Hòa Bình: Cần tháo gỡ  vướng mắc Chương trình nước sạch nông thôn

01/09/2018 10:34

(TN&MT) - Hòa Bình là 1/21 tỉnh cam kết tham gia “Chương trình mở rộng quy mô nước sạch vệ sinh nông thôn (chương trình)” dựa trên kết quả đầu ra vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB). Tuy nhiên việc triển chương trình đang rất chậm, có nhiều vướng mắc về nguồn vốn và cơ chế.   

Thiếu vốn, tiến độ chậm
 

Chương trình mở rộng quy mô nước sạch vệ sinh nông thôn dự trên kết quả đầu ra vốn vay Ngân hàng Thế giới được triển khai tại tỉnh Hòa Bình từ năm 2016 – 2020 chia làm 3 hợp phần, gồm: Hợp phần 1 là cấp nước nông thôn, tổng kinh phí 9,6 triệu USD; hơp phần 2 cấp nước và vệ sinh cho các trường học, kinh phí 1,3 triệu USD; hợp phần 3 nâng cao năng lực, truyền thông, giám sát đánh giá chương trình kinh phí hơn 978000 USD.

a
Xã Hang Kia Mai Châu được đầu tư bể nước, người dân được phục vụ nhu cầu nước sinh hoạt đảm bảo vệ sinh.


Mỗi hợp phần chia thành các hợp phần nhỏ đan xen, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở chức năng là Sở NN&PTNT, Sở Y tế, Sở GD-ĐT. Tổng nhu cầu vốn thực hiện chương trình là 271,9 tỷ đồng, trong đó vốn WB là 249,2 tỷ đồng, vốn đối ứng ngân sách địa phương 22,6 tỷ đồng.
 

Do không có vốn triển khai nên tiến độ rất chậm. Đối với Sở NN&PTNT tỉnh Hòa Bình, từ năm 2017 đến nay đã tổ chức lựa chọn nhà thầu tư vấn lập báo cáo kinh tế kỹ thuật được 5 công trình, 2 nhà thầu tư vấn lập báo cáo nghiên cứu khả thi và đang tiếp tục thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư cho các công trình còn lại. Tuy nhiên, do chưa được bố trí vốn nên công trình chưa đủ điều kiện phê duyệt để thực hiện các bước tiếp theo.
 

Trong 2 năm 2017 - 2018, không có đấu nối để kiểm đếm theo kế hoạch được giao. Trong ba năm ( 2016-2018) có 36 xã đăng ký vệ sinh toàn xã nhưng không có kinh phí, không được phép chuyển nguồn qua các năm. Năm 2018 được bố trí khoảng 300 triệu đồng, đạt 6% kế hoạch vốn, không có khả năng thực hiện bảo đảm danh sách vệ sinh toàn xã, không đạt các chỉ số phục vụ cho kiểm đếm và kiểm toán, không thể đạt được yêu cầu nhằm bảo đảm chỉ số đầu ra của chương trình.
 

Đối với Sở GD-ĐT Hòa Bình đã phối hợp lựa chọn 96 danh mục theo quy định của chương trình và tổ chức triển mhai công tác tuyên truyến đến các trường học với kinh phí 26,1 tỷ đồng, nhưng hiện chưa có kinh phí.
 

Sở NN&PTNT tỉnh Hòa Bình, cơ quan thường trực chương trình cho biết: Vướng mắc chủ yếu dẫn đến tiến độ triển khai chương trình rất chậm là do chưa được bố trí vốn nên chưa triển khai được các nội dung của chương trình.
 

Cần tháo gỡ vướng mắc, phục vụ đời sống dân sinh
 

Theo cơ chế tài chính của chương trình đối với tiểu hợp phần (cấp nước cho cộng đồng dân cư), nguồn vốn của WB tài trợ 90% chi phía xây dựng công trình. Trong đó 80% được ngân sách TƯ hỗ trợ có mục tiêu cho ngân sách tỉnh; 10% do UBND tỉnh vay lại từ Chính phủ theo các điều kiện quy định tại Nghị định 78/2010/NĐ-CP ngày 12/7/2010 của Chính phủ về cho vạy lại nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ. UBND tỉnh bố trí 10% vốn đối ứng từ nguốn ngân sách địa phương, vốn huy động của dân và các nguồn vốn khác để xây dựng công trình.
 

Tuy nhiên Bộ Tài chính  thông báo mức dư nợ vay của tỉnh đã vượt quá hạn mức cho phép. Chương trình chưa ký được hợp đồng vay lại nên không rút được vốn để phân bổ cho tỉnh, không triển khai được. Chính vì vậy năm 2016 - 2017 nguồn vốn không được phân bổ, nên không có kinh phí để triển khai các hoạt động về sự nghiệp, các công trình đầu tư phát triển. Kinh phí phân bổ theo quyết định 1150/QĐ-UBND ngày 3/72017 của UBND tỉnh thấp, kinh phí hoạt động sự nghiệp quá thấp, tỷ lệ cơ cấu nguồn vốn phân bổ không dự trên cơ sở phục vụ bảo đảm danh sách xã vệ sinh toàn xã nhằm bảo đảm chỉ số đầu tư và thanh quyết toán vốn đầu tư theo cơ chế của chương trình. 
 

Năm 2018, nguồn vốn được phân bổ thấp so với kế hoạch được UBND tỉnh phê duyệt, đặc biệt đối với ngành Giáo dục và ngành Y tế không đủ để thực hiện kế hoạch cho vệ sinh toàn xã. Nếu thời gian này mà hợp đồng  vẫn chưa được ký kết thì thủ tục rút vốn cũng không thực hiện được và nếu hợp đồng được ký vào cuối quý III/2018 thì thủ tục rút vốn muộn, các sở không đủ thời gian để triển khai các thu tục đầu tư theo quy định, hoặc triển khai nhưng không có khối lượng giải ngân.
 

Nhằm tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ triển khai chương trình, Cơ quan thường trực đã kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành hoàn thiện thủ tục ký kết hợp đồng vay lại giữa UBND tỉnh với Bộ Tài chính để thực hiện rút vốn kế hoạch năm 2018; cân đối các nguồn lực tài chính bố trí vốn đối ứng của tỉnh cho phần đầu tư phát triển theo kế hoạch từng năm của chương trình.
 

Chương trình mở rộng quy mô nước sạch vệ sinh nông thôn dự trên kết quả đầu ra vốn vay ngân hàng thế giới có ý nghĩa nhân văn cao cả, thể hiện sự quan tâm đến đời sống đồng bào các dân tộc trên địa bàn. Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần chung tay tháo gỡ vướng mắc, để Chương trình sớm hoàn thành, phục vụ nâng cao đời sống nhân dân.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hòa Bình: Cần tháo gỡ  vướng mắc Chương trình nước sạch nông thôn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO