Hệ thống Văn phòng Đăng ký đất đai: Bài 2: Còn khó khăn

Trường Giang| 10/12/2020 10:11

(TN&MT) - Mặc dù hệ thống Văn phòng Đăng ký đất đai hoạt động có rất nhiều hiệu quả, song trên thực tế triển khai còn gặp không ít khó khăn.

Cơ cấu tổ chức, cơ chế tài chính cần thay đổi

Một trong những khó khăn của hệ thống Văn phòng là về cơ cấu tổ chức. Cụ thể, ở một số địa phương, mô hình hoạt động và phương thức triển khai nhiệm vụ còn có sự khác nhau giữa các địa phương như tại huyện đảo Cồn Cỏ tỉnh Quảng Trị không có Chi nhánh, tại TP. Lai Châu không thành lập Chi nhánh mà các nhiệm vụ tại TP. Lai Châu do Văn phòng Đùng ký đất đai tỉnh thực hiện. Hoặc thành lập Văn phòng gộp chung với Trung Tâm phát triển quỹ đất ở Điện Biên... dẫn đến sự chỉ đạo, điều hành còn chưa được tập trung, thống nhất.

Bên cạnh đó, theo quy định tại Thông tư liên tịch số 15/2015/TTLT-BTNMT-BNV-BTC thì Văn phòng Đăng ký đất đai có Giám đốc và không quá 2 Phó Giám đốc. Quy định này chưa thực sự phù hợp với một số Văn phòng Đăng ký đã chuyển sang hoạt động theo cơ chế tự chủ hoàn toàn, đặc biệt là đối với các địa bàn có số lượng giao dịch lớn (TP.HCM, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai...), cần có số lượng cấp phó lớn hơn để giải quyết nhu cầu công việc.

Từ thực tế đó, TP.HCM đã kiến nghị Chính phủ cho phép bổ sung số lượng cấp phó và đã được Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình cho phép số lượng cấp phó là không quá 3 Phó Giám đốc. Tuy nhiên, để khắc phục tồn tại trên thì cần có giải pháp cụ thể cho toàn hệ thống.

Về nguồn nhân lực, hiện nay, nguồn nhân lực của hệ thống Văn phòng mới chỉ cơ bản đáp ứng nhu cầu giải quyết thủ tục hành chính về đất đai, chưa đáp ứng các nhiệm vụ khác như: chưa thực hiện đầy đủ việc lập, cập nhật hồ sơ địa chính, năng lực của đội ngũ cán bộ còn có sự chênh lệch, một số cán bộ chuyên môn chưa phù hợp với chuyên môn nghiệp vụ được giao, cán bộ thực hiện về công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu còn nhiều hạn chế, việc đào tạo, bồi dưỡng chưa được thường xuyên, kịp thời.

Về cơ chế hoạt động, sự phối hợp giữa Văn phòng với UBND cấp huyện và các cơ quan, đơn vị khác có liên quan trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Văn phòng còn chưa được nhịp nhàng. Một số UBND cấp huyện còn chưa đồng thuận mô hình hoạt động của Văn phòng. Đặc biệt, các Chi nhánh Văn phòng còn phải tham gia thực hiện nhiều nhiệm vụ khác tại địa phương như: giải quyết tranh chấp đất đai, xác định nguồn gốc sử dụng đất, bồi thường giải phóng mặt bằng... dẫn đến thiếu nhân lực và chồng chéo khi thực hiện nhiệm vụ.

Đối với cơ chế tài chính, thực hiện Nghị định số 141/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác, các Văn phòng đã triển khai thực hiện cơ chế tự chủ, tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập bước đầu đạt những hiệu quả nhất định. Tuy nhiên, theo quy định tại Điểm I, Khoản 1, Điều 5 của Thông tư 85/2019/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn về phí và lệ phí thuộc thẩm quyền quyết định của HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thì “Phí thẩm định hồ sơ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là khoản thu đối với công việc thẩm định hồ sơ, các điều kiện cần và đủ đảm bảo việc thực hiện cấp Giấy chứng nhận”.

Theo quy định của Nghị  định  số  141/2016/NĐ-CP, nguồn thu phí theo pháp luật về phí, lệ phí được để lại chi theo quy định của pháp luật phí và lệ phí, trong khi đó hiện nay, rất nhiều Văn phòng theo cơ chế tự chủ hoàn toàn, không được ngân sách cấp để thực hiện các hoạt động thường xuyên của đơn vị, nếu không có cơ chế thu để đủ bù đắp chi sẽ dẫn đến không có nguồn tài chính đáp ứng nhiệm vụ, làm ảnh hưởng đến việc cung cấp dịch vụ cho tổ chức, cá nhân.

    Hệ thống Văn phòng Đăng ký đất đai triển khai còn gặp không ít khó khăn.      Ảnh: MH

Quản lý, cập nhật chỉnh lý biến động và lưu trữ chưa đảm bảo yêu cầu

Việc thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn: Việc lập, cập nhật, lưu trữ và quản lý hồ sơ địa chính được xem là nhiệm vụ trọng tâm của Văn phòng Đăng ký đất đai, đảm bảo đất đai được quản lý chặt chẽ, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về đất đai từ Trung ương đến địa phương. Việc chỉnh lý và cập nhật hồ sơ địa chính cần được thực hiện thường xuyên, liên tục để dữ liệu đo đạc, đăng ký đất đai, cơ sở dữ liệu đất đai luôn phản ánh đúng thực trạng đến từng thửa đất, tránh tình trạng dữ liệu không được cập nhật, lạc hậu dẫn đến lãng phí trong đầu tư.

Tuy nhiên, việc quản lý, cập nhật chỉnh lý biến động và lưu trữ hồ sơ địa chính ở Văn phòng Đăng ký đất đai của một số địa phương hiện vẫn chưa được thực hiện hoặc thực hiện nhưng chưa đảm bảo yêu cầu nên hồ sơ địa chính còn phân tán, thiếu thống nhất, chưa phản ánh đúng thực trạng sử dụng đất, gây khó khăn, rủi ro trong công tác quản lý và sử dụng.

Nhiều địa phương chưa thực hiện việc lập Sổ địa chính điện tử nhưng không sử dụng Sổ Địa chính dạng giấy dẫn đến không xác định được thời điểm đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất đăng ký vào Sổ địa chính, không xác định được hiệu lực của việc đăng ký, dẫn đến rủi ro về tính pháp lý.

Một số địa phương triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai còn thiếu đồng bộ, dàn trải. Việc đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ vận hành cơ sở dữ liệu đất đai còn hạn chế, chưa đáp ứng theo lộ trình xây dựng Chính phủ điện tử; Số lượng dịch vụ công về đất đai ở mức độ 3, 4 còn thấp; Công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng công tác quản lý, vận hành và duy trì cơ sở dữ liệu đất đai chưa được quan tâm đúng mức…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hệ thống Văn phòng Đăng ký đất đai: Bài 2: Còn khó khăn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO