Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa chủ trì tại cuộc họp |
Tham dự cuộc họp có đại diện lãnh đạo các Vụ: Pháp chế, Khoa học và Công nghệ; Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam, Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ.
Báo cáo tại cuộc họp, ông Dương Văn Hải, Phó Cục trưởng Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam cho biết, thực hiện Chương trình xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2020 thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Cục được giao chủ trì xây dựng dự thảo Thông tư quy định kỹ thuật về nội dung và ký hiệu bản đồ địa hình quốc gia tỷ lệ 1:10.000, 1:25.000.
Ngày 16/01/020, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Quyết định số 136/QĐ-BTNMT thành lập Tổ soạn thảo Thông tư. Sau khi có Quyết định thành lập, Tổ soạn thảo đã rà soát, đánh giá các văn bản đang còn hiệu lực có liên quan đến quy định kỹ thuật về nội dung và ký hiệu bản đồ địa hình quốc gia tỷ lệ 1:10.000, 1:25.000; nghiên cứu các văn bản tiêu chuẩn, quy định kỹ thuật của Malayxia, Anh, Mỹ, Australia và tổ chức họp Tổ chuẩn bị, Tổ soạn thảo, hội nghị, hội thảo để lấy ý kiến góp ý. Trên cơ sở các ý kiến góp ý, Tổ soạn thảo đã rà soát, chỉnh lý và hoàn thiện dự thảo Thông tư.
Ông Dương Văn Hải, Phó Cục trưởng Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam báo cáo tại buổi họp |
Thực hiện quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Bộ TN&MT đã có Công văn gửi Văn phòng Chính phủ, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ đề nghị đăng tải toàn văn dự thảo Thông tư để lấy ý kiến rộng rãi của các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp có liên quan và các đơn vị trong Bộ.
Tính đến ngày 08/9/2020, Cục đã nhận được 30 văn bản ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức trong và ngoài Bộ, ý kiến góp ý của các Sở Tài nguyên và Môi trường.
Sau khi nhận được các ý kiến góp ý, Tổ soạn thảo đã tập trung rà soát, tiếp thu, giải trình và hoàn thiện nội dung dự thảo, đồng thời gửi Vụ Khoa học và Công nghệ, Vụ Pháp chế thẩm định, đảm bảo kịp trình ban hành trong tháng 9/2020.
Theo dự thảo, Thông tư gồm 3 chương, 18 điều và 4 phụ lục quy định kỹ thuật về nội dung và ký hiệu bản đồ địa hình quốc gia tỷ lệ 1:10.000 và 1:25.000. Cụ thể, quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, giải thích từ ngữ, cơ sở toán học, độ chính xác của bản đồ, định dạng sản phẩm. Nội dung bản đồ địa hình quốc gia tỷ lệ 1:10.000 và 1:25.000 được sửa đổi theo quy định của Luật Đo đạc và Bản đồ gồm 7 nhóm lớp dữ liệu. Quy định về hiệu lực thi hành, điều khoản chuyển tiếp và trách nhiệm thi hành.
Tại cuộc họp, đại diện lãnh đạo các đơn vị đều cơ bản thống nhất nội dung, đồng thời thảo luận, làm rõ hơn các nội dung quy định trong Dự thảo bảo đảm tính khoa học, khả thi liên quan tới các mẫu ký hiệu trình bày bản đồ; nội dung và ký hiệu bản đồ; …
Phát biểu kết luận tại cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa nhấn mạnh vai trò và tầm quan trọng của việc xây dựng dự thảo Thông tư nhằm góp phần xây dựng một hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đồng bộ, thống nhất, đáp ứng yêu cầu của xã hội.
Vì vậy, để hoàn thiện dự thảo Thông tư đảm bảo kịp trình ban hành trong tháng 9/2020, Thứ trưởng đề nghị Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam- đơn vị chủ trì soạn thảo cần nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến của các thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập cũng như các ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương, cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp liên quan sớm gửi 2 Vụ Khoa học và Công nghệ, Vụ Pháp chế để thẩm định trước khi trình lãnh đạo Bộ phê duyệt, ban hành.
Toàn cảnh buổi họp |
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa, hệ thống các quy định bản đồ không chỉ phục vụ cho ngành Tài nguyên và Môi trường mà cần phải được mở rộng đối với các ngành, lĩnh vực khác. Vì vậy, Ban soạn thảo, Tổ biên tập cần nghiên cứu, bổ sung những kí hiệu bản đồ mà các ngành khác cũng có, “tiếp gối nhau” để tạo thành hệ thống quy định thống nhất, đồng bộ. Đồng thời, xem xét, kế thừa những quy định kỹ thuật đã được ban hành trước khi có Luật Đo đạc và Bản đồ.
Bên cạnh đó, cần cập nhật những quy định kỹ thuật, các văn bản tiêu chuẩn mới và hiện đại trên thế giới để áp dụng cho sự phát triển của ngành đo đạc và bản đồ Việt Nam hiện nay.