Hóa giải nỗi lo mùa mưa bão

Phương Anh| 27/07/2021 14:53

(TN&MT) - “Phải bảo đảm tuyệt đối an toàn hồ đập, thực hiện thật nghiêm các quy định, Nghị định của Chính phủ về việc bảo đảm an toàn hồ đập, điều này mang yếu tố sống còn”.

Đó là kết luận chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai trong buổi kiểm tra công tác phòng chống thiên tai, bảo đảm an toàn và vận hành xả lũ tại Thủy điện Hòa Bình và an toàn đê điều tại TP. Hà Nội.

Chủ động phương án khi có mưa lũ lớn xảy ra

Thực tiễn, với sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế - xã hội, sự gia tăng ngày càng lớn của các hoạt động sử dụng nước cộng với tác động nặng nề của biến đổi khí hậu,… đã và đang đặt ra nhiều thách thức trong việc quản lý, bảo vệ nguồn nước, trong đó, có thể kể đến thách thức về khai thác, sử dụng nguồn nước chưa hợp lý, lãng phí.

Theo Báo cáo của Bộ NN&PTNT, hiện nay, cả nước có tới trên 7.000 hồ chứa nước lớn nhỏ với tổng dung tích trữ của các hồ khoảng trên 70 tỷ m3, trong đó, có 466 hồ chứa thủy điện với tổng dung tích khoảng 56 tỷ m3 (tổng công suất lắp máy 19.681 MW), còn lại là hồ, đập thủy lợi. Các hồ đập thủy điện và phần lớn các hồ đập thủy lợi đều bảo đảm an toàn phòng, chống lũ. Tuy nhiên, đến nay, cả nước vẫn còn trên 1.100 hồ đập thủy lợi đã được xây dựng khoảng trên 40 năm trước chưa được duy tu bảo dưỡng thường xuyên.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh, phải bảo đảm tuyệt đối an toàn hồ đập, thực hiện thật nghiêm các quy định, Nghị định của Chính phủ về việc bảo đảm an toàn hồ đập, điều này mang yếu tố sống còn. Phải rà soát, kiểm tra, giám sát về quy trình, dự báo, bảo đảm yêu cầu làm sao tránh thiệt hại cho người dân. Muốn vậy, cần sự phối hợp nhịp nhàng giữa thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, các ngành, địa phương và nhà máy. Cần thông tin, thông báo trước cho người dân và xác định lưu lượng xả nước phù hợp; tránh trường hợp “xả ào một cái sau khi công bố mấy tiếng đồng hồ, người dân không kịp di tản”.

Phải bảo đảm tuyệt đối an toàn hồ đập.

Thường xuyên kiểm tra, đánh giá an toàn hệ thống, bảo dưỡng các thiết bị công trình liên quan đến vận hành cửa van xả lũ, hệ thống đập, hệ thống phát điện dự phòng,… để chủ động các phương án  khi có mưa lũ lớn xảy ra.

Thực hiện hiệu quả 11 quy trình vận hành

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã được Chính phủ giao nhiệm vụ thực hiện xây dựng quy trình vận hành liên hồ chứa trên các lưu vực sông và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Bộ đã tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành phê duyệt, phê duyệt điều chỉnh 11 quy trình vận hành liên hồ chứa cho cả mùa lũ và mùa cạn trên các lưu vực sông Hồng, Mã, Cả, Hương, Vu Gia - Thu Bồn, Sê San, Srêpôk, Ba, Trà Khúc, Kôn và sông Đồng Nai với nhiệm vụ bảo đảm cắt giảm lũ và cấp nước cho hạ du được ưu tiên hàng đầu. Việc ban hành kịp thời các quy trình vận hành liên hồ chứa trên 11 lưu vực sông có ý nghĩa hết sức quan trọng nhằm bảo đảm sử dụng tổng hợp nguồn nước và phòng chống tác hại do nước gây ra.

Bà Nguyễn Thị Thu Linh - Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước đánh giá, kể từ khi 11 quy trình vận hành liên hồ chứa được ban hành, ngoài việc thanh tra, kiểm tra định kỳ, đột xuất việc thực hiện quy trình vận hành liên hồ chứa, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Cục Quản lý tài nguyên nước đã chỉ đạo đơn vị có chức năng theo dõi, giám sát thường xuyên, liên tục việc vận hành của các hồ chứa để kịp thời đôn đốc, hướng dẫn các chủ hồ thực hiện nghiêm túc việc vận hành theo quy trình thông qua hình thức văn bản, điện thoại, email,...

Đồng thời, Cục đã tổ chức các đoàn công tác làm việc với các địa phương để thống nhất phương án chỉ đạo, điều tiết nước các hồ chứa, đặc biệt là trong những thời gian xảy ra hạn hán thiếu nước để đảm bảo việc vận hành các hồ chứa cung cấp đủ nước cho hạ du các lưu vực sông.

Bên cạnh đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Thông tư số 64/2017/TT-BTNMT ngày 22/12/2017 quy định về xác định dòng chảy tối thiểu (DCTT) trên sông, suối và hạ lưu các hồ chứa, đập dâng. Thông tư này là cơ sở phục vụ công tác xác định dòng chảy tối thiểu trên các sông, suối và hạ du các hồ chứa, góp phần quan trọng giảm thiểu những tác động do việc khai thác, sử dụng nước của các hồ chứa, bảo đảm hạn chế tối đa việc tạo ra những đoạn sông khô cạn, giảm thiểu tác động đến hệ sinh thái thủy sinh và các hoạt động khai thác, sử dụng của người dân phía hạ lưu phụ thuộc vào nguồn nước trên các sông, suối có xây dựng hồ chứa.

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, các tháng còn lại của năm 2021 có khả năng xuất hiện khoảng 9 - 11 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực Biển Đông, trong đó, 3 - 5 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. Đỉnh lũ trên các lưu vực sông khu vực Bắc Bộ phổ biến ở mức báo động 1 - 2. Do đó, công tác dự báo, kiểm tra, rà soát để chủ động ứng phó với thiên tai là rất quan trọng; đặc biệt với hệ thống đê điều, công trình thủy lợi, thủy điện.

Cục Quản lý tài nguyên nước cũng đã thẩm định và trình Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp trên 500 giấy phép khai thác cho các hồ chứa thủy điện, thủy lợi. Trong các giấy phép luôn yêu cầu các hồ chứa phải đảm bảo DCTT hạ du, góp phần không nhỏ trong việc giảm thiểu tác động của việc vận hành các hồ chứa đến hạ du.

Ngoài ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Thông tư số 47/2017/TT-BTNMT quy định về giám sát khai thác, sử dụng tài nguyên nước quy định các chủ hồ phải lắp đặt thiết bị, camera giám sát, truyền thông tin, dữ liệu hồ chứa như mực nước hồ, lưu lượng xả nước, lưu lượng xả dòng chảy tối thiểu.

 Hiện nay, Bộ đang xây dựng hệ thống giám sát việc khai thác, sử dụng nước của các công trình giám sát khai thác, sử dụng tài nguyên nước, đây là công cụ quan trọng phục vụ công tác quản lý, hỗ trợ công tác ra quyết định, chỉ đạo điều hành trong lĩnh vực tài nguyên nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hóa giải nỗi lo mùa mưa bão
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO