Việc triển khai hình thức đấu giá đất bằng hình thức bỏ phiếu gián tiếp sau một thời gian triển khai bước đầu đã đem lại một số hiệu ứng tích cực như: An ninh trật tự được đảm bảo; khắc phục được tình trạng “cò mồi”, mang tính “xã hội đen” gây náo loạn ở các địa phương tổ chức đấu đất; người dân có nhu cầu mua đất thực sự đã mua được đất mình cần, góp phần làm giảm áp lực cho các địa phương. Tỷ lệ đấu giá vượt so với giá khởi điểm đạt cao (trung bình tăng 20 - 30%), tăng thu ngân sách Nhà nước; công tác thu đơn giản, tổ chức đấu giá đất đơn giản, nhanh gọn hơn đấu giá trực tiếp. Qua đó, thể hiện sự quan tâm vào cuộc giải quyết những vấn đề bức xúc của cấp ủy, chính quyền các cấp, tạo lòng tin trong nhân dân, sự công bằng, khách quan trong việc đấu giá đất trên địa bàn toàn tỉnh.
Đấu giá đất bằng hình thức bỏ phiếu gián tiếp bước đầu đã đem lại một số hiệu ứng tích. Ảnh: MH |
Theo báo cáo của nhiều Phòng TN&MT địa phương trên địa bàn, kết quả đấu giá đất theo hình thức gián tiếp có những chuyển biến tích cực. Đơn cử, UBND huyện Diễn Châu đã tổ chức được 17 cuộc đấu giá đất áp dụng hình thức bỏ phiếu gián tiếp. Tổng số lô đất trúng đấu giá là 337 lô; tổng số tiền theo giá khởi điểm là 168.472.340.080 đồng, tổng số tiền thu được theo giá trúng đấu giá là 208.805.529.887 đồng. Chênh lệch tăng lên so với giá khởi điểm là 40.333.189.807 đồng, tăng 24% so với giá khởi điểm.
Đấu giá đất bằng bỏ phiếu gián tiếp là hình thức có nhiều điểm nổi trội so với các hình thức cũ, đảm bảo việc bảo mật thông tin cho khách hàng, hạn chế sự can thiệp của các đối tượng “cò đấu giá” thông đồng, dìm giá, đảm bảo khách quan, công bằng, giúp người dân có nhu cầu thực sự mua được tài sản, giảm thất thoát giá trị tài sản. Tuy vậy, trong quá trình triển khai thực hiện hình thức này đối với đấu giá quyền sử dụng đất và tài sản khác còn một số vấn đề cần lưu ý trong quá trình thực hiện.
Cụ thể, đối với thời gian nộp hồ sơ đăng ký tham gia đấu giá và thời gian nộp tiền đặt trước. Theo Khoản 2, Điều 38 và Khoản 2, Điều 39, Luật Đấu giá tài sản, tại thời điểm hết hạn tiếp nhận hồ sơ đăng ký tham gia đấu giá, người đăng ký vẫn có thể nộp tiền đặt trước vào 2 ngày sau đó. Điều này dẫn đến thông báo đấu giá sẽ có nhiều mốc thời gian: Thời gian bán hồ sơ, tiếp nhận hồ sơ đăng ký tham gia đấu giá; thời gian nộp tiền đặt trước; thời gian tổ chức đấu giá... dẫn đến nhiều khách hàng nhầm lẫn các mốc thời gian với nhau.
|
Đối với quy định tiền đặt trước, Luật Đấu giá tài sản quy định mức tiền đặt trước khách hàng phải nộp khi tham gia đấu giá là từ 5% đến tối đa là 20% giá trị khởi điểm lô đất đăng ký. Nhằm bảo mật thông tin lô đất khách hàng đăng ký, tránh trường hợp đối với các lô đất có giá khởi điểm khác nhau, khách hàng có thể dựa vào tiền đặt trước để xác định được lô đất người khác đã đăng ký, nên giải pháp đặt ra là lấy bình quân một hoặc một số mức tiền đặt trước chung. Tuy vậy, vì mức tiền này không phải là mức tối đa nên trong trường hợp khách hàng không được trả lại tiền đặt trước do vi phạm quy chế hay từ chối mua tài sản, sẽ thất thu một phần tiền đặt trước vì có nhiều lô đất phần chênh lệch giữa mức tối đa và mức bình quân lên tới 100 triệu đồng.
Đặc biệt, lợi dụng "kẻ hở" đấu giá bằng hình thức bỏ phiếu gián tiếp, các đối tượng “cò đất” đã tập hợp lại thành từng tổ, nhóm để mua càng nhiều lô đất trong các dự án càng tốt, sau đó, chúng bán lại cho người dân có nhu cầu với giá cao hơn, thổi giá đất lên không đúng với thực tế.
Theo lãnh đạo Sở TN&MT Nghệ An, việc triển khai áp dụng đấu giá đất bằng hình thức bỏ phiếu gián tiếp đã bước đầu thành công ở một số địa phương và sắp tới, sẽ được nhiều huyện, thành, thị áp dụng thực tế. Riêng những kẽ hở đang còn tồn tại như đã nêu, các Sở, ngành liên quan nghiên cứu để tiếp tục “bịt” những lỗ hổng này.