Trong sự kiện tiếp bà Bonnie Glick - Phó Giám đốc toàn cầu Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và dự Lễ bàn giao mặt bằng dự án xử lý ô nhiễm dioxin tại sân bay Biên Hòa giữa Quân chủng Phòng không - Không quân và Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh - Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam (Ban Chỉ đạo 701) đã bày tỏ mong muốn: “Các đối tác Hoa Kỳ cùng với Chính phủ Việt Nam sẽ cùng nỗ lực khắc phục không để chất độc dioxin gây hại cho người và thiên nhiên Việt Nam nữa. Đây là quá trình hợp tác lâu dài và quan trọng”. Nhân sự kiện này, Thượng tướng đã có cuộc trao đổi cởi mở với các phóng viên.
PV: Thượng tướng cho biết, công tác khắc phục hậu quả chiến tranh ở Việt Nam đã được thực hiện như thế nào trong thời gian qua?
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh:
Về khắc phục hậu quả chiến tranh, trước hết, phải nói đến nỗ lực của Nhà nước và nhân dân ta. Chúng ta đã trải qua các cuộc chiến tranh thảm khốc và để lại nhiều hậu quả nặng nề. Cho đến nay, việc khắc phục hậu quả chiến tranh ở Việt Nam đã được giải quyết những bước cơ bản, để hậu quả ấy không ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe con người cũng như không kìm hãm sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh trao đổi với phóng viên. Ảnh: Hoàng Minh |
Chúng ta đã thực hiện việc đó bằng chính nguồn lực của mình. Tuy vậy, cũng không thể không nói đến hợp tác quốc tế trong khắc phục hậu quả chiến tranh. Việc này dựa trên quan điểm: Những người đã gây ra chiến tranh cho đất nước chúng ta phải có trách nhiệm đối với những người họ đã gây ra. Bên cạnh đó, cộng đồng quốc tế cũng sẵn lòng chia sẻ, chung tay với Việt Nam. Đây là động lực và điều kiện thuận lợi để chúng ta huy động hợp tác quốc tế trong khắc phục hậu quả chiến tranh. Trong đó, đặc biệt là Hoa Kỳ - một nước có cuộc chiến ở Việt Nam dài nhất, thảm khốc nhất và để lại hậu quả hết sức nặng nề.
PV: Vậy việc hợp tác với Hoa Kỳ để khắc phục hậu quả chiến tranh được triển khai cụ thể ra sao, thưa Thượng tướng?
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh:
Đối với Hoa Kỳ, chúng ta hợp tác để tập trung khắc phục hậu quả của bom mìn và dioxin. Về bom mìn, đến nay, chúng ta đã có bộ bản đồ bom mìn chi tiết cho tất cả các địa phương trong toàn quốc và giảm thiểu những người bị tai nạn bom mìn trong thời bình, đặc biệt, bảo vệ sự an toàn của trẻ em trước bom mìn. Bên cạnh đó, chúng ta cũng giúp cho những người là nạn nhân bom mìn tái hòa nhập cộng đồng và có cuộc sống bình thường. Có thể nói, đây là lĩnh vực mà Chính phủ đã đạt được thành tựu quan trọng.
Về xử lý chất độc hóa học dioxin, đây là vấn đề rất khó đối với Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung. Chất độc này gây ra hậu quả rất lớn cho thiên nhiên, con người và sự phát triển kinh tế - xã hội. Trong thời gian qua, chúng ta đã nghiên cứu để giải quyết song còn gặp nhiều khó khăn, nhất là về khoa học kỹ thuật, công nghệ. Cùng với đó, dù trong những năm qua, Chính phủ bỏ ra rất nhiều nguồn lực để xử lý song cũng còn chưa đủ.
Trong bối cảnh đó, Việt Nam đẩy mạnh hợp tác với Hoa Kỳ để xử lý ô nhiễm dioxin, bởi Hoa Kỳ đã phun rải, tàng trữ chất dioxin trong chiến tranh ở Việt Nam. Việc hợp tác này gặp thuận lợi khi người dân Hoa Kỳ, đặc biệt, các cựu chiến binh, các gia đình của cựu chiến binh ủng hộ Việt Nam rất mạnh mẽ. Và với sự ủng hộ đó, Chính phủ Hoa Kỳ phải từng bước thừa nhận những gì đã làm ở Việt Nam cũng như từng bước chấp nhận chia sẻ trách nhiệm xử lý ô nhiễm dioxin.
Với sự hợp tác này, hai bên đã tổ chức thành công Dự án xử lý môi trường ô nhiễm dioxin tại khu vực sân bay Đà Nẵng với 32,4ha diện tích đất sạch sau xử lý được bàn giao để phục vụ mở rộng sân bay, phát triển kinh tế - xã hội của Đà Nẵng. Tiếp đó, vào tháng 4/2019, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam phê duyệt và khởi động Dự án xử lý ô nhiễm dioxin tại khu vực sân bay Biên Hòa.
PV: Thượng tướng cho biết, ý nghĩa của việc xử lý ô nhiễm dioxin tại những “điểm nóng” này ở Việt Nam?
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh:
Đề cập đến câu chuyện này, tôi muốn lưu ý đến vấn đề viện trợ. Viện trợ thường là của cá nhân hay các tổ chức phi Chính phủ... Viện trợ đó rất đáng quý nhưng không có ý nghĩa là quốc gia đó thừa nhận trách nhiệm của họ. Thời điểm xử lý ô nhiễm dioxin ở Sân bay Đà Nẵng chỉ là bước mở đầu, còn việc xử lý ô nhiễm dioxin ở sân bay Biên Hòa thể hiện rất rõ Chính phủ Hoa Kỳ mà đại diện là Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ ký với Chính phủ Việt Nam, đại diện là Ban Chỉ đạo 701. Việc này cho thấy, Chính phủ Hoa Kỳ đã thừa nhận những gì họ đã làm. Họ cam kết: “Hoa Kỳ cùng với Việt Nam sẽ làm đến tận cùng”. Đây là bước tiến đáng kể, bởi trước đây, họ không thừa nhận và không có viện trợ của Chính phủ mà là của các tổ chức phi Chính phủ.
Một vấn đề nữa, vừa rồi, Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ đại diện cho Chính phủ Hoa Kỳ đã ký với Ban Chỉ đạo 701 viện trợ 65 triệu USD để hỗ trợ người khuyết tật tại các tỉnh bị phun rải chất độc hóa học. Sự thừa nhận này đảm bảo việc hợp tác không chỉ dừng lại theo biên bản ký kết mà nó có cam kết lâu dài ở cấp cao nhất là cấp Chính phủ.
Khu vực sân bay Biên Hòa là một trong các điểm nóng bị ô nhiễm chất độc hóa học/dioxin với diện tích đất hơn 52ha cần phải xử lý, tẩy độc. Ước tính khối lượng đất là hơn 500.000 m3 cần phải xử lý ô nhiễm dioxin, gấp khoảng 4 lần so với khối lượng đã xử lý tại sân bay Đà Nẵng. Năm 2018, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã ký thỏa thuận với Quân chủng Phòng không - Không quân về khoản đóng góp 183 triệu USD của USAID cho Dự án này trong giai đoạn 5 năm đầu tiên. Theo ước tính của phía Việt Nam và Hoa Kỳ, chi phí xử lý cần hơn 390 triệu USD và công tác xử lý tổng thể sẽ được hoàn thành trong 10 năm. Đây là một trong những dự án lớn nhất thế giới về xử lý môi trường bị ô nhiễm chất độc dioxin. |
Nhìn lại quá trình vừa qua, có thể thấy, Việt Nam đã chủ động tăng cường hợp tác với Hoa Kỳ trong xử lý dioxin. Khi Đà Nẵng mới bắt đầu xử lý ô nhiễm dioxin, chúng ta đàm phán ở Biên Hòa. Kết quả là năm 2018, chúng ta kết thúc ở Đà Nẵng, tháng 4/2019, chúng ta đã ký kết xử lý ở Biên Hòa. Ngay thời điểm đó, chúng ta đã đặt vấn đề khắc phục hậu quả trên con người ở những khu vực bị ô nhiễm nặng. Trong thời điểm hiện nay, chúng tôi đã đặt vấn đề về việc xử lý dioxin ở những nơi bị phân rải, khi con người, thiên nhiên, môi trường bị ảnh hưởng và phát triển kinh tế - xã hội bị ngưng trệ lại. Chúng tôi đang trao đổi để sắp tới đây, sẽ tiếp tục có những hợp tác nữa ở những khu vực bị ô nhiễm dioxin.
Cuối cùng, tôi muốn nhấn mạnh, chúng ta sẽ cùng với Hoa Kỳ tìm đến người cuối cùng mất tích trong chiến tranh và Hoa Kỳ cũng cam kết cùng Việt Nam khắc phục cho đến địa điểm cuối cùng bị ô nhiễm do dioxin. Đây là quá trình hợp tác lâu dài và quan trọng.
PV: Trân trọng cảm ơn Thượng tướng!