Hộ anh Bùi Văn Kiên ở xóm Đanh là 1 trong 32 hộ dân ở xã Tuân Đạo nằm trong khu vực có nguy cơ sạt lở phải di dời. Anh Kiên cho biết: Những trận mưa liên tiếp làm xuất hiện những vết nứt ở quả đồi sau nhà, gia đình tôi rất lo lắng nên đã chuyển đồ đạc đến ở nhờ nhà người thân và được các lực lượng chức năng của huyện của xã đến giúp đỡ dỡ nhà di chuyển đến khu tái định cư của xã.
Được biết, Tuân Đạo là điểm nóng của huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình về tình trạng sụt lún sạt lở. Sau trận mưa lớn kéo dài, xã Tuân Đạo có 32 hộ có nguy cơ cao sạt lở, đá lăn, mất an toàn phải di dời ước thiệt hại 920 triệu đồng. Trong đó, xóm Nạc phải di dời 17 hộ đã tháo dỡ được 12 hộ, xóm Rài phải di dời 6 hộ, xóm Đanh đã tháo dỡ được 9 hộ. Vì quỹ đất của xã khó khăn nên xã vận động các hộ tự đổi đất cho nhau cho nhau để dựng nhà ở, hiện xã đã bố trí được khu tái định cư cho các hộ và bố trí trực lực lượng cơ động ở các khu vực nguy hiểm, hỗ trợ bà con di rời về nơi an toàn. Đồng thời, từ nguồn quỹ cứu trợ của tỉnh đã hỗ trợ 640 triệu đồng cho 32 hộ xã Tuân Đạo với số tiền 20 triệu đồng/hộ để dựng nhà tạm.
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy PCTT và TKCN huyện Lạc Sơn, chỉ ước tính thiệt hại do bão số 3 và mưa lớn trên địa bàn huyện khoảng 5,8 tỷ đồng; cơn bão số 4 mới đây lại gây thiệt hại nhiều tài sản và hoa màu. Trong đó, có 33 hộ dân có nguy cơ cao sạt lở, đá lăn, mất an toàn phải di dời ước thiệt hại 920 triệu đồng; thiệt hại về thủy lợi chủ yếu là công trình hồ đập, kênh mương, trạm bơm dã chiến, bai tạm... ước tính 1.820 triệu đồng; thiệt hại về giao thông khoảng 700 triệu đồng; thiệt hại về lúa, hoa màu, cây trồng khác khoảng 1.646 triệu đồng; một số công trình trường học bị tốc mái, xập tường rào, nhà bếp xập, hệ thống điện hư hỏng thiệt hại khoảng 500 triệu đồng.
Đồng chí Nguyễn Huy Nhuận, Phó Chủ tịch UBND huyện Lạc Sơn cho biết: Từ ngày 13/7 đến 3/8, UBND huyện đã ban hành 6 công điện và các văn bản chỉ đạo đến Thủ trưởng các cơ quan, Chủ tịch UBND các xã, thị trấn trực ban nghiêm túc 24/24, rà soát lại tất cả các khu vực trọng điểm có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất kiểm tra các khu dân cư ở ven sông, suối, hạ lưu các hồ, đập, vùng ven sông suối, khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ quét, nhà ở không an toàn để chủ động sơ tán dân đến nơi an toàn, đặc biệt khu vực đã có nguy cơ sảy ra sạt lở từ những năm trước.
Phát huy tinh thần "bốn tại chỗ", các địa phương đã huy động lực lượng và vật tư, phương tiện tại chỗ để cứu người, cứu tài sản, vật nuôi cũng như bảo đảm an toàn các hồ đập, hạn chế thiệt hại do mưa lũ sau bão gây ra. Huyện cũng đưa ra các giải pháp cụ thể để khắc phục những khẩu quả do thiên tai gây ra. Các hộ dân có nguy cơ cao về sạt lở đất, đá lăn đến nơi ở an toàn, huyện đã giao cho cơ quan Văn phòng Ban chỉ huy PCTT và TKCN phối hợp với các lực lượng công an, quân sự và chính quyền xã Tuân Đạo, tổ chức lực lượng giúp đỡ các hộ dân di dời và dựng lại nhà cửa cho người dân đảm bảo ổn định đời sống. Đối với các điểm sạt lở, đá lăn đã huy động máy móc để xử lý nguy cơ cao mất an toàn do đá lăn. Phòng Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với các cơ quan liên quan và Ủy ban nhân dân xã Tuân Đạo tiến hành đo đạc lập hồ sơ giao đất, hoàn thiện thủ tục để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định cho các hộ.
UBND huyện đã chỉ đạo UBND các xã, thị trấn tăng cường kiểm tra các công trình thủy lợi sau mưa lũ, đôn đốc các xóm khơi thông các kênh mương bị vùi lấp, xử lý khắc phục các hư hỏng nhỏ để bảo đảm phục vụ sản xuất, tiếp tục rà soát kiểm tra các công trình hồ đập phát hiện các sự cố để khắc phục đảm bảo an toàn hồ đập. Tổ chức nạo vét đất, đá ở các tuyến giao thông liên xã, liên xóm đảm bảo giao thông thông xuất. Tăng cường đảm bảo an toàn công trình thủy lợi và phòng chống ngập úng cho cây trồng, đề phòng mưa lớn do ảnh hưởng của vùng áp thấp.
Đồng thời kiểm tra các chi, điểm trường để khắc phục duy tu bảo dưỡng các hạng mục công trình, sẵn sàng đón học sinh tựu trường và chuẩn bị tốt cho lễ khai giảng năm học 2018-2019. Bên cạnh đó, tiếp tục kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ trượt lở đất để chủ động sơ tán, di dời dân cư đảm bảo an toàn; tăng cường tuyên truyền, cảnh báo, hướng dẫn người dân chủ động phòng ngừa; rà soát, kiểm tra, vận hành đảm bảo an toàn hồ đập; khắc phục nhanh các sự cố sạt lở, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính.
UBND huyện Lạc Sơn đề xuất UBND tỉnh hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng khu di dời khẩn cấp do ảnh hưởng của sạt lở đất, đá lăn trên địa bàn xã Tuân Đạo với kinh phí 14,995 tỷ đồng; sửa chữa các công trình thủy lợi, giao thông với tổng số tiền là 72 tỷ đồng và hỗ trợ đầu tư xây dựng các công trình Trường học, trạm y tế, điện, nước sinh hoạt với tổng kinh phí khoảng 45 tỷ đồng.