Hoa Kỳ công bố sáng kiến hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tăng trưởng bền vững

Khánh Ly| 22/11/2022 15:52

(TN&MT) - Ngày 22/11, tại Hà Nội, Phái đoàn ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam, thông qua Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã công bố Sáng kiến thúc đẩy thực hành khung đánh giá Môi trường – Xã hội – Quản trị (ESG) trong khu vực tư nhân hướng tới tăng trưởng bền vững giai đoạn 2023 – 2025.

le-khoi-dong-sang-kien.jpg
Đại diện Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ  cùng công bố sáng kiến 

Sáng kiến sẽ tập trung vào việc cải thiện các khuôn khổ pháp lý để thúc đẩy thực hành ESG trong khu vực tư nhân, nâng cao năng lực cho doanh nghiệp về thực hành ESG. Đây là bộ tiêu chuẩn thường được các nhà đầu tư sử dụng để đo lường cách thức một doanh nghiệp bảo vệ môi trường, quản lý mối quan hệ với cộng đồng, áp dụng quản trị doanh nghiệp minh bạch và có trách nhiệm.

Mạng lưới các doanh nghiệp quan tâm đến ESG cũng sẽ được mở rộng, qua đó, thúc đẩy và trao đổi các thực tiễn tốt nhất. Mục tiêu dến năm 2025, sáng kiến này sẽ cung cấp các gói hỗ trợ kỹ thuật ESG cho 300 doanh nghiệp, trong đó có 10 doanh nghiệp thí điểm các mô hình kinh doanh ESG sáng tạo.

dat01222.jpg
Ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu tại buổi lễ công bố

Theo ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hơn 10 năm trở lại đây, khu vực kinh tế tư nhân liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá, chiếm tỉ trọng khoảng 40% GDP; thu hút khoảng 85% lực lượng lao động của nền kinh tế. Các doanh nghiệp đã góp phần quan trọng trong huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển.

Hiện nay, biến đổi khí hậu đang tác động ngày càng lớn đến đời sống, kinh tế, xã hội của mọi quốc gia trên thế giới và Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ. Trước tác động đó, yêu cầu của đối tác, thị trường theo hướng sản xuất và tiêu dùng bền vững đang diễn ra mạnh mẽ. Thách thức đến từ các cam kết của Việt Nam khi tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), ưu tiên trong các khuôn khổ hợp tác quốc tế ASEAN, APEC về kinh doanh bền vững, sản xuất xanh, vấn đề thuế cacbon, công cụ kiểm chứng carbon đang áp dụng ngày càng ở nhiều nước trên thế giới… Doanh nghiệp Việt Nam đứng trước yêu cầu cấp bách phải đổi mới để bắt kịp xu thế thời đại, nếu không sẽ giảm sức cạnh tranh và bị mất cơ hội tham gia và tiến sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.

dat01422.jpg
Ông Mark Birnbaum - Giám đốc Dự án USAID Tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân Việt Nam   phát biểu tại lễ công bố

Giám đốc Khu vực Châu Á của USAID, ông Michael Schiffer nhận định, USAID đang mở rộng quan hệ đối tác với Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp này vượt qua các khó khăn và nắm bắt cơ hội để tăng cường năng lực cạnh tranh. Sáng kiến được công bố ngày hôm nay là một trong những kết quả của mối quan hệ đối tác đó.

Theo ông Mark Birnbaum, Giám đốc Dự án, khi áp dụng ESG, doanh nghiệp sẽ được tạo điều kiện đưa ra sản phẩm mới, cao cấp hóa nhằm đáp ứng các nhu cầu mới của khách hàng; được tích hợp vào chuỗi cung ứng lớn hơn. Thị trường trở nên rộng hơn, đặc biệt vào các thị trường quốc tế nơi người tiêu dùng quan tâm nhiều hơn tới các vấn đề môi trường và xã hội. Doanh nghiệp cũng sẽ có cơ hội tiếp cận các nguồn tài chính mới, giảm thiểu chi phí và rủi ro trong dài hạn, cũng như nâng cao uy tín và hình ảnh doanh nghiệp trên thị trường. 

Sáng kiến mới này sẽ được triển khai thông qua Dự án Tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân Việt Nam (IPSC). Với tổng số vốn lên tới 36 triệu USD do USAID tài trợ, IPSC hướng tới gỡ bỏ các hạn chế về chính sách, thị trường ở cấp độ doanh nghiệp cản trở sự phát triển của doanh nghiệp, bao gồm cả những doanh nghiệp do phụ nữ và nhóm yếu thế làm chủ. Qua đó, thúc đẩy khu vực tư nhân đổi mới và năng động, đủ sức cạnh tranh trên toàn cầu và gia tăng cơ hội phát triển kinh tế.

Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, gần đây nhất, tại Hội nghị COP26, Việt Nam đã có những cam kết hết sức mạnh mẽ khi đưa mức phát thải ròng các-bon về không vào năm 2050 và Chính phủ đã ban hành các chiến lược tăng trưởng xanh, gắn với khối doanh nghiệp để hiện thực hoá những mục tiêu này. Những điều này đã giúp cho Việt Nam từ vị trí thứ 88 vào năm 2016 vươn lên vị trí 49 vào năm 2020 trong bảng xếp hạng về chỉ số phát triển bền vững do Mạng lưới Giải pháp phát triển bền vững của của Liên Hợp Quốc công bố hàng năm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hoa Kỳ công bố sáng kiến hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tăng trưởng bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO