Hòa Bình: Báo cáo Chủ tịch tỉnh vụ bồi thường thu hồi đất của Công ty Nông sản Hòa Bình

01/02/2018 23:48

(TN&MT) – Ban tiếp công dân tỉnh Hòa Bình vừa đề nghị UBND TP. Hòa Bình; Công ty CP Nông sản thực phẩm Hòa Bình và các cơ quan liên quan kiểm tra, xem xét và...

(TN&MT) – Ban tiếp công dân tỉnh Hòa Bình vừa đề nghị UBND TP. Hòa Bình; Công ty CP Nông sản thực phẩm Hòa Bình và các cơ quan liên quan kiểm tra, xem xét và giải quyết việc bồi thường, hỗ trợ cho các hộ gia đình kinh doanh khi Nhà nước thu hồi đất, giải phóng mặt bằng thực hiện dự án.

Ngày 22/01, Phó Trưởng Ban tiếp công dân của UBND tỉnh Hòa Bình – ông Vũ Thế Cương đã ký Công văn gửi Chủ tịch UBND TP. Hòa Bình về việc giải quyết kiến nghị của 06 hộ dân cùng trú tại số 554, đường Cù Chính Lan, phường Đồng Tiến, TP. Hòa Bình.

Công văn nêu rõ, UBND tỉnh Hòa Bình nhận được đơn của 06 hộ dân tại số 554 đường Cù Chính Lan, phường Đồng Tiến, TP. Hòa Bình có nội dung: “Đề nghị xem xét, giải quyết đúng quy định của pháp luật trong việc bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất, giải phóng mặt bằng thực hiện dự án xây dựng Trung tâm thương mại, chỉnh trang đô thị”.

Về việc này, thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, Ban tiếp công dân tỉnh chuyển đơn đề nghị của 06 hộ dân đến Chủ tịch UBND TP. Hòa Bình để chủ trì phối hợp với Công ty CP nông sản thực phẩm Hòa Bình và các cơ quan liên quan để kiểm tra, xem xét, giải quyết theo đúng quy định pháp luật, trả lời công dân; báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh kết quả giải quyết.
Hòa Bình: Báo cáo Chủ tịch tỉnh vụ bồi thường thu hồi đất của Công ty Nông sản Hòa Bình
Ban tiếp công dân của UBND tỉnh Hòa Bình có văn bản đề nghị Chủ tịch TP. Hòa Bình giải quyết đơn thư của công dân.
Liên quan đến việc này, trao đổi với PV Báo Tài nguyên và Môi trường, các hộ dân cho biết, đến nay vẫn chưa có cơ quan nào đứng ra giải quyết sự việc. Hiện các hộ dân tỏ ra rất lo lắng và rất cần sự vào cuộc của các cơ quan để giải quyết dứt điểm quyền lợi hợp pháp của các hộ dân.

Trong khi đó, trao đổi với PV đại diện Công ty CP Nông sản thực phẩm Hòa Bình cho biết: “Công ty đã có văn bản gửi các hộ gia đình đến nhận tiền nhưng chưa thấy đến nhận”.

Trước đó, Báo Tài nguyên và Môi trường nhận được đơn thư kiến nghị của 06 hộ dân sinh sống tại phường Đồng Tiến, TP. Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình phản ánh về việc Công ty cổ phần Nông sản thực phẩm Hòa Bình thuê đất, đền bù tiền thuê đất cho các hộ dân không thỏa đáng và có nhiều uẩn khúc.

Trong đơn thư, một số người dân cho biết, năm 2012 và năm 2013, 06 hộ gia đình tại tổ 16, phường Đồng Tiến, TP. Hòa Bình có thuê nhà và đất của Công ty cổ phần Nông sản thực phẩm Hòa Bình để kinh doanh buôn bán với thời gian thuê là 35 năm (420 tháng) trả tiền 1 lần cho cả thời gian thuê, có hóa đơn thuê nhà (GTGT theo quy định của pháp luật), giá thuê đất là 78.400 đồng/m2 và đất phi nông nghiệp với giá 1.650 đồng/m2.
Hòa Bình: Báo cáo Chủ tịch tỉnh vụ bồi thường thu hồi đất của Công ty Nông sản Hòa Bình.
Tại khu đất Công ty cổ phần Nông sản thực phẩm Hòa Bình thuê để làm trụ sở làm việc tại phường Đồng Tiến, TP. Hòa Bình lại cho người dân thuê làm nơi kinh doanh buôn bán dịch vụ hàng hóa.
Điều đáng nói, đất mà các hộ dân thuê là đất làm trụ sở của công ty, tổng số tiền nộp để thuê đất trong 35 năm với số tiền lên tới hàng tỷ đồng. Cụ thể, hộ gia đình anh Nguyễn Anh Tư nộp 1.469.788.320 đồng; hộ anh Nguyễn Xuân Thông nộp 1.469.479.200 đồng; hộ anh Nghiêm Xuân Tuấn nộp 688.709.700 đồng; hộ anh Trần Ngọc Quyển nộp 688.709.700 đồng; hộ chị Đỗ Thị Hương Lan nộp 550.620.000 đồng và hộ chị Nguyễn Thị Hương nộp 573.326.600 đồng.

Chia sẻ với PV Báo Tài nguyên và Môi trường, anh Trần Ngọc Quyển cho biết, các hộ dân trên đang kinh doanh buôn bán ổn định, bất ngờ tháng 8/2017, UBND tỉnh Hòa Bình có quyết định thu hồi toàn bộ số lô đất trên để thực hiện dự án của tỉnh, trong khi các hộ dân đã bỏ ra số tiền không nhỏ để thuê đất.

“Chúng tôi đồng ý sẽ di dời khi Công ty cổ phần Nông sản thực phẩm Hòa Bình đền bù thỏa đáng cho chúng tôi. Mặc dù, UBND tỉnh Hòa Bình đã có phương án đền bù và công ty đã nhận tiền đền bù vào giữa tháng 11/2017. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn chây ỳ và cố tình làm khó dễ cho các hộ gia đình về việc đền bù cho các hộ dân chúng tôi, khiến chúng tôi hết sức bất bình và bức xúc”, anh Quyển nói.

“Gia đình chúng tôi phải đi vay lãi ngân hàng để thuê đất và nhà của công ty để kinh doanh, buôn bán với lãi suất khá cao. Mỗi tháng gia đình tôi phải trả cả chục triệu tiền lãi ngân hàng chứ không phải ít. Giờ công ty đã ký hợp đồng cho thuê 35 năm, nhưng thực tế chỉ cho thuê 4-5 năm thì khoản tiền lãi gia đình tôi phải chịu tất sao”, anh Quyển bức xúc.
Hòa Bình: Báo cáo Chủ tịch tỉnh vụ bồi thường thu hồi đất của Công ty Nông sản Hòa Bình
Công ty cổ phần Nông sản thực phẩm Hòa Bình.
Cũng theo phản ánh của các hộ dân, tổng số tiền thuế của 6 hộ gia đình là  430.553.301 đồng, phía công ty nhất trí sẽ hoàn trả lại cho các hộ khi Nhà nước hoàn thuế cho công ty. Nhưng điều người dân thắc mắc là không biết khi nào Nhà nước mới hoàn thuế, 5 năm hay 10 năm thậm chí là không biết bao giờ.

Trong đơn thư, các hộ dân bày tỏ mong muốn phía Công ty cổ phần nông sản thực phẩm Hòa Bình chi trả toàn bộ số tiền còn lại của thời gian thuê chưa sử dụng đã nộp và tính lãi khoản tiền đã nộp theo lãi suất ngân hàng tại thời điểm đã nộp tiền. Cùng với đó là trả số tiền được hoàn thuế cùng thời điểm trả các khoản tiền trên cho các hộ.

Ngoài ra, các hộ gia đình cũng mong muốn các cơ quan chức năng, UBND tỉnh Hòa Bình giúp đỡ, tạo điều kiện cho các hộ nhận tiền đền bù thỏa đáng, chi trả 100% các khoản phát sinh trong kiểm đếm của bên quỹ phát triển đất, hỗ trợ chế độ ngừng việc theo nhân khẩu và từng hộ, di chuyển cửa hàng và hỗ trợ thuê cửa hàng mới.

Để làm rõ những phản ánh của các hộ dân, PV Báo Tài nguyên và Môi trường đã liên hệ đặt lịch làm việc với các cơ quan chức năng, UBND tỉnh Hòa Bình. Tuy nhiên, đã hơn 1 tháng trôi qua, PV vẫn chưa nhận được phản hồi từ các đơn vị nói trên.

Báo TN&MT sẽ tiếp tục thông tin.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hòa Bình: Báo cáo Chủ tịch tỉnh vụ bồi thường thu hồi đất của Công ty Nông sản Hòa Bình
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO