sự đồng bộ với các quy định pháp luật khác có liên quan.
Triển khai thực hiện Nghị quyết số 150/NQ-CP của Chính phủ về Ban hành kế hoạch hoàn thiện Luật Đất đai (sửa đổi), UBND tỉnh Sơn La giao Sở TN&MT chủ trì, chuẩn bị các điều kiện, nội dung liên quan để UBND tỉnh tổ chức lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Sở TN&MT được giao chủ trì tổng hợp, tham mưu xây dựng báo cáo của UBND tỉnh về kết quả tổ chức lấy ý kiến tham gia với dự thảo Luật Đất đai để báo cáo Bộ TN&MT, hoàn thành trong quý 1/2023.
Cụ thể, tại khoản 1 Điều 86 bổ sung một trường hợp thu hồi đất là dự án tạo quỹ đất do Nhà nước đầu tư theo hướng tuyến giao thông và các điểm kết nối giao thông theo quy hoạch. Đây là quy định mới được bổ sung, hiện thực hoá chủ trương tại Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 16/6/2022: “Quy định cụ thể việc khai thác hiệu quả quỹ đất phụ cận các công trình kết cấu hạ tầng theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất”. Song, dự án tạo quỹ đất theo hướng tuyến giao thông ở phạm vi, bán kính bao nhiêu thì Dự thảo chưa quy định rõ ràng.
Bên cạnh đó, Dự thảo đã liệt kê các loại hình dự án mà không phân biệt thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư dẫn đến có thể áp dụng nhầm lẫn, chồng chéo giữa các loại hình dự án. Mặt khác, tại khoản 2 dự thảo có nêu cụm từ "dự án đô thị", nhưng pháp luật đầu tư, xây dựng, nhà ở và quy hoạch đô thị không có khái niệm dự án trên, đề nghị Bộ TN&MT rà soát tên gọi các loại hình dự án để thống nhất với pháp luật có liên quan. Ngoài ra, quy định tại khoản 4 Điều 86 dự thảo để bổ sung làm rõ quy định về tiêu chí, điều kiện với các dự án tại khoản 3 là không cần thiết, đề nghị gộp chung thành một khoản để tránh nhầm lẫn, khó hiểu.
Về trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Khoản 3 Điều 93 Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) không có sự thay đổi, nên chưa khắc phục được hạn chế trong việc tổ chức lấy ý kiến người dân về phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Hiện, với người dân không đồng ý phương án bồi thường, tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng có trách nhiệm phối hợp với UBND cấp xã nơi có đất thu hồi tổ chức đối thoại, sau khi đối thoại sẽ hoàn chỉnh phương án trình cơ quan có thẩm quyền. Tuy nhiên, sau khi tổ chức đối thoại, người dân tiếp tục không đồng ý với phương án bồi thường đưa ra, thì hướng xử lý như thế nào?
Một vấn đề khác, về đấu giá quyền sử dụng đất trong trường hợp đất chưa được bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tại Điều 136 Dự thảo. Thực tiễn, công tác giải phóng mặt bằng thường gặp nhiều khó khăn do người dân không đồng thuận với phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư, dẫn đến kéo dài tiến độ triển khai các dự án. Tại dự thảo đã quy định mới về việc cho phép đấu giá đất khi chưa giải phóng mặt bằng, trong khi đó, công tác giải phóng mặt bằng có thể kéo dài do nhiều nguyên nhân gây ảnh hưởng tiến độ dự án. Mặt khác, việc xác định giá trị khu đất để tổ chức đấu giá khi chưa giải phóng mặt bằng cũng là vấn đề đặt ra. Đây là quy định được áp dụng lần đầu, vì vậy Sở TN&MT Sơn La kiến nghị Bộ TN&MT xem xét, cần thiết áp dụng thí điểm tại một số địa phương để rút kinh nghiệm trước khi áp dụng thống nhất trên toàn quốc.