Hòa Bình: Vì sao chậm cấp Giấy chứng nhận đất lâm nghiệp cho dân?

16/12/2018 14:05

(TN&MT) - Hiện tại tỉnh Hòa Bình còn hàng chục ngàn hộ dân đang canh tác trên đất chưa được cấp sổ (Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất). Hệ lụy của việc này là làm nảy sinh các vụ tranh chấp đất đai, người dân không yên tâm sản xuất. Điều này cũng ảnh hưởng trực tiếp đến lộ trình giảm nghèo bền vững trên địa bàn. Trên 45.900 hộ dân vẫn ngóng chờ…  bìa đất

Đó là số liệu được Sở Tài nguyên& Môi trường tỉnh cung cấp qua báo cáo kết quả thực hiện Thiết kế kỹ thuật- Dự toán lập bản đồ địa chính 1/10.000 và hồ sơ địa chính cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp (GCNQSDĐLN) trên địa bàn tỉnh. Tháng 4/2006 Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định 672 về việc phê duyệt dự án thành lập bản đồ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho 8 tỉnh miền núi phía Bắc, duyên hải Bắc trung bộ và 9 tỉnh duyên hải miền Trung, Đông Nam Bộ.

dt 81220181732 img 4784
Đẩy nhanh tiến độ đo đạc, in và cấp giấy chứng nhận đất lâm nghiệp cho dân là nhiệm vụ cấp thiết, góp phần phát triển KT - XH của tỉnh.

Hòa Bình là một trong 8 tỉnh miền núi phía Bắc được tham gia dự án (sau đây gọi tắt là dự án 672). Thực hiện dự án này, tháng 1/2007, UBND tỉnh Hòa Bình đã ban hành Quyết định số 127, về việc phê duyệt thiết kế kỹ thuật- Dự toán thành lập bản đồ địa chính 1/10.000 và hồ sơ địa chính cấp GCNQSDĐLN tỉnh Hòa Bình.

Có nghĩa là, công việc thiết kế, đo đạc được lập kế hoạch, triển khai từ đây, đến tháng 4/2009 thì hoàn thành công đoạn đo đạc, lập bản đồ địa chính đất lâm nghiệp tỷ lệ 1/10.000 trên địa bàn toàn tỉnh.

Đến tháng 6/2011, hoàn thành công đoạn giao đất, lập hồ sơ địa chính, cấp GCNQSDĐLN của dự án (tháng 9/2013, UBND tỉnh đã có văn bản số 942, về việc triển khai cấp GCN đồng loạt đến tận tay hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất).

IMG 2773
Đất lâm nghiệp được giao cho dân quản lý, sẽ phát huy hiệu quả kinh tế, bảo vệ rừng xanh tốt.

Theo đó, đến tháng 12/2013, Sở Tài nguyên môi trường đã thực hiện thanh lý, nghiệm thu, bàn giao sản phẩm của dự án. Lúc này, Sở Tài nguyên& Môi trường đã hoàn thiện hồ sơ và cấp GCNQSDĐLN cho 131.762 hộ gia đình, cá nhân , trong đó cấp mới 69.476 giấy và cấp đổi 62.286 giấy. Còn 12.056 GCNQSDĐLN chưa cấp.  Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự vương mắc, chậm trễ: GCN in sai họ, tên, địa chỉ, thông tin người sử dụng đất; GCN cấp cho nhiều thửa đất nhưng không thể hiện nội dung địa chính trên GCN; diện tích, ranh giới, vị trí thửa đất  trên bản đồ GCN sai lệch so với hiện trạng sử dụng đất…

Trong số 131.762 GCN đã cấp có 33.902 GCN, bằng 25,75% số lượng giấy đã ký cấp nhưng còn tồn ở Chi nhánh Văn phòng đất đai các huyện, thành phố; 1.824 giấy tồn ở UBND các xã (chiếm 1,39%); 20.042 giấy (chiếm 15,22%) UBND huyện chưa ký và 4.465 giấy sai sót cần chỉnh sửa, đính chính (chiếm 3,39%) … chưa trao đến tay người dân.  Như vậy, tính sơ bộ đến tháng 10/2018 vẫn còn trên 45.900 hộ gia đình, cá nhân trên toàn tỉnh đang phải ngóng… GCNQSDĐLN.

 Vì đâu nên nỗi (!?)

Nguyên nhân dẫn đến việc chậm cấp GCNQSDĐLN cho dân được xác định rõ là do sai sót từ khâu đo đạc đến lập hồ sơ và in GCN. Qua kiểm tra, rà soát những sai sót trong lập hồ sơ và cấp GNNQSDĐLN (theo dự án 672), ông Trần Đức Thắng, Phó giám đốc Sở Tài nguyên&Môi trường phân tích rõ những nguyên nhân dẫn đến sai sót đó là: Do yêu cầu của thiết kế kỹ thuật- dự toán cho phép Dự án 672 đã sử dụng tài liệu bản đồ bay chụp hàng không, kết hợp điều tra khoanh, vẽ đo đạc bổ sung thực địa để thành lập bản đồ địa chính nên bản đồ có độ chính xác không cao (sai số cho phép từ 5-7mét). Thời gian thực hiện dự án kéo dài trong khi các quy định, quy phạm về đất đai của nhà nước thường xuyên thay đổi gây khó khăn trong việc quản lý, thực hiện dự án. Do dự toán kinh phí cho công đoạn thiết kế kỹ thuật thấp, khi thực hiện khối lượng công việc vượt hơn thiết kế kỹ thuật- dự toán nên các đơn vị thi công không đủ kinh phí thực hiện. 

IMG 2774
Phát triển kinh tế rừng, giúp người dân ổn định cuộc sống và bảo vệ rừng.

Nguyên nhân chủ quan được xác định là do công tác đo đạc ở địa phương chưa được phối hợp chặt chẽ. Một số hộ dân đi làm ăn xa, hoặc đang thế chấp GCNQSDĐ cũ (cấp theo Nghị định 02/CP tại ngân hàng) gây khó khăn trong công tác quy chủ dẫn đến việc kê khai, đăng ký chưa đồng bộ. Khối lượng GCN lớn, công tác xét duyệt hồ sơ đăng ký , ký cấp GCN của các huyện, thành phố còn chậm làm kéo dài thời gian. Trong khi đó, ngoài thực địa thường xuyên biến động (do tách thửa, mua bán, chuyển nhượng, cho, tặng, thừa kế…) nên một số GCN không còn đúng so với hình thửa so với hiện trạng sử dụng đất. Bên cạnh đó, quá trình đo đạc, lập hồ sơ cấp GCNQSDĐ còn xảy ra tình trạng cấp trùng vào đất của Công ty lâm nghiệp (lý do: tại thời điểm thực hiện dự án, Công ty lâm nghiệp chưa thực hiện rà soát, xác định diện tích, ranh giới đất đề nghị giữ lại diện tích đất tranh chấp không còn nhu cầu sử dụng trả lại cho địa phương quản lý). Theo đại diện Sở Tài Nguyên & Môi trường- cơ quan quản lý nhà nước về đất đai và cũng là chủ đầu tư Dự án 672 thì đó là những nguyên nhân cơ bản dẫn đến sai sót cho những tấm “bìa”- GCNQSDĐ. Và vì còn quá nhiều GCN bị sai sót dẫn đến chậm tiến độ cấp GCNQSDĐ cho dân.

Đẩy nhanh tiến độ đo đạc, in và cấp giấy chứng nhận đất lâm nghiệp cho dân là nhiệm vụ cấp thiết, góp phần phát triển KT - XH của tỉnh. Thiết nghĩ, cơ quan chức năng tỉnh Hòa Bình cần khẩn trương có giải pháp tháo gỡ vướng mắc, sớm hoàn thiện các thủ tục để cấp bìa đất lâm nghiệp cho dân quản lý, sử dụng, phục vụ phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hòa Bình: Vì sao chậm cấp Giấy chứng nhận đất lâm nghiệp cho dân?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO