Hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải vẫn ô nhiễm
(TN&MT) - Tình trạng ô nhiễm nước trong hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải hiện vẫn đang ô nhiễm không có chuyển biến đã ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản… khiến người dân vô cùng bức xúc. Để có bức tranh toàn cảnh về môi trường trên hệ thống Bắc Hưng Hải, phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã phỏng vấn ông Lương Xuân Chính - Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải.
Trao đổi với phóng viên, ông Lương Xuân Chính cho biết: Thời gian bị ô nhiễm nặng trên hệ thống Bắc Hưng Hải là vào mùa khô từ tháng 11 đến tháng 5 năm sau, nặng nhất từ tháng 01 đến tháng 04 hàng năm. Các kênh trục bị ô nhiễm nặng gồm kênh Kim Sơn, Đình Dù, Tràng Kỹ, Tây Kẻ Sặt, Điện Biên, Đĩnh Đào, Cửu An; nặng nhất là kênh Kim Sơn, kênh Đình Dù.
Thưa ông, được biết hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải chảy qua 4 tỉnh, thành phố là Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên và Hải Dương. Xin Ông cho biết toàn cảnh bức tranh môi trường trên hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải hiện nay?
Ông Lương Xuân Chính: Công ty Bắc Hưng Hải được giao quản lý các công trình đầu mối và trục chính hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải, trong đó có 13 kênh trục chính gồm kênh Kim Sơn, Cửu An, Đình Dù, Điện Biên, Đồng Than, Lạc Cầu, Tây Kẻ Sặt, Nam Kẻ Sặt, Tràng Kỹ, Đĩnh Đào, kênh Cái, Lộng Khê – Cầu Xe, Lộng Khê – An Thổ với tổng chiều dài hơn 230 km nằm trên địa bàn của tỉnh Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh.
Ngoài việc tiếp nhận nước đảm bảo chất lượng phục vụ sản xuất nông nghiệp từ sông Hồng (qua cống Xuân Quan), sông Thái Bình (cống Cầu Cất, Cầu Xe), sông Luộc (cống An Thổ), kênh trục Bắc Hưng Hải còn tiếp nhận nước tiêu từ nội đồng qua các trạm bơm và cống nội đồng, cống dân sinh chảy vào (gồm 580 cống và 18 trạm bơm tiêu). Trong số này có 40 cống và 02 trạm bơm tiêu nước vào kênh trục gây ô nhiễm, cụ thể:
TT | Kênh trục | Điểm tiêu nước vào kênh trục gây ô nhiễm | ||||
Tổng số | Trong đó | |||||
Hà Nội | Hưng Yên | Bắc Ninh | Hải Dương | |||
1 | Kênh Kim Sơn | 27 | 03 | 14 | - | 10 |
2 | Kênh Đình Dù | 04 | - | 04 | - | - |
3 | Kênh Lạc Cầu | 02 | - | 02 | - | - |
4 | Kênh Điện Biên | - | - | - | - | - |
5 | Kênh Tây Kẻ Sặt | - | - | - | - | - |
6 | Kênh Tràng Kỹ | - | - | - | - | - |
7 | Kênh Đĩnh Đào | 07 | - | - | - | 07 |
8 | Kênh Cửu An | - | - | - | - | - |
9 | Kênh Cái | - | - | - | - | - |
10 | Kênh Lộng Khê - Cầu Xe | 02 | - | - | - | 02 |
Tổng cộng | 42 | 03 | 20 | - | 19 |
Qua theo dõi nhiều năm, các điểm tiêu nước vào kênh trục gây ô nhiễm vẫn tồn tại như cũ và không có các điểm xả phát sinh mới.
Trong số các nguồn thải nêu trên, có bao nhiêu nguồn thải đã qua xử lý và có bao nhiêu nguồn thải chưa qua xử lý trước khi xả ra môi trường? Những nguồn thải chính đang xả thải xuống hệ thống thủy lợi là những nguồn nào, thưa Ông?
Ông Lương Xuân Chính: Gần các cống, trạm bơm tiêu nước vào kênh trục Bắc Hưng Hải gây ô nhiễm nêu trên hiện chưa có trạm hoặc nhà máy xử lý nước thải trước khi chảy vào kênh trục Bắc Hưng Hải.
Theo quan sát, mức độ tiêu nước gây ô nhiễm môi trường nhiều nhất cho kênh trục Bắc Hưng Hải gồm:
Cống Xuân Thụy, cống đôi khu Liên Cơ, cống tiêu KCN thôn Ngọc Loan, cống Phần Hà, cống Ngọc Lâm, cống Bình Lâu, TB Bình Lâu, TB Kim Sơn, cống Tứ Thông. Các cống này tiêu nước vào kênh Kim Sơn.
Cống đôi thôn Ngọc Đà, cống thôn Bình Lương tiêu nước vào kênh Đình Dù.
Công ty Bắc Hưng Hải chỉ quản lý hệ thống trục chính, phần từ trục chính trở vào trong đồng do các đơn vị của 4 tỉnh Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh và Hải Dương quản lý.
Với chức năng vận hành hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải, việc ô nhiễm như hiện nay đã gây ra những khó khăn gì đối với phía Công ty, thưa Ông?
Ông Lương Xuân Chính: Ô nhiễm nước kênh trục Bắc Hưng Hải đã gây ra một số khó khăn cho các hoạt động của công ty như: Do nước trong kênh Kim Sơn có thời điểm bị ô nhiễm nặng, có thời điểm một số địa phương không dám bơm nước tưới mặc dù trên đồng đang cần tưới.
Ô nhiễm nước cũng làm ảnh hưởng đến người trực tiếp thực hiện các công tác vớt bèo rác trên kênh, đi kiểm tra kênh, công nhân vận hành cống và các nhà quản lý công trình (nơi người lao động nghỉ ngơi sau mỗi ngày làm việc).
Ông có thể cho bạn đọc biết thêm một số thông tin về vận hành hệ thống Bắc Hưng Hải mà Công ty đang thực hiện?
Ông Lương Xuân Chính: Việc vận hành hệ thống hiện được thực hiện theo Quy trình vận hành hệ thống được điều chỉnh, ban hành kèm theo Quyết định số 5471/QĐ-BNN-TCTL ngày 28 tháng 12 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đến nay hệ thống đã xuất hiện những yếu tố bất lợi: Mực nước sông Hồng tại thượng lưu cống Xuân Quan xuống thấp, việc lấy nước qua cống Xuân Quan chỉ đạt 50%-60% so với yêu cầu, phải lấy ngược qua cầu Xe, An Thổ 30%-50%; Một số năm gần đây mặn tại Cầu Xe và An Thổ xuất hiện có xu hướng kéo dài và trị độ mặn có xu hướng tăng làm ảnh hưởng đến việc cấp nước; Nước trong kênh trục bị ô nhiễm vào mùa khô. Bộ NN&PTNT đã có QĐ 2951/QĐ-BNN-TL ngày 24/7/2023 phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh quy trình vận hành hệ thống BHH. Hiện quy trình vận hành mới đang được hoàn thiện để trình Bộ phê duyệt
Ông có kiến nghị, đề xuất gì để giảm thiểu và tiến tới là khắc phục tình trạng ô nhiễm tại hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải, thưa Ông?
Ông Lương Xuân Chính: Chính phủ đã có thông báo số 315/TB-VPCP ngày 09/8/2023 về việc kết luận của phó thủ tướng chính phủ Trần Hồng Hà tại hội nghị về xử lý ô nhiễm môi trường hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải. Trong đó đã nêu rõ các giải pháp, nhiệm vụ và trách nhiệm cụ thể cho từng Bộ, ngành, địa phương.
Để giảm thiểu và khắc phục ô nhiễm tại hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải, các Bộ, ngành và địa phương phải sớm triển khai, thực hiện các giải pháp theo như thông báo số 315 của Chính phủ.
Xin trân trọng cảm ơn Ông!