Tài nguyên nước

Hòa Bình: Tập trung các giải pháp bảo vệ nguồn nước

Bảo Hà 03/04/2024 - 16:33

(TN&MT) - UBND tỉnh Hòa Bình mong muốn sự quan tâm, chung tay của cộng đồng trong việc nhận thức được sự quan trọng của tài nguyên nước đối với mỗi gia đình, sinh kế, tập quán văn hóa, môi trường sống của con người. Bằng các giá trị của nước đem lại, đưa ra các giải pháp hiệu quả để quản lý, bảo vệ nguồn nước, tài nguyên nước hiệu quả.

9779-1704947544-hoa-binh-bao-ve-nguon-nuoc.jpg
Tài nguyên nước đang bị đe dọa nghiêm trọng do dân số tăng nhanh, nhu cầu càng ngày càng lớn cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu.

Theo Quy hoạch phân bổ và bảo vệ tài nguyên nước tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2011 - 2020, định hướng đến năm 2025, nguồn nước mặt chủ yếu từ các lưu vực sông chính như: sông Đà, sông Bôi, sông Bưởi, sông Bùi chảy qua địa bàn tỉnh và 544 hồ chứa thủy lợi, khoảng 1.300 ha ao, hồ nhỏ.

Trong đó, có 41 hồ chứa dung tích lớn hơn 1 triệu m3 và 12 hồ chứa thủy điện; trong đó hồ chứa thủy điện Hòa Bình có dung tích lớn nhất là 9,862 tỷ m3, ngoài nhiệm vụ cung cấp nước cho nhà máy thuỷ điện Hoà Bình, hồ còn có nhiệm vụ điều tiết nước để phòng chống lũ lụt và cung cấp tài nguyên nước cho vùng đồng bằng sông Hồng.

Đối với tài nguyên nước dưới đất trên địa bàn tỉnh phân bố không đồng đều và khá đa dạng, với 21 tầng chứa nước có khả năng cung cấp nước sinh hoạt cho dân cư trên toàn tỉnh. Trong đó, có 7 tầng chứa có chất lượng, trữ lượng bảo đảm cho khai thác lưu lượng lớn cấp nước cho khu dân cư, khu công nghiệp, các tầng chứa giàu nước chủ yếu phân bố ở vùng ven sông, suối, vùng đất thấp, bằng phẳng hoặc trong các thung lũng, còn lại các vùng núi cao, độ dốc lớn là các tầng chứa nghèo, nước thường xuất hiện mạch lộ thiên với lưu lượng nhỏ và biến đổi theo mùa.

Hiện nay, việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước phục vụ cho sinh hoạt đô thị kết hợp với sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hòa Bình ngày càng tăng cao. Trong năm 2023, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu trình UBND tỉnh cấp 9 giấy phép khai thác, sử dụng nước, cấp 4 giấy phép thăm dò theo thẩm quyền và trình UBND tỉnh phê duyệt tính tiền cấp quyền khai thác, sử dụng nước cho 6 dự án.

Theo ông Nguyễn Văn Ngọc, Trưởng phòng Tài nguyên nước và khí tượng thủy văn, Sở TN&MT tỉnh Hòa Bình cho biết, với nguồn lực tài nguyên nước đã góp phần đảm bảo cung cấp nước sinh hoạt, nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp, phục vụ sản xuất điện, nuôi trồng và phát triển thủy sản. Ngoài ra, còn góp phần thúc đẩy phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch nghỉ dưỡng.

Cùng với đó, Hòa Bình luôn quan tâm thực hiện các giải pháp quản lý, bảo vệ tài nguyên nước, tăng cường hoạt động quản lý xả nước thải vào nguồn nước trên địa bàn tỉnh và có các biện pháp quản lý, giám sát khai thác, sử dụng tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh.

Đến nay, UBND tỉnh Hòa Bình đã Phê duyệt Danh mục các nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ và cải tạo, phục hồi trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường lập Danh mục các hồ, ao, đầm, phá không được san lấp những Danh mục và Bản đồ phân vùng hạn chế, khu vực phải đăng ký nước dưới đất, kiểm kê tài nguyên nước và đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải của các sông, hồ là nguồn nước nội tỉnh.

bai-viet-bao-ve-nguon-nuoc-tu-nhung-hanh-dong-nho-moi-ngay-01.png
Hè năm 2024 được dự báo tiếp tục nắng nóng sẽ đến sớm, số đợt nắng nóng có thể xuất hiện nhiều hơn trung bình nhiều năm, mức độ nắng nóng cũng gay gắt hơn.

Đồng thời, đề xuất giải pháp quản lý, bảo vệ tài nguyên nước, điều tra, đánh giá hiện trạng, đề xuất giải pháp quản lý hoạt động xả nước thải vào nguồn nước, xây dựng hệ thống quản lý, giám sát khai thác, sử dụng tài nguyên nước. Điều tra, xác định dòng chảy tối thiểu của hệ thống sông, suối nội tỉnh, xây dựng cơ sở dữ liệu khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu, quy định mực nước tương ứng với các cấp báo động lũ tại các trạm quan trắc tài nguyên nước mặt trên các sông, thực hiện kế hoạch triển khai Luật Tài nguyên nước năm 2023, điều tra cơ bản Tài nguyên nước nội tỉnh.

Tuy nhiên, theo đánh giá của ngành Tài nguyên và Môi trường, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu cùng với quá trình phát triển kinh tế - xã hội, trong đó quy hoạch phát triển đô thị chưa có sự xem xét thấu đáo đến quản lý tài nguyên nước, việc quy hoạch sử dụng tiềm năng đất đai, rừng, khoáng sản chưa có hiệu quả; sản xuất nông nghiệp xây dựng nhà lưới, nhà kính, xây dựng công trình kết cấu hạ tầng… làm suy giảm mạch nước ngầm, mất cân bằng sinh thái, đe dọa môi trường nước.

Bên cạnh đó, ý thức bảo vệ tài nguyên nước, tăng nguồn thủy sinh còn thấp, tình trạng sử dụng tài nguyên nước lãng phí còn diễn ra. Việc khai thác nước dưới đất quá mức, thậm chí khoan xuyên qua tầng chứa nước gây hậu quả mực nước dưới đất hàng năm bị hạ thấp vẫn diễn ra và tăng về quy mô ở một số nơi.

Điển hình như mùa khô năm 2023 đã cho thấy hạn hán nặng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống nhân dân. Theo báo cáo, trong đợt hạn nặng hầu hết các hồ chứa trên địa bàn tỉnh mực nước xuống thấp báo động, dòng sông Đà cạn kỷ lục khiến sản lượng điện giảm nghiêm trọng. Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia nhận định mùa Hè năm 2024 được dự báo tiếp tục nắng nóng sẽ đến sớm, số đợt nắng nóng có thể xuất hiện nhiều hơn trung bình nhiều năm, mức độ nắng nóng cũng gay gắt hơn, nhiều kỷ lục nhiệt độ có thể được thiết lập.

Vì vậy, nhu cầu dùng nước ngày càng cao, hiểm họa từ nước ngày càng nhiều, thách thức về nước ngày càng lớn, cần có những giải pháp thiết thực, cơ bản, hiệu quả hơn trong quản lý, khai thác, sử dụng và bảo vệ nguồn nước, tập trung tuyên truyền, xây dựng mô hình ứng phó với biến đổi khí hậu, thay đổi nhận thức của người dân, phòng chống thiên tai, quản lý tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường, cải tạo và xây dựng các công trình thu giữ, tích trữ nước, nạo vét lòng hồ tạo nguồn nước của các hồ chứa.

Tỉnh cũng sẽ tiến hành cải tạo, nâng cấp các hệ thống thu gom chất thải, xử lý rác thải và thoát nước trong đô thị, lập hành lang bảo vệ nguồn nước, khoanh định vùng bảo hộ vệ sinh, vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất, nghiên cứu để giảm nhu cầu nước tưới trong nông nghiệp. Ngoài ra, áp dụng công nghệ mới, tái sử dụng nước, tập trung xử lý nước thải, rác thải, ứng dụng sản xuất nông nghiệp hữu cơ, sử dụng phân, thuốc, chế phẩm sinh học góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hòa Bình: Tập trung các giải pháp bảo vệ nguồn nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO