Xã hội

Hòa Bình: Xã Nánh Nghê giảm nghèo nhờ trồng rừng

Bảo Hà 27/05/2024 - 18:01

Những năm qua, để xóa đói, giảm nghèo bền vững xã Nánh Ghê, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình đã khuyến khích cán bộ, nhân dân trong xã phát triển kinh tế để tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Nhờ vậy, nhiều hộ dân trên địa bàn xã đã thoát nghèo vươn lên làm giàu chính đáng.

c8d9ba0c-d246-4346-894c-32b487ee893f.png
Xã Nánh Ghê xác định phát triển kinh tế lâm nghiệp là hướng đi giúp người dân giảm nghèo.

Xã Nánh Nghê là một bản vùng cao, có địa hình đồi núi cao và ruộng trũng xen kẽ, cách trung tâm UBND huyện Đà Bắc khoảng 80km. Với tổng diện tích tự nhiên của xã là 6759,95 ha, trong đó đất rừng là 4.216,07 ha, đất rừng phòng hộ 2.810,7ha, đất rừng sản xuất 1.405,36 ha. Tổng dân số toàn xã là 3192 người, trong đó tỷ lệ người dân tộc Mường, Tày chiếm trên 99,97% tổng dân số. Hiện nay, mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng của cuộc sống, xã hội hiện đại, nhưng bà con các dân tộc thiểu số, đặc biệt là người dân tộc Mường, Tày của xã Nánh Nghê vẫn giữ được bản sắc văn hóa riêng của dân tộc mình.

Các hộ gia đình trong bản phát triển kinh tế chủ yếu là nông lâm nghiệp. Tận dụng cơ hội, tiềm năng thế mạnh về vị trí, địa hình đồi núi, bên cạnh chăn nuôi, trồng trọt, hoa màu, cây ăn quả, phần lớn các hộ dân trong bản sống nhờ vào đất rừng, phát triển trồng rừng theo hướng thâm canh. Trong những năm gần đây, việc trồng rừng được người dân của bản lấy đó làm mục tiêu phấn đấu để tăng thu nhập, đưa kinh tế gia đình ngày một phát triển.

2.png
1ha rừng trồng của gia đình anh Dương trừ hết chi phí lãi được 60 triệu đồng.

Trước đây, khi chưa tham gia trồng rừng, cuộc sống của gia đình anh Bùi Văn Dương cũng như các gia đình khác ở xã gặp rất nhiều khó khăn. Cuộc sống của các hộ dân chủ yếu dựa vào chăn nuôi nhỏ lẻ, lúa mùa. Tuy nhiên, nhờ những chính sách đầu tư, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, nhất là các chính sách về giữ gìn, bảo vệ và trồng rừng, cùng với đó là công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng của các cấp, các ngành đã giúp cho người dân trong bản hiểu biết và mạnh dạn tham gia nhận đất trồng rừng.

Anh Dương chia sẻ, năm 2016 nhờ có sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các cấp chính quyền, gia đình anh Dương mạnh dạn nhận và thu mua được khoảng 48 ha đất rừng để thực hiện mô hình trồng trẩu, bạch đàn, quế ….Đây là cây lâm nghiệp có ưu điểm vượt trội, bộ rễ khỏe ăn sâu giữ độ ẩm cho đất, không làm đất bạc màu, tốc độ sinh trưởng nhanh, khả năng sinh khối lớn, đặc điểm dễ tiêu thụ, giá bán gỗ thành phẩm cao hơn nhiều so với các loại gỗ khác nên năng suất và giá trị kinh tế cao gấp 3 lần so với cây trồng giống cũ trước đây. Đến kỳ khai thác, 1ha rừng trồng của gia đình anh Dương trừ hết chi phí lãi được 60 triệu đồng, nhờ tích cực trồng rừng kinh tế, gia đình anh đã thoát khỏi diện hộ nghèo của xã.

Từ hiệu quả trồng rừng của gia đình, anh đã tuyên truyền sâu rộng tới bà con trong vùng nắm bắt cơ hội, mạnh dạn chuyển đổi giống cây trồng, mục tiêu nhân rộng mô hình bạch đàn cao sản mang lại lợi ích kinh tế hiệu quả cao, tăng thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống.

cd1dbc02-00a6-4a3b-a95c-be4026734355.png
Xã đã chỉ đạo nhân dân đưa các loại cây lâm nghiệp có giá trị kinh tế cao như: keo, bồ đề, bạch đàn, quế... vào sản xuất.

Học hỏi mô hình trồng rừng, gia đình ông Đinh Công Lời xóm Cơi hiện đang trồng khoảng 25ha bồ đề và cây trẩu. Ông Lời phấn khởi nói, sau khi được chính quyền địa phương tuyên truyền, hỗ trợ gia đình tôi bắt tay vào làm kinh tế rừng, gia đình tôi chọn giống cây bồ đề và cây trẩu vì đây là loại cây thương phẩm có giá trị kinh tế cao và không mất nhiều công chăm sóc.

Ông Bùi Văn Phúc, Phó Chủ tịch UBND xã Nánh Nghê cho biết, là địa bàn có nhiều diện tích đất đồi, Đảng ủy, chính quyền xã đã xác định phát triển kinh tế lâm nghiệp là hướng đi chính. Xã đã chỉ đạo nhân dân đưa các loại cây lâm nghiệp có giá trị kinh tế cao như: keo, bồ đề, bạch đàn, quế... vào sản xuất. Những loại cây này dễ trồng, dễ chăm sóc và chu kỳ sinh trưởng ngắn, chỉ từ 5 năm đến 6 năm tuổi là có thể khai thác được. Từ việc tích cực phát triển rừng trồng, nhiều hộ dân trên địa bàn xã không chỉ có thu nhập ổn định mà đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

Để đẩy mạnh phát triển kinh tế, Đảng ủy, chính quyền xã Nánh Nghê tiếp tục tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân phát triển cây lâm nghiệp, nhân rộng các mô hình kinh tế rừng trồng hiệu quả. Thực hiện tốt việc tiêu thụ nguyên liệu gỗ rừng trồng đi đôi với trồng rừng mới bù lại diện tích đã khai thác nhằm tạo vùng nguyên liệu tập trung làm nền tảng cho việc phát triển kinh tế rừng bền vững.

Với sự hỗ trợ của Nhà nước, sự chủ động phát triển kinh tế của người dân, cuối năm 2023, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt trên 27 triệu đồng/người/năm, năm 2024 xã có kế hoạch giảm số hộ nghèo xuống dưới 38,28 %, nâng mức thu nhập bình quân đầu người lên trên 30 triệu đồng/người/năm. Với cách làm hiệu quả trong thời gian qua, cùng sự nỗ lực từ nhân dân trong công tác phát triển kinh tế, xã sẽ hoàn thành kế hoạch đề ra, góp phần xây dựng xã Nánh Nghê (Đà Bắc) đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2030.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hòa Bình: Xã Nánh Nghê giảm nghèo nhờ trồng rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO