Lễ hội cam lần thứ 8: Tôn vinh người trồng cam
Để chuẩn bị cho việc tổ chức Lễ hội cam lần thứ 8 của tỉnh Hòa Bình diễn ra tại huyện Cao Phong vào ngày 6/12. Đến nay, công tác chuẩn bị đang được địa phương gấp rút triển khai, nhằm đảm bảo có một mùa Lễ hội thực sự vì người nông dân trồng cam, trồng cây có múi trong mỗi mùa quả chín.
Trao đổi với PV Báo Tài nguyên và Môi trường, ông Vũ Đình Bằng, Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Cao Phong, cho biết: Theo kế hoạch, đầu tháng 12 sẽ tổ chức Lễ hội. Do thời gian gấp rút nên các phòng ban của huyện phối hợp cùng Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại – Du lịch tỉnh Hòa Bình cùng phối hợp triển khai. Lấy mục tiêu vì sự phát triển kinh tế, du lịch… nên các công tác triển khai được chuẩn bị chu đáo. Ngoài việc tổ chức Lễ hội tại sân vận động huyện, du khách tham gia có thể xuống trực tiếp tham quan các vườn cam, nương cam đang chín mọng ở các xã của huyện Cao Phong.
Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Hòa Bình, cho biết: Thực hiện Kế hoạch số 142/KH-UBND ngày 28/6/2024 của UBND tỉnh Hòa Bình về việc tổ chức các Chương trình Phiên chợ vùng cao, Hội chợ, Tuần lễ giới thiệu sản phẩm của tỉnh Hòa Bình năm 2024. Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch phối hợp với UBND huyện Cao Phong tổ chức Hội chợ Thương mại - Du lịch và Lễ hội cam Cao Phong lần thứ 8 năm 2024 với quy mô khoảng trên 100 gian hàng nhằm trưng bày, quảng bá, bán các sản phẩm địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, sản phẩm của các doanh nghiệp, HTX thương mại trong và ngoài tỉnh gắn với quảng bá du lịch huyện Cao Phong. Các đêm có biểu diễn các tiết mục ca nhạc, văn nghệ, không bán vé…
Được biết, huyện Cao Phong có điều kiện phù hợp để phát triển mạnh các loại cây ăn quả có múi (CAQCM), trong đó chủ lực là cây cam. Hiện nay, tổng diện tích CAQCM toàn huyện đạt trên 1.700ha, trong đó có trên 1.300 ha cam. Nhìn chung, cam cũng như các loại CAQCM của huyện được trồng bằng các loại giống có năng suất, chất lượng cao, chăm sóc theo quy trình tiêu chuẩn VietGAP, đảm bảo chất lượng VSATTP, rất được thị trường ưa chuộng. Được biết, năm 2014, cam Cao Phong trở thành sản phẩm nông nghiệp đầu tiên của tỉnh được cấp bằng bảo hộ Chỉ dẫn địa lý. Năm 2016, sản phẩm vinh dự nằm trong "Top 10 thương hiệu, nhãn hiệu nổi tiếng” và được cấp chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chí sản phẩm nông nghiệp nổi tiếng Việt Nam.
Với chất lượng đã được khẳng định, cam Cao Phong có mặt ở nhiều hệ thống siêu thị lớn, được đông đảo người tiêu dùng lựa chọn. Lễ hội và hội chợ năm nay có 100 gian hàng trưng bày và bán các loại sản phẩm cam, quýt, bưởi, các sản phẩm OCOP của huyện, các sản phẩm nông lâm thủy sản, thủ công mỹ nghệ, ẩm thực của các xã, thị trấn, hợp tác xã, cơ sở sản xuất trong huyện.
Đặc biệt, điểm mới của sự kiện là các hoạt động giao lưu văn hóa, thể thao và du lịch có tiêu đề "âm vang đất Mường” với các hoạt động mang đậm nét văn hóa truyền thống như: Trải nghiệm ẩm thực dân tộc, đốt lửa trại, các trò chơi dân gian, hát tiếng Mường, tham quan các điểm du lịch trên địa bàn huyện... Tất cả, nhằm quảng bá văn hóa truyền thống, đẩy mạnh phát triển du lịch của địa phương, đưa Cao Phong trở thành điểm đến hấp dẫn, lý tưởng đối với du khách trong và ngoài tỉnh Hòa Bình.