Hiệu quả từ mô hình Tổ công nhân vì môi trường xanh
(TN&MT) - Sau hơn 1 năm triển khai mô hình Tổ công nhân vì môi trường xanh - tự quản về an ninh trật tự, tình hình an ninh trật tự trong công tác quản lý đô thị, bảo vệ môi trường, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thành phố Sơn La đã ghi nhận một số chuyển biến tích cực.
Tháng 7/2022, Công an Thành phố Sơn La và Công ty CP Môi trường và Dịch vụ đô thị triển khai ký kết quy chế phối hợp trong công tác giữ gìn an ninh trật tự và ra mắt Mô hình Tổ công nhân vì môi trường xanh - tự quản về an ninh trật tự.
Hiện nay, toàn thành phố có 11 tổ công nhân, 105 thành viên là cán bộ công nhân viên, người lao động Công ty CP Môi trường và dịch vụ đô thị Sơn La, có trách nhiệm tham gia phối hợp giữ gìn an ninh trật tự tại cơ sở, tăng cường đảm bảo an ninh trật tự trên các tuyến phố.
Do đặc thù công việc, hầu hết công nhân môi trường thường thu gom rác trên các tuyến đường, ngõ xóm vào ban đêm và sáng sớm, khoảng thời gian này lưu lượng và mật độ người tham gia giao thông ít, là thời điểm một số loại tội phạm lợi dụng, gia tăng hoạt động, do đó, các công nhân có thể nắm, phản ánh với lực lượng Công an tình hình an ninh trật tự về đêm.
Xuất phát từ thực tiễn đó, trong quy chế phối hợp quy định: Cán bộ công nhân khi thực hiện nhiệm vụ quản lý, chăm sóc cây xanh, vệ sinh đường phố, khu dân cư, nếu phát hiện các hoạt động tụ tập, gây rối trật tự công cộng, đua xe, trộm cắp tài sản phải kịp thời thông báo ngay cho các cơ quan chức năng triển khai các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn, xử lý các vụ việc.
Chị Đặng Hồng Thêm, Tổ trưởng tổ vệ sinh ngõ xóm, Xí nghiệp môi trường chia sẻ: Tổ chúng tôi có 30 công nhân phụ trách quét dọn, thu gom rác thải sinh hoạt trên địa bàn 7 phường và 5 xã trên địa bàn Thành phố. Thời gian làm việc từ 3 giờ 30 phút sáng đến 10 giờ trưa; chiều từ 15 giờ 30 phút đến 24 giờ.
Trong khi làm nhiệm vụ, khi phát hiện các hành vi gây rối trật tự công cộng, dấu hiệu hoặc các loại tội phạm, tệ nạn xã hội thì chúng tôi sẽ thông báo ngay cho Tổ trưởng hoặc gọi điện theo số điện thoại đường dây nóng cho Công an Thành phố để có biện pháp phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn, xử lý kịp thời, hiệu quả.
Theo lãnh đạo Công ty CP Môi trường và dịch vụ đô thị, đây là chủ trương hết sức thiết thực, 2 đơn vị đã thường xuyên tuyên truyền, trao đổi thông tin, nắm tình hình. Các vụ việc về ANTT trên địa bàn có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Công ty môi trường đô thị đã được 2 bên phối hợp khá nhịp nhàng và giải quyết tương đối kịp thời. Góp phần giảm thiểu các vi phạm pháp luật có liên quan trực tiếp đến công tác môi trường và cảnh quan đô thị.
Thời gian tới, Công an Thành phố và Công ty cổ phần Môi trường và Dịch vụ đô thị Sơn La sẽ tiếp tục phối hợp tuyên truyền, duy trì hiệu quả mô hình Tổ công nhân vì môi trường xanh - tự quản về ANTT.
Phát huy vai trò của CBCNV và các tổ chức đoàn thể, nhằm phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong công tác giữ gìn môi trường sống xanh sạch đẹp, phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội, đảm bảo an ninh trật tự, phục vụ tích cực sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trên địa bàn thành phố.
Qua hơn 1 năm triển khai, các Tổ môi trường đã kịp thời phản ánh, cung cấp nhiều thông tin có giá trị cho lực lượng công an. Điển hình như: Phát hiện, trình báo việc bị mất bánh xe dẫn hướng của các xe gom rác đẩy tay đặt tại các điểm tập kết rác thải sinh hoạt trên tuyến quốc lộ 279D qua địa phận xã Chiềng Xôm; mất tấm đan tại khu vực kè suối Nặm La, khu vực bản Hài, phường Chiềng An và khu vực đường Trường Chinh, tổ 4, phường Quyết Thắng;
Việc trộm cắp dây dẫn điện, bóng led, thanh nhôm gắn bóng led trang trí kè suối khu vực Quảng trường Tây Bắc; việc phương tiện tham gia giao thông đâm đổ cây xanh trên đường Lê Duẩn, đâm đổ chậu hoa khu kè suối; việc người dân tự ý chặt phá cây xanh…