Cơ sở thực hiện kiểm kê khí nhà kính
Nhằm triển khai các quy định liên quan đến kiểm kê khí nhà kính theo quy định trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, thực hiện trách nhiệm của Việt Nam khi tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC); Thỏa thuận Paris; Công ước Vienna về bảo vệ tầng ô-dôn và Nghị định thư Montreal…, Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan thực hiện nhiệm vụ “Xây dựng danh mục và cập nhật các hệ số phát thải phục vụ kiểm kê quốc gia khí nhà kính và Hướng dẫn kỹ thuật quản lý các chất HFC.
Mục tiêu tổng quát của danh mục hệ số phát thải là phục vụ kiểm kê quốc gia khí nhà kính, xây dựng báo cáo kiểm kê khí nhà kính các cấp, báo cáo quốc gia về biến đổi khí hậu của Việt Nam gửi UNFCCC và tạo tiền đề cho việc xây dựng cơ sở dữ liệu trực tuyến về kiểm kê khí nhà kính tại Việt Nam.
Bà Mai Kim Liên, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu |
Trong khi đó, hướng dẫn kỹ thuật quản lý các chất HFC là công cụ thể Việt Nam thực hiện thành công kế hoạch loại trừ HFC từ năm 2024.
Theo TS. Mai Kim Liên, Phó Cục trưởng, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, việc xây dựng và ban hành Danh mục hệ số phát thải phục vụ kiểm kê khí nhà kính và Hướng dẫn kỹ thuật kỹ thuật quản lý các chất HFC để triển khai thực hiện Luật Bảo vệ môi trường; Nghị định quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn là hết sức cần thiết, có ý nghĩa quan trọng nhằm sớm đưa các quy định của Luật và Nghị định đi vào cuộc sống, góp phần thực hiện các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và các mục tiêu phát triển bền vững đất nước.
Xây dựng hệ số phát thải tin cậy
Sau 2 năm, quá trình xây dựng danh mục hệ số phát thải đã đạt được một số kết quả như: Rà soát, đánh giá được hiện trạng hệ số phát thải khí nhà kính được sử dụng trong các báo cáo quốc gia về biến đổi khí hậu của Việt Nam gửi UNFCCC; đánh giá hiện trạng và nhu cầu xây dựng hệ số phát thải đặc trưng quốc gia trong các lĩnh vực năng lượng, công nghiệp, giao thông vận tải, nông nghiệp, lâm nghiệp, quản lý chất thải; Xây dựng khung ma trận đánh giá ưu tiên cho việc xây dựng các hệ số phát thải đặc trưng quốc gia của Việt Nam; Xây dựng danh mục hệ số phát thải đặc trưng quốc gia và danh mục các hệ số phát thải mặc định khuyến nghị sử dụng cho Việt Nam….
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo |
Quá trình rà soát cho thấy, tính đến kỳ kiểm kê gần nhất (năm 2016), Việt Nam chỉ có một số hệ số phát thải khí nhà kính đặc trưng quốc gia được sử dụng trong kiểm kê quốc gia là hệ số phát tán khí mêtan.
Khẳng định về vai trò của danh mục hệ số phát thải, bà Nguyễn Vân Anh, Cục Biến đổi khí hậu cho biết: “Chất lượng của kiểm kê KNK phụ thuộc đáng kể vào độ tin cậy của HSPT và số liệu hoạt động”.
Việt Nam không sản xuất HFC. Tuy nhiên, HFC đã được đưa vào thị trường Việt Nam và tăng trưởng trung bình 7% trong hai thập kỷ qua và được sử dụng chủ yếu trong lĩnh vực làm lạnh, điều hòa không khí, sản xuất xốp cách nhiệt… Theo thống kê, tổng lượng nhập khẩu các chất HFCs trong năm 2020 là 4,506.81 tấn. Trước thực trạng này, Việt Nam đặt ra kế hoạch giai đoạn 2020-2022 Việt Nam sẽ thực hiện báo cáo lượng tiêu thụ các chất HFC và bắt đầu đóng băng tiêu thụ các chất HFC từ năm 2024.
Để thực hiện kế hoạch này, Dự thảo hướng dẫn kỹ thuật quản lý các chất HFC đã đưa ra các quy định cụ thể như: Hướng dẫn về hạn ngạch, quản lý, báo cáo đối với đơn vị sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu các chất HFC 2; Hướng dẫn sản xuất, nhập khẩu thiết bị đối với đơn vị sản xuất và nhập khẩu thiết bị chứa HFC; Hướng dẫn vận hành và xử lý hết vòng đời đối với tổ chức sở hữu thiết bị chứa HFC có năng suất lớn; Hướng dẫn thu hồi, tái chế, tiêu hủy đối với tổ chức thực hiện thu gom, tái chế, tái sử dụng và tiêu hủy khí HFC.