Hoàn thiện quy định pháp luật để phát triển bền vững tài nguyên nước: Đổi mới tư duy quản trị nguồn nước

Thiên Trường| 26/08/2021 12:58

(TN&MT) - Áp lực từ gia tăng dân số, tăng trưởng kinh tế và nhu cầu sử dụng nước ngày càng cao khiến tài nguyên nước có nguy cơ cạn kiệt. Những áp lực này sẽ tạo nên các yếu tố kém bền vững cho phát triển nếu tài nguyên nước không được quản lý thống nhất và được chia sẻ, khai thác một cách hợp lý, hiệu quả.

Hệ thống văn bản pháp luật tương đối đầy đủ

Thực tế, thời gian qua, chúng ta đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh về tài nguyên nước như: Luật Tài nguyên nước 2012; Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 (nay là Luật Bảo vệ môi trường năm 2020); Nghị định số 201/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước, các công ước quốc tế về khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước, các văn bản luật, dưới luật có liên quan.

Cơ chế tài chính, chủ trương kinh tế hóa trong lĩnh vực tài nguyên nước đã được thể chế hóa trong Luật Tài nguyên nước, Nghị định về thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước và thông qua các văn bản đã được Bộ Tài chính ban hành như quy định về quản lý nguồn kinh phí sự nghiệp trong quản lý tài nguyên nước, quy định tăng thuế khai thác sử dụng tài nguyên nước, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước và quy định về phí thẩm định hồ sơ cấp phép.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ, sử dụng tổng hợp tài nguyên nước giai đoạn 2014 -2020, để bảo đảm quản lý, khai thác sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước theo phương thức tổng hợp, toàn diện và hiệu quả cao, giữ vững an ninh nguồn nước quốc gia cho trước mắt và lâu dài. Đồng thời góp phần phát triển bền vững, bảo vệ môi trường trước diễn biến của biến đổi khí hậu, nước biển dâng và sự suy giảm nguồn nước.

Đến nay, Bộ TN&MT đã xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 11 quy trình vận hành liên hồ chứa trên 11 lưu vực sông lớn, quan trọng và đang phát huy tác dụng của cơ chế phối hợp vận hành liên hồ, điều tiết nước (bao gồm các lưu vực sông: Ba, Vu Gia - Thu Bồn, Sê San, Srêpôk, Mã, Cả, Kôn - Hà Thanh, Trà Khúc, sông Hồng, Đồng Nai và lưu vực sông Hương) nhằm giảm lũ cho hạ du, tăng hiệu quả sử dụng nước và đảm bảo nguồn nước cho sản xuất ở khu vực hạ du trong mùa cạn. Kể từ khi 11 quy trình vận hành liên hồ chứa được ban hành, ngoài việc thanh tra, kiểm tra định kỳ, đột xuất việc thực hiện quy trình vận hành liên hồ chứa, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ TN&MT, Cục đã chỉ đạo đơn vị có chức năng theo dõi, giám sát thường xuyên, liên tục việc vận hành của các hồ chứa để kịp thời đôn đốc, hướng dẫn các chủ hồ thực hiện nghiêm túc việc vận hành theo đúng quy trình.

Quan trắc nguồn nước mặt

Nhận diện những điểm nghẽn để đổi mới cơ chế quản lý

Cần phải khẳng định, các quy định của pháp luật về tài nguyên nước đã tạo ra khung pháp lý cho các hoạt động khai thác, sử dụng cũng như bảo vệ tài nguyên nước. Tuy nhiên, thực tế quá trình thực hiện, các quy định đó đã bộc lộ một số điểm hạn chế, bất cập.

Đơn cử, trên một dòng sông, ngành TN&MT quản lý chất lượng môi trường sông, ngành NN&PTNT sử dụng nước sông trong tưới tiêu, ngành Công Thương quản lý các công trình thủy điện trên sông, ngành Giao thông Vận tải phụ trách quản lý vận tải sông và hệ thống cảng... Thế nhưng lại thiếu đi một cơ chế quản lý thống nhất. Chính vì vậy, cần đổi mới cơ chế quản lý tài nguyên nước, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu có nhiều mối quan hệ tương quan khá phức tạp tới tài nguyên nước.

Để khắc phục bất cập này, theo các chuyên gia, Nhà nước phải tổng điều tra cơ bản về tài nguyên nước, kiểm kê tài nguyên nước, dự báo tác động của biến đổi khí hậu đối với tài nguyên nước. Từ các công tác điều tra, đánh giá tiềm năng, trữ lượng, giá trị kinh tế, hạch toán, sẽ thiết lập cơ sở dữ liệu, tài khoản các nguồn tài nguyên của đất nước. Sau đó hoàn thiện hệ thống quy hoạch khai thác, sử dụng tài nguyên bảo đảm phân bổ nguồn lực tài nguyên hợp lý cho phát triển kinh tế - xã hội để đảm bảo việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước hiệu quả và đảm bảo kiểm soát được mức giảm lượng nước ngầm, nước mặt, hạn chế ô nhiễm, suy thoái cạn kiệt nguồn nước.

Cùng với đó, các cấp từ Trung ương đến địa phương cần tiếp tục thúc đẩy việc xây dựng giải pháp quản lý tài nguyên nước tổng hợp cùng với kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu qua việc đầu tư kinh phí, hợp tác với các nhà khoa học, chuyên gia kỹ thuật, các tổ chức Chính phủ quốc tế, các tổ chức phi Chính phủ để cùng nhau chung tay xây dựng và triển khai các hoạt động cụ thể.

Đồng thời, các cơ quan quản lý về tài nguyên nước cần tăng cường thanh tra, kiểm tra các hoạt động khai thác sử dụng tài nguyên nước và xả thải vào nguồn nước, theo dõi biến động về nguồn nước. Thường xuyên thanh tra, kiểm tra giúp các cá nhân, tổ chức hoạt động đúng pháp luật, phát hiện và xử lý những hành vi vi phạm kịp thời.

Một điều quan trọng về tài nguyên nước đó là minh bạch các thông tin về khai thác, sử dụng và quản lý tài nguyên nước cho các tổ chức, doanh nghiệp và toàn thể nhân dân được biết, được đóng góp ý kiến, được thanh tra, kiểm tra, giám sát.

Từ năm 2016 đến nay, Cục Quản lý tài nguyên nước đã tiến thanh tra, kiểm tra 190 cơ sở khai thác nước (8 cuộc thanh tra, 16 cuộc kiểm tra), xử lý vi phạm quy định giấy phép, quy định về khai thác 41 cơ sở xử phạt 5,9 tỷ đồng, góp phần nâng cao nhận thức về khai thác sử dụng nước tiết kiệm và bảo vệ tài nguyên nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hoàn thiện quy định pháp luật để phát triển bền vững tài nguyên nước: Đổi mới tư duy quản trị nguồn nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO