Hiệu quả từ mô hình đồng quản lý bảo tồn biển tại Cù Lao Chàm
(TN&MT) - Chia sẻ quyền, trách nhiệm cho cộng đồng và các bên liên quan để quản lý, khai thác và phát triển sinh kế bền vững dựa trên nền tảng bảo tồn là phương thức đồng quản lý đang được áp dụng hiệu quả Tiểu khu Bãi Hương, Cù Lao Chàm, Hội An.
Bảo vệ và sử dụng hợp lý tài nguyên, bảo tồn đa dạng sinh học
Cộng đồng thôn Bãi Hương được UBND tỉnh Quảng Nam giao hơn 19 km2 phần đảo và diện tích mặt nước biển để tự đứng ra quản lý và khai thác từ năm 2011. Từ đó, Tiểu khu đồng quản lý bảo tồn biển thôn Bãi Hương ra đời với quy chế hoạt động cụ thể, cộng đồng nhân dân thôn là chủ thể quản lý, khai thác.
Hàng năm, Ban quản lý Tiểu khu Bãi Hương đã phối hợp với các đơn vị trên địa bàn xã Tân Hiệp tổ chức truyền thông, nâng cao nhận thức cho cộng đồng 15 xã/phường ven biển của tỉnh Quảng Nam có hoạt động khai thác thủy sản tại phạm vi Tiểu khu Bãi Hương. Đồng thời, vận động ngư dân địa phương bám biển, đa nghề, kiêm nghề theo từng mùa vụ để khai thác hợp lý trên cơ sở các quy định của chính quyền địa phương.
Bên cạnh đó, Ban quản lý cũng đã chủ trì và phối hợp với các lực lượng chức năng tại địa phương duy trì tổ chức khoảng 100 lượt tuần tra kiểm soát, theo dõi các phương tiện khai thác thủy sản trên biển nhằm ngăn chặn, phát hiện đối với các loại hình khai thác thủy sản trái quy định của pháp luật, khai thác bất hợp pháp trong phạm vi Tiểu khu Bãi Hương. Tham mưu các cấp quy định vùng khai thác thủy sản hợp lý, vùng hoạt động du lịch theo từng giai đoạn, từng mùa vụ để hài hòa giữa công tác bảo tồn và phát triển. Phối hợp với Ủy ban nhân dân xã Tân Hiệp và Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm tổ chức cho các hộ có nhu cầu khai thác thủy sản tại thôn Bãi Hương đăng ký khai thác, từ đó giám sát được cường lực, sản lượng, mùa vụ, chủng loại… thủy sản tại Tiểu khu Bãi Hương.
Để bảo tồn các hệ sinh thái biển, Ban quản lý Tiểu khu Bãi Hương đã đề xuất các đơn vị liên quan tổ chức đào tạo kỹ thuật lặn biển; tập huấn kỹ năng giám sát - phục hồi hệ sinh thái rạn san hô. Từ năm 2019 đến nay, Ban quản lý đã phục hồi được 4000 m2 rạn san hô và xây dựng 4 vườn ươm san hô cứng tại đây. Kết quả độ phủ san hô sống tại các vùng rạn trong Tiểu khu Bãi Hương có xu hướng tăng và ở mức độ tốt, tạo điều kiện môi trường thuận lợi cho sinh vật biển phát triển.
Tăng thu nhập dựa vào du lịch xanh
Bên cạnh đó, Ban quản lý Tiểu khu Bãi Hương thường xuyên nhắc nhở, kiểm tra phát hiện đối với người dân, du khách sử dụng túi ni-lông trên địa bàn. Từ năm 2018, Ban quản lý đã thực hiện mô hình “Cuộc họp không sử dụng chai nước nhựa dùng 1 lần”. Đồng thời, phối hợp với Ban dân chính và nhân dân thôn Bãi Hương duy trì định kỳ tổ chức dọn vệ sinh vào thứ 6 tuần cuối cùng của tháng. Qua đó góp phần nâng cao đời sống và ý thức cộng đồng về bảo vệ môi trường. Ban quản lý cũng phối hợp với Chi đoàn Thành niên, Chi hội Phụ nữ của thôn tổ chức giám sát và kiểm toán rác thải nhựa đại dương định kỳ 2 lần/năm, từ đó đề xuất nhiều giải pháp để giảm thiểu rác thải nhựa trên biển hiệu quả hơn.
Thông qua việc giữ gìn tốt cảnh quan, môi trường, hệ sinh thái, hình ảnh Tiểu khu đồng quản lý bảo tồn biển thôn Bãi Hương được du khách biết đến ngày càng nhiều, đặc biệt là du khách nước ngoài. Số lượng du khách đến tham quan và lưu trú tại Tiểu khu góp phần tăng thu nhập cho người dân nơi đây.
Ông Lê Vĩnh Thuận – Phó Giám đốc Ban quản lý Khu Bảo tồn Biển Cù Lao Chàm – Hội An cho biết: Toàn thôn có hơn 100 hộ với gần 400 nhân khẩu thì đã có đến 70% số hộ tham gia các loại hình dịch vụ du lịch. Cuối năm 2017, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 45 tiệu đồng/năm, dẫn đầu mức thu nhập cấp thôn cao nhất tỉnh Quảng Nam. Đến cuối năm 2018, thu nhập bình quân đầu người tại đây đã lên đến 49,1 triệu đồng người/năm. Năm 2020, thôn Bãi Hương 14 năm liền được công nhận là Thôn Văn Hóa. Hiện thôn không còn hộ nghèo, từ năm 2019 về trước, mỗi năm đón khoảng 300 nghìn lượt du khách. Hoạt động dịch vụ du lịch đều tuân thủ các nguyên tắc bảo tồn và phát triển các giá trị tài nguyên thiên nhiên, môi trường, đa dạng sinh học, văn hoá – lịch sử theo nguyên tắc đồng quản lý, đảm bảo phát triển bền vững.
Chị Lê Thị Hương - người dân ở Bãi Hương chia sẻ, vì nhận được những hiệu quả thực tế từ mô hình này, nên chị cũng như mọi người dân ngày càng tham gia tích cực hơn vào các hoạt động như giữ gìn môi trường, bảo vệ nguồn lợi của Tiểu khu. Có xanh, sạch, đẹp thì càng thu hút du khách đến tham quan, nhiều doanh nghiệp tìm đến đầu tư, cùng người dân tổ chức khai thác các tour, dịch vụ du lịch. Và cũng nhờ đó, thu nhập mọi người được cải thiện, bền vững hơn.
Việc áp dụng mô hình cộng đồng tham gia quản lý bảo tồn biển không chỉ mang lại sinh kế bền vững cho người dân mà còn góp phần quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường bền vững biển khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm.