Hàng chục nghìn tỷ đồng cho mục tiêu nước sạch
Là địa phương khó khăn nhất của Hà Nội trước thời điểm Thủ đô mở rộng địa giới hành chính, huyện Sóc Sơn là nơi có nhiều “vùng trắng” nước sạch, điển hình là xã Bắc Sơn. Đáng lo ngại, do nằm gần Khu Liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn, nguồn nước nơi đây cũng không bảo đảm chất lượng.
Từ giữa năm 2017, thực hiện chủ trương xã hội hóa nước sạch của TP, Công ty Nước sạch số 2 Hà Nội đã triển khai xây dựng hệ thống cấp nước sạch cho 3 xã vùng chịu ảnh hưởng của Khu Liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn. Sau thời gian triển khai gấp rút, đến nay, 8.352 người dân thuộc 3 xã: Nam Sơn, Bắc Sơn và Hồng Kỳ đã được tiếp cận nguồn nước sạch đạt tiêu chuẩn chất lượng QCVN 01:2009/BYT của Bộ Y tế. Từ chỗ là một trong những “vùng trắng” nước sạch, tỷ lệ người dân xã Bắc Sơn được dùng nước sạch đã lên tới gần 40%.
Xã hội hóa nước sạch đang ngày càng khẳng định là hướng đi đúng đắn của Hà Nội trong nỗ lực “phổ cập” nước sạch nông thôn. Đến nay, TP đã kêu gọi sự tham gia của 23 nhà đầu tư, triển khai 34 dự án cấp nước sạch với tổng kinh phí gần 10.000 tỷ đồng. Sát cánh cùng các DN, TP đã dành riêng một khoản ngân sách khoảng 800 - 1.000 tỷ đồng cho các nhà đầu tư vay với lãi suất ưu đãi để thực hiện các dự án nước sạch tại những vùng sâu, vùng xa trung tâm… 34 dự án cấp nước nêu trên sau khi hoàn thành sẽ nâng tỷ lệ người dân nông thôn được dùng nước sạch lên 94% (tương đương khoảng 4 triệu dân).
Đối với các khu vực vùng sâu, vùng xa trung tâm, khó tiếp cận mạng lưới cấp nước từ các nhà máy nước tập trung, trên cơ sở thử nghiệm và đánh giá hiệu quả áp dụng công nghệ lọc nước Katalox Light của CHLB Đức tại các xã Hợp Đồng (huyện Chương Mỹ) và Chuyên Mỹ, Phù Yên (huyện Phú Xuyên), TP sẽ tiến hành nhân rộng mô hình cấp nước theo hộ, cụm dân cư sử dụng công nghệ này.
Đẩy nhanh tiến độ các dự án cấp nước
Bằng phương thức xã hội hóa, tỷ lệ người dân nông thôn trên địa bàn TP được dùng nước sạch đến nay đã đạt trên 52%. Hiện, TP đang tập trung đôn đốc các nhà đầu tư triển khai 4 dự án nước sạch gồm: Nhà máy nước Dương Nội - Hà Đông, Nhà máy nước Bắc Thăng Long - Vân Trì, Nhà máy nước mặt sông Đuống (giai đoạn 1), Nhà máy nước mặt sông Đà (giai đoạn 2). Sau khi hoàn thành cuối năm 2018, sẽ bổ sung thêm 335.000m3 nước sạch/ngày đêm cho người dân.
Trong giai đoạn 2019 - 2020, Hà Nội sẽ tiếp tục thực hiện 7 dự án khác với tổng công suất khoảng 1.015.000m3/ngày đêm gồm: Nhà máy nước mặt sông Đuống (giai đoạn 2), Nhà máy nước sạch sông Đà giai đoạn 2 (nâng thêm công suất), Nhà máy nước mặt sông Hồng, Hệ thống cấp nước Xuân Mai, Nhà máy nước Phú Sơn (huyện Ba Vì), Nhà máy nước huyện Mê Linh và Dự án nghiên cứu sử dụng nguồn nước hồ Quan Sơn (huyện Mỹ Đức) để phục vụ cấp nước sinh hoạt.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, bên cạnh đôn đốc các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ các dự án cấp nước, TP đang tiếp tục xem xét chủ trương đầu tư mạng lưới cấp nước cho 34 xã chưa có hệ thống nước sạch thuộc các huyện Đan Phượng, Phúc Thọ, Thạch Thất, Chương Mỹ; phấn đấu trong năm 2018, tất cả các xã đều có nhà đầu tư. Bên cạnh nâng cao tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sạch, TP cũng yêu cầu các nhà đầu tư rà soát thực trạng các nhà máy nước để xây dựng kế hoạch, lộ trình điều chỉnh, bổ sung công nghệ xử lý nước hiện đại, triển khai xúc xả, thay thế đường ống, đảm bảo nguồn nước cấp đạt tiêu chuẩn chất lượng nước ăn uống theo QCVN 01:2009/BYT của Bộ Y tế.
Hy vọng cùng với chủ trương đúng đắn của TP, sự vào cuộc quyết liệt, chủ động của các cấp chính quyền địa phương, đặc biệt là sự chung tay của các DN, giấc mơ nước sạch cho trên 4,3 triệu người dân nông thôn của Hà Nội vào cuối năm 2020 sẽ thành hiện thực.