Hoàn thiện quy định mực nước tương ứng với cấp báo động lũ trên các sông phù hợp với tình hình mới

Thanh Tùng - Văn Đức| 17/12/2019 13:10

(TN&MT) - Quyết định thay thế Quyết định số 632/QĐ-TTg ngày 10/5/2010 của Thủ tướng Chính phủ quy định mực nước tương ứng với các cấp báo động lũ trên các sông thuộc phạm vi cả nước góp phần hoàn thiện dần các văn bản quy phạm pháp luật về khí tượng thủy văn; nâng cao trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức, đơn vị, địa phương, các cấp chính quyền trong công tác phòng chống thiên tai.

Việt Nam, với khí hậu nhiệt đới gió mùa nằm ở một trong 5 ổ bão lớn của thế giới, hàng năm phải đối mặt với nhiều loại hình thiên tai thường xuyên xảy ra như áp thấp nhiệt đới, bão, lũ, lũ quét, lũ bùn đá, ngập lụt, lốc xoáy, động đất, sạt lở đất, hạn hán, cháy rừng, xâm nhập mặn, nước dâng do bão…

Trong các loại thiên tai thường xuyên xảy ra ở nước ta, lũ lụt là loại hình thiên tai chủ yếu và thường xuyên xảy ra, gây hậu quả rất nghiêm trọng. Những năm gần đây, lũ xảy ra không đồng đều; có năm ở khu vực này xảy ra rất ít lũ hoặc chỉ xảy ra lũ nhỏ, nhưng ở khu vực khác lại xảy ra lũ lớn, lũ đặc biệt lớn.

Lũ lụt là loại hình thiên tai chủ yếu và thường xuyên xảy ra ở nước ta

Để chủ động ứng phó với lũ, ngập lụt Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 632/QĐ-TTg ngày 10 tháng 5 năm 2010 về việc quy định mực nước tương ứng với các cấp động lũ trên các sông chính thuộc phạm vi cả nước (Quyết định số 632/QĐ-TTg) là căn cứ quan trọng để triển khai, tổ chức công tác phòng, chống, ứng phó, khắc phục hậu quả của lũ, ngập lụt.

Còn nhiều bất cập

Việc thực hiện quy định mực nước tương ứng với các cấp báo động lũ đã phần nào phục vụ tốt cho công tác phòng chống lũ, lụt góp phần chủ động trong việc tính toán quy hoạch, thiết kế kỹ thuật và xây dựng các công trình hạ tầng giao thông đặc biệt là những công trình được xây dựng tại những địa điểm chịu tác động lớn của mưa lũ. Tuy nhiên, sau gần 10 năm triển khai, Quyết định số 632/QĐ-TTg đã bộc lộ một số bất cập.

Trong đó, số lượng các vị trí có cấp báo động còn ít cần nghiên cứu, xây dựng, bổ sung thêm các trạm quan trắc trên các sông phù hợp với tình hình thực tế địa hình, địa bàn để nâng cao hiệu quả công tác dự báo, cảnh báo, thông báo, báo động cho các lực lượng làm nhiệm vụ ứng phó, khắc phục hậu quả khi có tình huống xảy ra;

Một số khu vực kinh tế trọng điểm của các tỉnh có vị trí quan trọng nhưng chưa có quy định cấp báo động để có phương án phòng chống khi có nguy cơ sảy ra lũ lụt;

Bên cạnh đó, do tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng cùng với sự phát triển không ngừng của kinh tế xã hội mà tại vị trí trạm thủy văn bị ảnh hưởng thủy triều đã có quy định cấp báo động nhưng không còn phù hợp do mực nước luôn ở mức báo động trong điều kiện bình thường gây khó khăn cho công tác chỉ đạo phòng chống thiên tai;

Số lượng trạm thủy văn thuộc hệ thống khí tượng thủy văn quốc gia còn thưa thớt, chưa đáp ứng hết được yêu cầu cho công tác dự báo, cảnh báo lũ, ngập lụt. Trong khi hệ thống trạm chuyên dùng do các tỉnh, các công ty được xây dựng tại các sông suối nhỏ tại các địa phương hiện nay khá nhiều, đáp ứng được yêu cầu về phòng chống lũ, ngập lụt tại các địa phương nhưng quyết định của Chính phủ không thể bao phủ được hết do vậy cần quy định phân cấp trách nhiệm quy định cho Ủy ban nhân dân các tỉnh;

Hơn nữa, khung pháp luật hiện hành về phòng, chống thiên tai, khí tượng thủy văn còn thiếu quy định về các cấp báo động lũ. Quyết định số 632/QĐ-TTg mang tính chất cá biệt. Trong khi đó Quyết định số 44/2014/QĐ-TTg ngày 15 tháng 8 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ Quy định chi tiết về cấp độ rủi ro thiên tai lại căn cứ Quyết định số 632/QĐ-TTg không phải là văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện là chưa hợp lý.

Lũ lụt gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản

Với những bất cập đó, để Quyết định thay thế Quyết định số 632/QĐ-TTg ngoài tính tính hợp hiến, hợp pháp thì Quyết định thay thế phải đảm bảo mục tiêu tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, khuôn khổ pháp lý chung, thống nhất, dễ tiếp cận, đồng bộ, minh bạch, khả thi, dễ tiếp cận, hiệu lực và hiệu quả và thống nhất cho công tác phòng chống thiên tai.

Đồng thời, các cấp báo động lũ được quy định sát thực tế giúp các cơ quan quản lý, các Bộ, các cấp chính quyền trong chỉ đạo phòng chống lũ, ngập lụt và người dân chủ động trong phòng, tránh lũ, ngập lụt nhằm giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai lũ ngập gây ra. Đồng thời phục vụ việc quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, giao thông, xây dựng của các địa phương.

Hoàn thiện nội dung phù hợp tình hình mới

Từ những mục tiêu cụ thể nêu trên, nhóm tác giả của Nguyễn Thanh Tùng và Lê Văn Đức thuộc Vụ Quản lý dự báo KTTV, Tổng cục KTTV (Bộ TN&MT) đề xuất những nội dung chính của Quyết định thay thế Quyết định số 632//QĐ-TTg.

Trước hết, quy định mới được ban hành phải được quy định dưới dạng văn bản quy phạm pháp luật.

Cụ thể, việc ban hành Quy định mới dưới dạng văn bản quy phạm pháp luật đảm bảo cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất cho công tác cảnh báo, dự báo lũ, ngập lụt và công tác phòng chống thiên tai. Giải pháp này sẽ cho tác động tốt về luật pháp và tăng hiệu lực của nhóm văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống thiên tai và cảnh báo dự báo thiên tai đang thực hiện.

Đối với các Bộ, ngành, địa phương, quy định mới này sẽ là căn cứ pháp lý quan trọng trong việc xác định các ưu tiên trong xây dựng chính sách cụ thể, trong công tác xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Làm cơ sở cho việc ra các quyết định trong công tác phòng chống thiên tai do lũ ngập lụt gây ra.

Bên cạnh đó, căn cứ vào Quyết định, các Bộ, ngành, địa phương sẽ có thêm các biện pháp, kế hoạch đầu tư các giải pháp công trình, phi công trình hiệu quả, đúng mục đích, nhằm tăng cường năng lực chống chịu với lũ, ngập lụt đối với từng ngành, lĩnh vực, bảo đảm an toàn cho công trình hạ tầng, môi trường của khu vực thuộc phạm vi quản lý.

Đảm bảo công tác phòng chống lũ, ngập lụt được chú trọng từ giai đoạn phòng ngừa nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của lũ, ngập lụ, đưa nội dung này vào Kế hoạch và quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội từ Trung ương đến địa phương. Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với nội dung quy định về phòng ngừa thiên tai trong Luật Phòng, chống thiên tai

Thứ hai, điều chỉnh mực nước tương ứng với các cấp báo động lũ tại các vị trí đã quy định tại Quyết định số 632/QĐ-TTg và bổ sung vị trí quy định mực nước tương ứng với các cấp báo động lũ trên các sông.

Việc ban hành Quyết định số 632/QĐ-TTg đã góp phần phục vụ tốt cho công tác phòng chống lũ, lụt góp phần chủ động trong việc tính toán quy hoạch, thiết kế kỹ thuật và xây dựng các công trình hạ tầng giao thông đặc biệt là những công trình được xây dựng tại những địa điểm chịu tác động lớn của mưa lũ.

Tuy nhiên, từ những phân tích, đánh giá ở trên, việc điều chỉnh mực nước tương ứng với cấp báo động lũ tại những vị trí đã có, loại bỏ những vị trí không còn phát huy tác dụng như nằm trong vùng ngập hoặc chịu tác động của hồ chứa, trạm thủy văn có quy định cấp báo động thay đổi vị trí thì những vị trí mới chưa có cấp báo động mà do địa phương đề xuất để phục vụ công tác phòng chống thiên tai và quy hoạch phát triển kinh tế- xã hội của từng địa phương.

Thứ ba, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng và ban hành mực nước tương ứng với các cấp báo động lũ đối với các sông, suối khác trên địa bàn quản lý.

Theo nhóm tác giả, mạng lưới sông suối nước ta khá dày, mật độ sông trung bình trên toàn lãnh thổ khoảng 0,6 km/km2. Nếu tính những sông suối có nước chảy thường xuyên và có chiều dài trên 10km trở lên, thì trên lãnh thổ nước ta có khoảng 2.360 sông suối, trong đó 106 sông chính và 2.254 sông nhánh. Phần lớn sông suối trên lãnh thổ nước ta thuộc loại vừa và nhỏ có diện tích lưu vực dưới 5.000km2.

Có tới 1.853 sông suối (78,5%) tập trung trong 9 hệ thống sông chính: Kỳ Cùng - Bằng Giang, Thái Bình, Hồng, Mã, Cả, Thu Bồn, Ba, Đồng Nai, Mêkông. Số sông suối còn lại là những sông ngắn, ít phân nhánh đổ trực tiếp ra biển. Nhiều sông suối có lưu vực nằm trong phạm vi của một địa phương, mức độ ảnh hưởng của lũ, ngập lụt trong một phạm vi nhỏ.

Hiện nay, mạng lưới trạm thủy văn thuộc hệ thống khí tượng thủy văn quốc gia còn thưa thớt, chưa đáp ứng được hết yêu cầu cho công tác dự báo, cảnh báo lũ, ngập lụt. Trong khi hệ thống trạm chuyên dùng do các tỉnh, các công ty được xây dựng tại các sông suối nhỏ tại các địa phương hiện nay khá nhiều, đáp ứng được yêu cầu về phòng chống lũ, ngập lụt tại các địa phương.

Để chủ động trong công tác phòng, chống lũ, ngập lụt, một số địa phương đã ban hành quy định mực nước tương ứng với các cấp báo động lũ tại một số vị trí trên các sông thuộc phạm vi của địa phương để phục vụ công tác phòng, chống thiên tai và phát triển kinh tế xã hội tại địa phương. Tuy nhiên, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về phòng chống thiên tai, khí tượng thủy văn chưa có văn bản nào quy định về vấn đề này. Do đó, chưa có sự thống nhất trong công tác triển khai thực hiện. Có địa phương đã chủ động quy định các cấp báo động lũ tại các vị trí để phục vụ địa phương, có địa phương lại chưa triển khai thực hiện chờ quy định của văn bản quy phạm pháp luật.

Do vậy, việc đề xuất UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng và ban hành mực nước tương ứng với các cấp báo động lũ đối với các sông, suối khác trên địa bàn quản lý sẽ tạo ra khuôn khổ pháp luật thống nhất để các địa phương có thể chủ động nghiên cứu quy định cấp báo động lũ tại các vị trí cần thiết phục vụ cho địa phương. Đây cũng là trách nhiệm của các địa phương trong việc chủ động ứng phó với thiên tai theo đúng tinh thần của Luật phòng, chống thiên tai.

Cùng với đó, đảm bảo chính quyền địa phương quản lý toàn diện kinh tế - xã hội, trực tiếp tham gia giải quyết những vấn đề nảy sinh của các hoạt động khí tượng thuỷ văn, phòng chống thiên tai trên địa bàn quản lý. Tùy thuộc vào tình hình lũ, ngập lụt có ảnh hưởng đến dân sinh, kinh tế tại các khu vực, chính quyền địa phương sẽ quy định các cấp báo động lũ cho phù hợp.

Với các nội dung tiếp cận như vậy, Quyết định thay thế Quyết định số 632/QĐ-TTg sẽ góp phần trong việc hoàn thiện dần các văn bản quy phạm pháp luật về khí tượng thủy văn, phục vụ phát triển kinh tế xã hội, phòng, chống thiên tai do lũ lụt gây ra. Đồng thời, góp phần nâng cao trách nhiệm của các đơn vị, tổ chức, cá nhân, các địa phương, các cấp chính quyền trong công tác phòng chống thiên trong bối cảnh hiện tại.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hoàn thiện quy định mực nước tương ứng với cấp báo động lũ trên các sông phù hợp với tình hình mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO