Hệ thống điện linh hoạt sẽ thúc đẩy chuyển đổi năng lượng

Khánh Ly| 03/11/2022 00:00

(TN&MT) - Theo Viện Năng lượng (Bộ Công Thương), nhu cầu nguồn linh hoạt trong hệ thống điện Việt Nam có thể lên tới khoảng 44 GW vào năm 2050. Tính bất ổn định của điện gió, điện mặt trời buộc ngành điện phải tính đến việc bổ sung các nguồn điện linh hoạt.

Chia sẻ tại Hội thảo “Động cơ ICE linh hoạt: Công nghệ và giải pháp cho hệ thống điện Việt Nam” vào sáng ngày 3/11, ông Lê Việt Cường, Phó Viện trưởng Viện Năng lượng cho biết: Hiện tại, Việt Nam có hơn 21.000 MW công suất nguồn điện mặt trời và điện gió đang vận hành - chiếm hơn 25% tổng công suất phát điện và khoảng 50% nhu cầu phụ tải cao điểm của hệ thống. Với đặc tính khó dự báo và thay đổi nhanh chóng theo thời tiết, cơ cấu nguồn điện này đã và đang tạo nhiều áp lực đối với đơn vị vận hành hệ thống điện nhằm đảm bảo hệ thống điện hoạt động ổn định, an toàn và hiệu quả.

anh-ie.jpg
Ông Lê Việt Cường, Phó Viện trưởng Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) chia sẻ về nhu cầu nguồn điện linh hoạt tại Việt Nam

Để đảm bảo an ninh năng lượng trong bối cảnh thực hiện cam kết quốc tế về chuyển dịch năng lượng, hướng tới mục tiêu phát thải ròng cac-bon bằng 0 vào năm 2050, NLTT dự kiến sẽ chiếm tỷ trọng khoảng 30% năm 2030 và tăng lên 60% năm 2050. Quá trình chuyền dịch cần những nguồn điện (ngoài năng lượng hóa thạch) có khả năng điều tiết để bù đắp vào thời điểm công suất phát điện từ NLTT giảm thấp, cũng như lưu trữ dự phòng. Độ linh hoạt có thể được cung cấp bởi các giải pháp khác nhau như thủy điện tích năng, pin tích trữ năng lượng và điện khí linh hoạt dựa trên công nghệ động cơ đốt trong ICE.

“Nguồn điện linh hoạt có nhiều ưu điểm kỹ thuật khi vận hành trong hệ thống điện, như khởi động nhanh, dừng nhanh; chế độ tải nền, phủ đỉnh, tải thấp; thay đổi công suất phát tức thời theo yêu cầu của đơn vị vận hành hệ thống điện” – ông Cường cho biết. Dự thảo Quy hoạch điện 8 cũng đã ghi nhận tầm quan trọng của nhà máy điện linh hoạt trong một hệ thống điện có tỷ trọng NLTT cao.

Theo tính toán của Viện Năng lượng, nhu cầu nguồn linh hoạt trong hệ thống điện Việt Nam tới năm 2030 khoảng 300 MW, sau đó sẽ tăng lên 9 GW vào năm 2035, 33 GW vào năm 2045 và khoảng 44 GW vào năm 2050 (chiếm khoảng 8% công suất đặt hệ thống và 14% tổng công suất điện gió và điện mặt trời).

Ông Keijo Norvanto, Đại sứ Phần Lan tại Việt Nam cho rằng, Quy hoạch điện 8 với trọng tâm sẽ là phát triển NLTT và từng bước loại bỏ điện than. Điều này giúp ngành năng lượng phát triển rất tích cực, đóng góp đáng kể cho việc thực hiện cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. 

1w3a6987-copy.jpg
Ông Keijo Norvanto, Đại sứ Phần Lan tại Việt Nam phát biểu tại hội thảo

Theo báo cáo "Tái định hình ngành Năng lượng tại khu vực Đông Nam Á" do Tập đoàn Wärtsilä - tập đoàn hàng đầu thế giới về các giải pháp năng lượng linh hoạt dựa trên công nghệ ICE thực hiện, Việt Nam có thể loại bỏ hoàn toàn các nhà máy điện than và dầu khi đã có đủ sản lượng điện từ NLTT, cộng với khả năng cân bằng hệ thống điện từ các nhà máy điện ICE và hệ thống pin tích trữ.

Trong quá trình dịch chuyển sang năng lượng tái tạo, hệ thống ICE giúp giảm dần phát thải các-bon nhờ hệ thống sử dụng đa nhiên liệu: nhiên liệu hóa thạch, nhiên liệu các-bon thấp (như khí thiên nhiên hóa lỏng LNG, methanol xanh), tiến tới là nhiên liệu không phát thải (khí hdro xanh, ammonia xanh).

Theo ông Nicolas Leong, Giám đốc khu vực Bắc & Đông Nam Á, Tập đoàn Wärtsilä, các nhà máy điện ICE linh hoạt và các giải pháp tích trữ năng lượng sẽ giúp Việt Nam đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng bằng cách đảm bảo lưới điện luôn ổn định, nâng cao hiệu suất của toàn bộ hệ thống điện. Nhờ đó, việc đạt mục tiêu Net Zero hoàn toàn khả thi với các công nghệ có sẵn mà không làm tăng chi phí hệ thống.

anh-1.png
Đông cơ đốt trong linh hoạt ICE

Các chuyên gia nhận định, về lâu dài, Việt Nam cần xây dựng nhà máy điện linh hoạt ICE nhằm đáp ứng yêu cầu cho một hệ thống điện dựa trên các nguồn năng lượng tái tạo. Hệ thống công suất của nguồn linh hoạt cần đạt từ 10 – 20% (tương đương 900 – 1.800 giờ). Do đó, cơ quan chức năng cần xem xét xây dựng giá dịch vụ phụ trợ cho nguồn linh hoạt để đảm bảo khả năng tài chính cho dự án.

Để hấp dẫn các nhà đầu tư, các hợp đồng mua bán điện PPA mới nên được thiết kế tích hợp các cơ chế ưu đãi để khuyến khích và ghi nhận tính linh hoạt trong vận hành. Trong giai đoạn dài hạn, cần phát triển các thị trường bán buôn cạnh tranh với thời gian thực và giao dịch trong thời gian ngắn để phản ánh tốt hơn thực tế của thị trường điện đang thay đổi. Do đó, thay vì có hợp đồng giá cố định, các nhà máy điện sẽ phải cạnh tranh bằng cách chào giá trên thị trường điện. Điều này sẽ tạo động lực đầu tư vào năng lượng tái tạo và các nguồn linh hoạt hơn để đáp ứng nhu cầu khi cần thiết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hệ thống điện linh hoạt sẽ thúc đẩy chuyển đổi năng lượng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO